Ngày 8/10, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết về trường hợp bé Phạm Thị Mai Lan (4 tuổi, ngụ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đang phải điều trị bỏng thực quản tại bệnh viện với các di chứng nặng nề.
Theo người nhà, cách đây 4 tháng, mẹ dẫn bé Lan đi ăn đám giỗ. Trong lúc chơi, bé khát nước nên chộp lấy chai nước trong veo để trên bàn (gần nơi nấu bếp) uống. Sau khi uống chai nước này, Lan bắt đầu chảy nước bọt và nôn ói liên tục.
Gia đình liền đưa bé vào bệnh viện huyện cấp cứu. “Ở đây kêu chúng tôi mang chai nước mà bé nó đã uống lên bệnh viện. Khi bác sĩ đổ chất lỏng trong chai này vào chậu nước lạnh, nó sôi lên tỏa khói”, bà nội bé Lan kể lại. Sau khi sơ cứu, cháu bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.
Bé Lan trong vòng tay bà nội sau khi được nong thực quản lần thứ 4. Ảnh: Quốc Ngọc
Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn - Trưởng khoa tai mũi họng - cho biết, dung dịch mà bé Lan đã uống là một loại kiềm KOH (hydroxit kali), thường gọi là nước tro tàu. Đây là một hóa chất sử dụng trong chế biến thực phẩm, ví dụ có thể làm bánh tro, mì sợi được dai hơn…
Dung dịch này không màu, trong suốt nên trẻ dễ nghĩ là nước và rất hay uống nhầm. “Nếu như uống nhầm axit thì các dấu hiện lâm sàng như sưng tấy, dộp đỏ dễ nhận biết, còn các dung dịch kiềm lại không gây ra các triệu chứng tức thời mà thẩm thấu nguy hiểm hơn”, bác sĩ Sơn nói.
Do đó, ban đầu bé Lan được đánh giá bỏng thực quản độ 2. Bác sĩ xử lý xúc rửa, dùng dung dịch băng dạ dày, tránh nhiễm trùng. Tuy nhiên, vài tuần sau bé vẫn không hết đau, ăn không được, vì như đã nói, dung dịch kiềm đã ngấm qua niêm mạc thực quản của bé Lan, gây tổn thương lớp cơ sâu bên dưới, khiến bệnh nhi bị biến chứng teo thực quản. Chỉ trong 4 tháng, bé đã sụt gần 6kg. Đến đầu tháng 10, bé Lan đã được bệnh viện tiến hành đặt ống nong thực quản 4 lần.
Do đó, bé Lan còn phải tiếp tục điều trị kéo dài trong ít nhất một năm để loại bỏ tuyệt đối các biến chứng. “Có trường hợp tổn thương quá sâu, không thể nong được nữa, chúng tôi phải phẫu thuật cắt và nối thực quản.
Nếu đoạn thực quản teo quá dài, phải cắt, rồi lấy ruột già lên để nối thực quản với tỷ lệ thành công là 90%”, bác sĩ Sơn nói. Cũng theo bác sĩ Sơn, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 15 ca trẻ uống nhầm axit, dung dịch kiềm. Phần lớn phụ huynh không biết cách sơ cứu.
Chưa kể khi trẻ uống nhầm dung dịch kiềm (nước tro tàu, chất tẩy rửa…) lại không phát hiện kịp thời vì dấu hiệu không rõ. Trẻ đến bệnh viện thường đã trễ và không được sơ cứu đúng cách. “Khi trẻ uống nhầm axit hay bazơ, cần cho trẻ uống nước lạnh thật nhiều, càng nhiều càng tốt, đồng thời đưa ngay đến bệnh viện”, bác sĩ khuyên.