Xôn xao công ty ở Hà Nội cho nhân viên nghỉ việc nếu không tham gia du lịch

0:00 / 0:00
0:00
Mới đây, một công ty gây xôn xao khi ra văn bản cho nhân viên nghỉ việc nếu từ chối tham gia du lịch tập thể. Trên thực tế, du lịch công ty có thực sự gắn kết nhân viên hay chỉ là cuộc "hành xác"?

Mạng xã hội những ngày qua lan truyền văn bản của một công ty bất động sản tại Hà Nội, về việc cho nhân viên nghỉ việc nếu từ chối tham gia chuyến du lịch Cát Bà ngày 18/6.

Theo văn bản, công ty này nhận thấy nhân viên từ chối tham gia hoạt động, phong trào ngoại khóa là "không có tinh thần tập thể, tinh thần gắn kết đồng đội", nên không phù hợp với công ty.

Đại diện doanh nghiệp này cho biết, thông báo được ban quản trị gửi đến toàn bộ nhân viên 2 ngày trước chuyến du lịch. Đúng theo kế hoạch, tất cả 50 nhân sự đều nhiệt tình tham gia, không ai bị đuổi việc.

"Chúng tôi tổ chức miễn phí, mong muốn kết nối và chăm lo đời sống nhân viên. Thông báo nói trên chỉ để mọi người có khí thế, tinh thần hơn. Công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nên cần các nhân viên có nhiệt huyết và năng lượng. Chúng tôi không vin vào việc du lịch để buộc thôi việc ai", vị đại diện nói.

Mạng xã hội sau đó xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, đa số bày tỏ nội quy này khá "vô lý" và không đúng quy định của pháp luật hiện hành. Phía đại diện công ty cho hay không quan tâm những lời bàn tán trên mạng xã hội.

Xôn xao công ty ở Hà Nội cho nhân viên nghỉ việc nếu không tham gia du lịch ảnh 1

Văn bản của công ty về quy định du lịch công ty (Ảnh: Facebook)

Du lịch công ty gắn kết nhân viên hay chỉ là cuộc "hành xác"?

Thục Hạnh, 27 tuổi (Hà Nội) rất thích tham gia những chuyến du lịch kết hợp team building của công ty. Theo cô, đây là dịp gặp gỡ và trò chuyện với tất cả nhân viên trong doanh nghiệp khắp các vùng miền.

"Sau mỗi chuyến du lịch tập thể, các nhân sự kết nối, hòa đồng và hiểu nhau hơn", Hạnh nói.

Theo cô, team building là một trong số những cách để rèn luyện kỹ năng mềm và gắn kết mọi người với nhau. Bình thường đi làm không nói chuyện, không biết nhau, thì đi chơi là cơ hội để làm quen và giao lưu.

Tuy nhiên, đã đi du lịch và tham gia các hoạt động ngoài trời, sẽ đồng nghĩa với mệt mỏi, nhất là mùa du lịch thời tiết nắng nóng. Những trò chơi như kéo co, ném bóng, nhảy bao bố hay xếp hàng chụp ảnh dưới cái nắng gần 40 độ C khiến nhiều người chán nản, từ đó xem du lịch công ty như một cuộc "hành xác".

"Tôi ủng hộ du lịch công ty và những trò chơi team building nhưng trước đó, công ty nên tham khảo ý kiến của nhân viên về địa điểm du lịch, các hoạt động thể thao,...", Hạnh chia sẻ.

Xôn xao công ty ở Hà Nội cho nhân viên nghỉ việc nếu không tham gia du lịch ảnh 2

Thục Hạnh đi du lịch với công ty tại Hạ Long (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, Lê Hân (26 tuổi), nghe đến "du lịch công ty", lại cảm thấy chán chường và sợ hãi. Là một người hướng nội, cô không thích những trò chơi tập thể và gặp gỡ nhiều người.

"Tiêu chí của công ty là du lịch thoải mái, nhưng lại đi vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm. Tôi chỉ thích những kỳ nghỉ dưỡng đúng nghĩa mà không có hoạt động team building", Hân tâm sự.

Nhớ lại những năm trước, mỗi khi tham gia hoạt động tập thể khi đi du lịch công ty, Hân đều nép vào một góc, rơi vào trạng thái lạc lõng vì không biết bắt chuyện với ai. Theo Hân, kết nối với đồng nghiệp trong doanh nghiệp là một lựa chọn, chứ không phải điều ép buộc.

Không phải ai cũng có nhu cầu kết nối với tất cả đồng nghiệp, đặc biệt ở những văn phòng hàng trăm người.

