Phát hiện 35kg thịt gà bốc mùi ở trường học
Mấy ngày qua, Phụ huynh có con học trường tiểu học Chu Văn An (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc phản ánh có 35kg thịt gà đông lạnh để lâu, ôi thiu, được đưa vào bếp ăn bán trú của trường.
Cụ thể, ngày 3/4, đoàn kiểm tra thực phẩm trường Tiểu học Chu Văn An tiến hành kiểm tra thực phẩm, bếp ăn thì phát hiện có 35kg thịt gà đông lạnh có dấu hiệu ôi thiu, bốc mùi nồng nặc. Đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp thực phẩm cho trường Tiểu học Chu Văn An là Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại An Việt.
Ngay sau đó, đoàn đã lập phiếu có chữ ký của đại diện đơn vị cung cấp thực phẩm, nhà trường và phụ huynh học sinh, xác nhận tình trạng nêu trên của số thịt gà này.
Đại diện ban phụ huynh nhà trường cho hay, việc kiểm tra thực phẩm của trường được đoàn kiểm tra tiến hành từ ngày 20/3. Theo đó, các thành viên có mặt lúc 6h sáng, theo dõi cân đủ khối lượng, sau đó kiểm tra bằng mắt rau củ. Đối với thực phẩm tươi sống thì xem có mùi lạ không. Đến sáng 3/4 thì phát hiện sự việc.
Được biết, ngay sau đó, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Chu Văn An đã yêu cầu đơn vị cung cấp thực phẩm đổi lại số thịt gà bị hỏng. Đến 8 giờ 15 phút cùng ngày, nhà cung cấp đã đổi lại đúng 35kg thịt gà khác.
Cũng theo đại diện ban phụ huynh, dù đã nhiều lần yêu cầu nhà trường nhập thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tem mác, song tình trạng này vẫn không cải thiện. Trao đổi với báo chí sáng 4/4, đại diện Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho biết, Phòng đã nắm được sự việc, tiếp theo sẽ tiến hành xác minh.
Các bé ngồi chờ đến lượt vào làm xét nghiệm
Vào cuối tháng 2 vừa qua, một số phụ huynh đăng video ghi lại món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh. Ngay sau đó, tập thể phụ huynh lên gặp Ban giám hiệu nhà trường phản ánh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời "vòng vo, không thỏa đáng".
Đơn vị cung cấp thực phẩm cho tất cả trường học trên địa bàn Thuận Thành cho rằng thịt lợn "không có bất thường gì". Phía phụ huynh đồng loạt cho con nghỉ học để phản đối, nhưng nhà trường không có động thái cụ thể, tiếp tục để công ty này cung cấp thực phẩm.
Đến trưa 5/3, phụ huynh bất ngờ vào kiểm tra bếp ăn của trường, phát hiện thịt gà nấu cho học sinh là thịt đông lạnh đã bị mủn, có mùi, khác với cam kết cung cấp thịt tươi sống. Nhiều loại chân, xương gà dùng để nấu cháo cho các cháu bốc mùi hôi thối. Họ đã chụp ảnh, ghi hình để tố cáo. Cơ quan công an đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ số thực phẩm và đưa đi kiểm nghiệm.
Ngay sau đó, hơn 400 học sinh của trường mầm non Thanh Khương - Bắc Ninh cùng hàng nghìn học sinh khác đi làm xét nghiệm sán lợn tại BV Nhiệt đới TƯ và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ sau khi 3 bé ăn thịt lợn tại trường nghi nhiễm sán có kết quả xét nghiệm dương tính với sán lợn.
Trước đó, vào giữa tháng 11/2018, một vụ ngộ độc nghiêm trọng đã xảy ra tại Trường mầm non Xuân Nộn (Hà Nội) khiến 223 trẻ mầm non và 3 giáo viên bị ngộ độc thực phẩm. Kết quả xét nghiệm 13 mẫu thức ăn cho thấy, có 1 mẫu bánh ngọt dương tính với vi khuẩn Salmonella gây nhiễm trùng đường ruột, nóng, sốt, đau bụng tiêu chảy.
Trước đó, ngày 5/10/2018, có tới 352 học sinh của trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Ninh Bình) đã phải nhập viện sau bữa trưa. Theo kết quả kết quả xét nghiệm, những học sinh này bị ngộ độc do ăn món ruốc gà có nhiễm khuẩn tụ cầu vàng.
Bộ Giáo dục: Huy động đại diện phụ huynh giám sát thực phẩm trường học
Sau khi một số phụ huynh đăng video ghi lại món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh; Bộ GD&ĐT có công văn gửi UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường chỉ đạo công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.
Theo Bộ GD&ĐT, thời gian qua, tại một số cơ sở giáo dục vẫn để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh lây qua đường tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, uy tín của nhà trường, gây lo lắng cho gia đình học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở giáo dục tăng cường biện pháp đảm bảo vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm.
Phải kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm tra thực phẩm ba bước, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định.
Hiệu trưởng Trung Quốc phải ăn cùng học sinh để đảm bảo thực phẩm sạch
Trong cuộc họp hôm 20/3 giữa Bộ Giáo dục, Cơ quan giám sát thị trường, Ủy ban y tế và sức khỏe quốc gia đã đưa ra quy định về Quản lý an toàn thực phẩm và sức khỏe dinh dưỡng trong trường học. Quy định này sẽ được áp dụng tại các cấp học ở Trung Quốc từ ngày 1/4. Quy định nêu rõ các cấp học từ mầm non đến trung học đều phải áp dụng quy chế ăn tập trung. Ban giám hiệu, giáo viên, công nhân viên trong trường sẽ ăn cùng với căng tin của học sinh. Mỗi bữa ăn đều phải được ghi chép, kịp thời giải quyết các vấn đề tồn tại về an toàn thực phẩm.