Văn hóa báo giấy
“Ngày trước, người ta ngồi uống cà phê đọc báo, ăn sáng đọc báo, ngồi hóng mát công viên, bờ sông đọc báo… Dường như mỗi sáng cầm tờ báo trên tay đã trở thành nếp sinh hoạt không thể thiếu của người dân thị thành. Văn hóa đọc báo giấy, mỗi thời mỗi khác, nhưng hình ảnh đó có nét rất riêng”, ông Thuận nói. Rồi ông ôn lại những ngày đi bán báo dạo, vất vả nhưng vui và ý nghĩa. Nghề bán báo dạo, không chỉ là kế sinh nhai của những người như ông Thuận đã hàng chục năm gắn bó, mà ông giống như người đưa tin. Chồng báo trên tay, ông mải miết gồng mình đạp xe đi khắp hang cùng ngõ hẻm, chuyển tải bao thông điệp cuộc sống đến từng người dân.
“Mấy chục năm trong nghề, tôi đã chứng kiến sự đổi thay, chuyển mình của báo giấy. Thời kỳ đầu, khi mới vào nghề, mặc dù chất lượng in chưa được tốt như bây giờ, số lượng đầu báo cũng không phong phú nhưng cứ báo ra lò là người mua tới tấp. Bởi người ta muốn đọc thông tin thời sự nóng hổi chỉ có trên mặt báo. Ngày ấy rất nhiều niềm vui”, ông Thuận nhớ lại. Hơn 30 năm qua, hình ảnh một ông già nhỏ thó, da cháy nắng, tóc bạc phếch, khuôn mặt chằng chéo những nếp nhăn, cưỡi chiếc xe đạp cà tàng cũ kỹ rong ruổi trên khắp các ngả đường bán báo dạo ở thành phố Vinh trở nên quen thuộc với nhiều người. Là người bán báo dạo lâu năm nhất còn sống ở thành phố Vinh, ông Đinh Văn Thuận (SN 1943) trú khối 16, phường Lê Lợi, TP Vinh, Nghệ An được mọi người nhắc đến với tên gọi khá thú vị “Vua bán báo dạo”,“Người bán báo dạo cuối cùng”. Thời hoàng kim, một ngày ông bán được 300 - 400 tờ báo. Hết rao bằng miệng lại rao bằng loa. Phố phường tấp nập, đội quân bán báo dạo xe đạp xe máy đi lại như con thoi, tiếng rao “báo đây”, “báo mới này” cứ rộn ràng, rộn ràng.
Nóng lòng, khấp khởi, cứ mỗi sáng mai không ai khác chính những người bán báo dạo như ông Thuận là người may mắn cầm trên tay tờ báo đầu tiên trong ngày còn ấm hơi giấy thơm mùi mực. Không bỏ qua cơ hội cập nhật tin tức nóng hổi nhất, mới mẻ nhất, mà ông còn phải đọc kỹ từng trang báo, xem có tin bài nào “hot” để còn rao to lên “cho thiên hạ tỏ tường”. Thói quen đó đã duy trì suốt mấy chục năm qua. Thói quen ăn sâu vào tiềm thức, vào nỗi nhớ. Đôi lúc mớ ngủ, ông giật mình nhỏm dậy cất tiếng rao thảng thốt “Báo đơi, báo mới nào!”.
Ông cảm thấy vui vì làm nghề này không chỉ được gặp gỡ nhiều người, chu du khắp nơi mà còn tích lũy thêm nhiều kiến thức, thông tin hữu ích. Để có báo mới, thông tin kịp thời tới người đọc, người bán báo dạo như ông Thuận phải đặt số lượng cụ thể từ ngày hôm trước để hôm sau nhận báo với đủ các loại, rồi thì tập san, truyện. Ông bảo, ngày mới vào nghề, muốn thu hút khách phải có tuyệt chiêu. Ông học thuộc lòng và đọc vanh vách các bài thơ của Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều của Nguyễn Du và các bài vịnh thơ khiến khách mua thích thú. Có lẽ, nhờ tính cách vui vẻ, tếu táo mà “sạp báo lưu động” của ông bán khá chạy. Có những ngày ông bán được cả trăm tờ báo, ít cũng 50 tờ. Hiện nay, hình ảnh người bán báo dạo càng trở nên hiếm có, khó tìm. Hầu hết những người bán báo dạo đều đã chuyển nghề. Ở thành phố Vinh, người bán báo, ngoài ông ra chẳng còn ai. Nhưng với ông Thuận, cái nghề “trời đày” ấy đã thành nguồn sống, thành máu thịt, thành đam mê cuộc đời.
