Bác sĩ Cao Xuân Phúc, Học viện Quân y 103 cho biết khi cố ý hoặc vô ý uống phải thuốc trừ sâu, thuốc chuột, thuốc ngủ hoặc các chất hóa học khác sẽ gây nên hiện tượng ngộ độc. Các chất này đều có chung một đặc điểm là đi vào cơ thể với một nồng độ cao, chạm và vượt quá liều đều rất nguy hiểm đến tính mạng.
Lúc này, việc cấp cứu cho bệnh nhân rất quan trọng vì có thể quyết định đến khả năng sống sót. Nhiều hợp chất hóa học hiện không có chất chống độc đặc hiệu, do đó, chỉ có thể hy vọng vào các biện pháp sơ cứu ban đầu.
“Ngay khi phát hiện ra sự cố, cần khẩn trương gây nôn cho bệnh nhân. Kỹ thuật gây này rất quan trọng, người thân hoặc nhân viên y tế phải kích thích để bệnh nhân nôn càng nhiều càng tốt, càng sớm càng hay, càng khẩn trương càng có giá trị. Đây là phương thức hiệu quả nhất chống thuốc đi vào trong máu”, bác sĩ Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bạn có thể áp dụng một trong số cách sau để kích nôn:
- Chọc tay vào sâu bên trong cổ họng bệnh nhân nếu là trẻ em. Vì bé không dám tự gây nôn cho mình. Nếu bệnh nhân là người lớn, bạn có thể hướng dẫn để bệnh nhân tự làm. Lúc này, việc gây nôn quan trọng hơn việc để ý tới ngón tay nhiễm khuẩn. Do đó, chỉ cần ngón tay sạch là có thể thực hiện. Khi ngón tay chọc vào gốc lưỡi, phản xạ nôn sẽ xuất hiện.
- Bạn sử dụng một chiếc lông gà ngoáy vào trong cổ họng bệnh nhân. Lông tơ sẽ chạm vào thành họng và gây nôn. Người bệnh cần mở rộng miệng.
- Một số người sợ thuốc đắng, nếu muốn kích nôn, bạn chỉ cần cho họ ngậm một viên closid (thuốc trị tiêu chảy), 4 viên berberin (thuốc trị tiêu chảy) hoặc 2 viên biseptol.
Theo bác sĩ Phúc, sau khi gây nôn, người thân phải chuyển ngay bệnh nhân tới bệnh viện để bác sĩ thực hiện các kỹ thuật cấp cứu tiếp theo.
“Người bệnh sẽ được rửa dạ dày để làm sạch các chất độc trong cơ thể. Các bác sĩ sẽ đặt một ống thông từ miệng vào thẳng dạ dày, truyền qua đó từ 300-500 ml nước. Tiếp đến, nhân viên y tế sẽ hạ thấp đầu ống thông để nước tự động chảy ra. Làm lặp lại liên tục cho đến khi dịch dạ dày trong, sạch chất độc. Đây là kỹ thuật can thiệp và sẽ gây cho người bệnh sự khó chịu, có thể không hợp tác, nhưng đó là việc bắt buộc phải làm”, bác sĩ Xuân Phúc nhấn mạnh.
Sau kỹ thuật này, người bệnh sẽ được truyền dịch (dịch muối), tốc độ khá nhanh kết hợp với thuốc lợi tiểu để hòa loãng máu và thải bỏ nhanh chất độc qua thận.
Theo vị chuyên gia này, nếu không có thuốc chống độc đặc hiệu, các biện pháp cấp cứu đầy đủ như trên cũng sẽ tăng khả năng sống sót cho người bệnh.
Bác sĩ Phúc đặc biệt lưu ý: “Điều quan trọng nhất là các kỹ thuật cấp cứu phải được thực hiện trong vòng 30 phút tính từ khi uống chất độc. Sau 2 tiếng, can thiệp này gần như không có giá trị trong cuộc chiến giành lại sự sống cho người bệnh".
Phần tiếp theo: Đuối nước: Đừng vội đưa nạn nhân đến bệnh viện