Dưới đây là nội dung chính của báo cáo dựa trên khảo sát 230 giám đốc điều hành, biên tập viên và lãnh đạo bộ phận nội dung kỹ thuật số đến từ 32 nước.
1.Kém lạc quan về triển vọng báo chí
Xấp xỉ 2/3 số người được hỏi (73%) nói rằng, họ cảm thấy tự tin hoặc rất tự tin về triển vọng công ty của mình trong năm 2020. Đây được coi là nhận định lạc quan đáng ngạc nhiên trong bối cảnh tình hình chính trị, thương mại ở nhiều nước trên thế giới vẫn chưa ổn định. Tuy nhiên, nó phản ánh sự lạc quan của nhiều đơn vị xuất bản rằng, doanh thu từ độc giả và các chiến lược đa dạng hóa sản phẩm bắt đầu được đền đáp.
Trong khi đó, lãnh đạo các cơ quan báo chí, đơn vị truyền thông kém lạc quan hơn về triển vọng báo chí nói chung, báo chí lợi ích công cộng (theo đuổi thông tin mà công chúng có quyền được biết) nói riêng. Tỷ lệ người lạc quan chỉ là 46%. Nhiều người lo ngại về sự suy giảm của báo chí địa phương và áp lực gia tăng ở nhiều nước đối với các nhà báo nỗ lực bắt giới nhà giàu và giới quyền lực phải chịu trách nhiệm. Một xu hướng nổi bật là sự thiếu tự tin đến từ các nhà đài dịch vụ công cộng. Nhiều đài phát thanh-truyền hình đang phải đối mặt tình trạng số lượng khán thính giả giảm mạnh, giảm nhanh, cạnh tranh gay gắt với Netflix và Spotify, và đòn tấn công nhằm vào đầu ra tin tức đến từ các chính trị gia dân túy và các ông chủ truyền thông thương mại.
2.Tăng hy vọng người đọc trả tiền
Các nhà xuất bản tiếp tục đặt cược lớn vào doanh thu đến từ người đọc. Một nửa số người được khảo sát (50%) nói rằng, đây sẽ là nguồn thu nhập chính trong tương lai. Hơn 1/3 (35%) nghĩ rằng, doanh thu quảng cáo và doanh thu đến từ độc giả sẽ quan trọng như nhau. Cứ 7 người được hỏi thì chỉ có 1 người (14%) đặt toàn bộ hy vọng vào doanh thu quảng cáo. “Các bộ máy tăng trưởng, đặc biệt là doanh thu đến từ người đọc, có triển vọng rất tích cực. Doanh thu quảng cáo vẫn là mối quan tâm lớn”, ông Jon Slade, giám đốc thương mại của Financial Times, nhận định.
Năm nay sẽ chứng kiến các cơ quan báo chí Nam Âu dựa nhiều hơn vào sự đặt mua, đăng ký báo dài hạn. Ở Tây Ban Nha, nhật báo lớn thứ hai nước này, El Mundo, đã bắt đầu thu phí đối với các nội dung quan trọng (mang tính phát hiện, có sự điều tra công phu, độc quyền…), còn nhật báo El País được dự báo sớm có động thái tương tự. Trong khi đó, các ấn phẩm nhỏ hơn cũng sẽ đi tới thành công thông qua nhiều mô hình đặt báo và đăng ký thành viên khác nhau.
Tuy nhiên, thành công không được bảo đảm. “Cạnh tranh gia tăng đối với số lượng người đọc hạn chế mà sẵn sàng trả tiền có thể là một thách thức trong năm nay, khi các mô hình đặt báo đã bão hòa. Việc giảm giá mạnh đã được áp dụng rộng rãi. Tỷ lệ độc giả đặt báo dài hạn không gia hạn hợp đồng sau khi hết năm vẫn tồn tại. Hai thực tế này cũng có thể khiến các cơ quan báo chí thêm đau đầu khi họ không thể chứng minh giá trị nhất quán đối với độc giả”, ông Nic Newman, tác giả báo cáo của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, nhận định.
Báo cáo cho rằng, việc thu gom dữ liệu của bên thứ nhất sẽ trở thành một trọng tâm chính của các nhà xuất bản trong năm nay, theo sau đà giảm hỗ trợ cookie từ các trình duyệt hàng đầu và siết quy định về quyền riêng tư ở châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa rào cản thanh toán kỹ thuật số và rào cản đăng ký có thể tạo thêm rào cản cho người dùng (đối tượng mua tin) thông thường.
