Đây chỉ là kết quả của số trẻ đến khám vào sáng ngày 15/3, hiện bệnh viện đang tiếp tục làm xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của những trẻ đến khám buổi chiều ngày 15/3.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, nhiễm bệnh giun sán là “truyền thống” của Việt Nam vì tỷ lệ người dân nhiễm giun sán khá cao. TS. Kính cho biết trong sáng 15/3 lấy 230 mẫu máu để xét nghiệm có 44 mẫu nhiễm sán lợn. Nếu nhiễm trong thời gian dài sẽ dẫn đến chậm phát triển thể lực.
Một số trẻ mắc bệnh lỵ mãn tính đã được bệnh viện điều trị luôn. Những kết quả này sẽ được phân tích thêm để làm rõ hơn. Bệnh nhi mắc sán sẽ được phát thuốc về nhà uống trong nửa tháng sau đó đến viện khám lại.
Trước đó, từ 7 giờ sáng gần 180 trẻ em từ 1-10 tuổi cùng ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư để làm xét nghiệm xem có bị nhiễm sán lợn hay không. Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư hầu hết các cháu tỉnh táo một vài cháu đau bụng mẩn ngứa hoặc có rối loạn tiêu hoá.
Tin từ Viện Sốt rét Ký sinh trùng T.Ư chiều ngày 15/3 cho biết Viện đã hoàn tất thống kê số trẻ đến khám. Theo đó, sáng cùng ngày có 135 trẻ đến xét nghiệm, trong đó có 13 trẻ dương tính với sán lợn. Như vậy từ ngày 12 đến nay, đã có 62 trẻ tại xã Thanh Khương dương tính với sán lợn. Trước đó từ ngày 12-14/3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và Viện Sốt rét Ký sinh trùng T.Ư đã trả kết quả cho 5 trường hợp tại xã Thanh Khương dương tính với sán lợn.
Theo TS Huy, điều trị bệnh sán lợn đã có phác đồ của Bộ Y tế nên các bậc phụ huynh nên yên tâm, tin tưởng vào các BS để điều trị cho con em mình. Mắc sán lợn không phải cấp tính như sởi hay sốt xuất huyết, cần thời gian điều trị và chắc chắn bệnh sẽ khỏi nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Theo TS. Kính đây là bệnh có từ lâu gần như bị lãng quên nhưng do thực phẩm bẩn nên có những trường hợp rải rác bị mắc đến bệnh viện điều trị.