“Có hôm đang đi bán báo thì bất chợt trời bỗng đổ mưa, thế là ướt nhẹp cả. Tôi chỉ biết lấy áo mưa của mình phủ kín chồng báo. Thường vào mùa mưa ai cũng mang theo áo mưa nhưng chỉ có một cái, nên nhiều người chọn cách “mình ướt cho báo được khô”. Tôi cũng vậy!”. Theo ông Thuận, trăm thứ nghề cơ cực thì nghề bán báo dạo là một trong những nghề cơ cực nhất. Người bán phải có sức khỏe để mang tập báo trên người rồi đi rong hết phố này đến phố khác. Ngoài ra, người bán báo dạo cũng cần phải có mẹo, phải nhanh nhạy, nhận biết được thị hiếu của độc giả, thích đọc báo nào để lấy tờ đó nhiều hơn; phải biết mời chào, biết quảng cáo các tờ báo có đăng tin nóng, vụ án hấp dẫn để khách thích thú và rút ví mua...
Hằng ngày ông Thuận bắt đầu công việc lúc tờ mờ sáng
“Chỉ sợ không có sức khỏe mà làm thôi”
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hải Hậu (tỉnh Nam Định), ông Thuận từng làm công nhân giao thông thuộc Xí nghiệp giao thông IV. Năm 1980, ông về hưu và quyết định chọn thành phố Vinh làm nơi “neo đậu”. Với đồng lương hưu ít ỏi, ông phải làm thêm nhiều việc để trang trải cuộc sống gia đình từ cắt tóc, bán kem, bán bánh mỳ… những nghề có vẻ “ít duyên”. Cuối cùng, ông chọn nghề bán báo dạo làm bạn đồng hành cho đến tận bây giờ. Bất kể ngày nắng gắt hay giông mưa, bước chân và vòng xe của ông vẫn rong ruổi vòng quanh khắp các phố phường. “Trước đây, tôi bán báo để mưu sinh, còn giờ bán báo để hưởng niềm vui an thú tuổi già. Ngày trước mê đọc báo lắm, thế là đi bán báo để được đọc báo miễn phí; vừa mang thông tin, tri thức đến cho người đọc, vừa tự trau dồi tri thức cho mình”, ông Thuận rộn ràng.
Công việc cứ xoay vần theo từng nhịp bánh xe đạp, cho đến một ngày ông gặp bà Đỗ Thị Thành, người bạn đời hiện tại, tuổi kém ông hơn một con giáp. Rồi ông bà lần lượt có với nhau hai người con trai. Cuộc sống tuy khó khăn, bữa no, bữa đói nhưng luôn ngập tràn tiếng cười. Nhắc đến vợ, ông Thuận tươi hẳn lên: “Tôi thì già, bà ấy thì trẻ, nhiều khi cũng “đỏng đảnh” lắm, nên tôi phải cân đối hài hòa hai vợ chồng. Nghề bán báo dạo vất vả hay phải dậy sớm, bà ấy cũng dậy theo, chuẩn bị nắm xôi, bát mỳ tôm… để tôi ăn lót dạ trước khi đi làm”.
Ông Thuận trải lòng về nghề bán báo dạo
Hàng chục năm qua, cụ ông U80 này vẫn luôn duy trì thói quen thức dậy vào lúc trời chưa hửng nắng, đến bưu điện nhận báo rồi cặm cụi đạp xe khắp hang cùng ngõ hẻm đến chiều tối. “Đi nhiều cũng thành quen, lại thấy công việc nó bình thường. Nhiều khi, tôi phải đi bộ cả cây số mới bán được 1 tờ báo, lãi chỉ được 500 đến 1.000 đồng. Nghĩ vất vả, nhưng thôi, năng nhặt chặt bị!”, ông Thuận chia sẻ. Ông Thuận nhấn mạnh: “Đây là nghề lương thiện, chính đáng. Tiền tuy không nhiều, nhưng đủ sống vui vẻ. Với tôi như vậy là đủ”. Cuộc đời thật hạnh phúc, viên mãn khi ta thấy hài lòng với cái mình đang có.
Lật dở từng trang báo Tiền Phong đã cũ, phai màu xuất bản năm 2011, ông Thuận vẫn vẹn nguyên những xúc cảm ngày đầu bước chân vào nghề. Mặc dù giờ đây, mạng xã hội phủ sóng toàn cầu, công việc bán báo dạo của ông vì thế cũng gặp nhiều khó khăn nhưng ông luôn tin vào sức sống mãnh liệt của báo giấy truyền thống. Ông khẳng khái: “Trời đẹp, tôi sẽ lại tiếp tục đạp xe đi bán báo. Tuổi tác, có hề chi!”.