3.Google phổ biến hơn Facebook
Kết quả khảo sát cho thấy, các nhà xuất bản vẫn tin vào Google và Twitter hơn là Apple, Facebook, Snapchat, Amazon xét về các sáng kiến ủng hộ báo chí. Hơn một nửa số người được hỏi đánh giá Google ở mức độ trung bình hoặc cao hơn, trong khi tất cả các nền tảng khác được xếp ở mức thấp hơn. Điểm số cao hơn dành cho Google phản ánh việc có nhiều nhà xuất bản là đối tượng đã hoặc đang được hưởng lợi từ các quỹ sáng tạo của Google (DNI hoặc GNI), và họ cộng tác với Google đối với nhiều sản phẩm liên quan tin tức. Điểm số thấp dành cho Facebook có thể phản ảnh sự không tin tưởng của các nhà xuất bản sau khi có một loạt thay đổi về chiến lược sản phẩm và những thay đổi này khiến một số nhà xuất bản bị lộ thông tin tài chính.
4.Bước tiến lớn về sự đa dạng nhưng không phải trong mọi lĩnh vực
Các đơn vị xuất bản nói rằng, họ đạt được bước tiến lớn về đa dạng giới, với 3/4 (76%) tin họ đang làm tốt việc đó. Tuy nhiên, chỉ có 33% tự đánh giá mình làm tốt về đa dạng chủng tộc, 48% về đa dạng chính trị và 55% đa dạng về các lĩnh vực phi đô thị. Về đa dạng giới, các nhà xuất bản ở bán đảo Scandinavia tự tin hơn so với phần còn lại của châu Âu. Nhìn chung, phụ nữ hoài nghi hơn nam giới về tốc độ tiến bộ.
Thiếu đa dạng cũng có thể là một nhân tố ảnh hưởng việc thu hút người tài mới. Các nhà xuất bản không mấy tự tin về việc có thể thu hút và giữ chân người tài trong bộ phận công nghệ (24%), khoa học dữ liệu (24%), quản lý sản phẩm (39%). Họ tự tin hơn về bộ phận biên tập (76%).
5.Podcast vẫn là chủ đề nóng
Hơn một nửa các đơn vị xuất bản nói rằng, năm nay họ sẽ thúc đẩy hoạt động podcast (phát các tập tin âm thanh hoặc video số về các chủ đề cụ thể để người dùng có thể tải về và nghe). The Times (Anh) đã quyết định thực hiện podcast tin tức hằng ngày, trong khi nhiều cơ quan báo chí khác đang đầu tư vào các định dạng phỏng vấn/trò chuyện hoặc phim tài liệu. Le Monde (Pháp) gần đây phát 3 loạt podcast chuyển thể từ các bài báo điều tra.
Doanh thu podcast ở Mỹ được dự đoán tăng khoảng 30%/năm, vượt 1 tỷ USD vào năm 2021. Doanh thu ở các nước khác thì tăng trưởng chậm hơn. Một số đơn vị xuất bản đang tìm cách tạo ra các dịch vụ mới dành cho thiết bị giọng nói hoặc biến bài báo dạng văn bản thành dạng âm thanh.
6.Tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo
Các đơn vị xuất bản có kế hoạch tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng hiệu quả phát hành trong năm 2020. Hơn một nửa số người được hỏi nói rằng, đưa ra các đề xuất tốt hơn là rất quan trọng. Theo sau là sử dụng thương mại, như dùng AI để nhắm vào các thuê bao tiềm năng và tối ưu hóa paywall - độc giả không trả phí sẽ không được đọc nội dung hay (47%), tăng hiệu quả trong tòa soạn thông qua việc gắn thẻ hoặc đọc soát với sự trợ giúp của AI (39%). Chỉ có một số ít nhà xuất bản cho rằng, báo chí tự động - sử dụng công nghệ AI để viết tin bài, nhất là về dự báo thời tiết, tai nạn, báo cáo tài chính… (12%) hoặc thu thập tin tức (16%) sẽ là lĩnh vực quan trọng trong năm nay.