"Du lịch, team building là hoạt động thư giãn, giải trí, xả stress, quyền lợi chăm sóc cho nhân viên, không phải trách nhiệm, nghĩa vụ. Những công ty chuyên nghiệp thực sự nghĩ đến nhân viên thì họ có cách đối xử công bằng với nhân viên đi hoặc không đi", Hân nói.

Xôn xao công ty ở Hà Nội cho nhân viên nghỉ việc nếu không tham gia du lịch ảnh 3

Một số trò chơi team building truyền thống (Ảnh: NVCC)

Anh Nguyễn Quyết - Giám đốc một doanh nghiệp chuyên tổ chức team building tại Hà Nội, nhận định sau dịch COVID-19, các đơn vị, doanh nghiệp đều tranh thủ tổ chức những chuyến du lịch kết hợp team building nhằm kết nối các cán bộ, công nhân viên.

Giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8 là thời điểm các doanh nghiệp, công ty lựa chọn để du lịch tập thể, chủ yếu tại các bãi biển. Tuy nhiên, theo anh Quyết, thời tiết nắng nóng khiến các hoạt động team building ảnh hưởng nhiều đến tinh thần nhân viên, tạo cảm giác mệt mỏi.

"Hay việc các công ty chỉ mải tổ chức các hoạt động ngoài trời theo kiểu truyền thống hay phản cảm cũng khiến nhân viên cảm thấy nhàm chán", anh Quyết nói.

Ngoài ra, nếu các công ty chỉ bỏ ra chi phí thấp để tổ chức hoạt động cũng ảnh hưởng tới chất lượng và không hấp dẫn được người chơi.

Theo anh, những dịp gần đây, các hoạt động team building mới mẻ như trekking (đi bộ đường dài), cuộc đua kỳ thú, được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng. Tùy vào số lượng nhân sự, mà các công ty có thể chọn ra những chương trình phù hợp và tối ưu nhất, mong muốn gắn kết các thành viên.

Anh cho hay, mỗi doanh nghiệp có văn hóa riêng, hoặc những yêu cầu nhất định đối với nhân viên của mình mỗi khi đi du lịch nhưng đều chung mục đích gắn kết tập thể. Tuy nhiên, không thể qua một chuyến du lịch hay một hoạt động teambuilding mà có thể kết nối tất cả nhân sự.

"Chúng tôi thường hỏi doanh nghiệp chủ đề, thông điệp và nhu cầu của họ, từ đó xây dựng các chương trình team building phù hợp, lồng ghép các thông điệp, giúp các nhân viên hiểu nhau và tương tác nhiều hơn", anh Quyết cho hay.

Xôn xao công ty ở Hà Nội cho nhân viên nghỉ việc nếu không tham gia du lịch ảnh 4

Nhiều nhân viên hi vọng du lịch công ty là kỳ nghỉ dưỡng thay vì tham gia các hoạt động ngoài trời (Ảnh: NVCC)

Sa thải nhân viên vì không tham gia du lịch tập thể có đúng luật?

Chia sẻ với Pv, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, nếu người lao động bị sa thải với lý do "từ chối tham gia du lịch công ty" không thuộc bất kỳ trường hợp nào theo quy định của Bộ luật lao động.

Quan hệ lao động là quan hệ bình đẳng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Do đó, việc chấm dứt hợp đồng với người lao động, ngoài căn cứ nội quy, Điều lệ của công ty còn phải phù hợp quy định của pháp luật.

Trong trường hợp người lao động bị cho nghỉ việc với lý do trên, họ có thể thực hiện một trong những cách sau để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình, cụ thể: Khiếu nại lần 1 quyết định trên đến người sử dụng lao động và lần 2 đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ - CP.

Nếu không được giải quyết đúng thời hạn hoặc không đồng ý với việc giải quyết, người lao động có thể khởi kiện tới Tòa án cấp quận/ huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết theo quy định tại Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015. Ngoài ra, họ cũng có thể lựa chọn việc hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động.

Theo luật sư, trên thực tế, bất kỳ công ty, doanh nghiệp nào cũng có quyền soạn thảo nội quy riêng tùy theo đặc thù ngành nghề, nhưng không được trái hoặc vượt quá quy định của pháp luật.

"Du lịch công ty nhằm khuyến khích, động viên nhân viên và dựa trên tinh thần tự nguyện. Lãnh đạo công ty không nên quá coi nặng mà bắt ép hay dọa đuổi việc nhân viên. Ngược lại, những người đang làm việc trong công ty cũng cần thích nghi với văn hóa công ty, cố gắng tham gia các hoạt động tập thể để tăng tính đoàn kết, kết nối giữa các thành viên", luật sư Trần Xuân Tiền nói.

Theo Dân trí
MỚI - NÓNG