Xóm Soi chạy lũ

0:00 / 0:00
0:00
Rầm gỗ, nơi vợ chồng ông Hồ Văn Hồng và bà Huỳnh Thị Ninh tránh lũ suốt hai ngày liền. Ảnh: Hà Thương
Rầm gỗ, nơi vợ chồng ông Hồ Văn Hồng và bà Huỳnh Thị Ninh tránh lũ suốt hai ngày liền. Ảnh: Hà Thương
TP - Nằm kề con sông Trà Bồng (Quảng Ngãi), mỗi năm, cứ vào mùa mưa bão, người dân xóm Soi lại dắt díu nhau chạy lũ. Người thì di tản ra khỏi xóm, người leo lên rầm gỗ (gác lửng) chờ nước rút. Nhiều thế hệ trôi qua, tình cảnh này vẫn còn tiếp diễn.

Người và bò cùng đi sơ tán

Giữa trời mưa lất phất, bà Nguyễn Thị Thành (80 tuổi, xóm Soi, thôn Tân Phước Đông, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hớt hải đạp xe qua con đường làng còn ngập nước và bùn non dẻo quánh, trơn trợt để qua nhà chị là bà Nguyễn Thị Báu (90 tuổi).

“Mấy bữa trước lũ về bà ấy không đi di tản qua nơi khác. Nghe mấy đứa nhỏ kể là bả trụ lại ở tầng trên của ngôi nhà. Sáng nay cả nhà tôi sau mấy ngày tránh lũ trong núi trở về, dọn dẹp sơ sơ rồi chạy vội qua xem bả thế nào rồi”, bà Thành nói.

Từ ngày 22/10, khi nước mưa và nước lũ xối xả tuôn về, bà Thành cùng con cháu bồng bế nhau chạy lên núi đi sơ tán.“Vùng này nước ngập cao lắm, có khi lút đầu người. Chính quyền vận động mình đi nơi cao hơn để đảm bảo an toàn”, bà cho biết.

Xóm Soi chạy lũ  ảnh 1

Đường vào xóm Soi vẫn còn ngập nước. ảnh: Hà Thương

Quen với cảnh chạy lũ, cứ mỗi lần mưa bão, con trai bà Thành lại mau chóng dắt 4 con bò, tài sản quý nhất của gia đình đi gửi ở vùng gần trong núi. “Ở đây ai có trâu bò đều đi gửi như vậy, nước rút thì dắt về lại. Chứ để trong cái rốn nước lũ này, làm sao sống nổi. Thường thì người đi di tản, bò cũng đi theo”, bà Thành nói xong lại đạp xe đi mất.

Ngược hướng với bà Thành, một người đàn ông đang gắng sức kiểm soát con bò cứ muốn lồng lên bỏ chạy khi về đến đầu đường dẫn vào thôn. Sáng giờ, có khá nhiều người dắt bò về như vậy.

Ở nhà bà cụ Nguyễn Thị Báu, đồ đạc vẫn còn lộn xộn, bê bết bùn sau trận lũ vừa rồi. Bà Thành đến thăm, hai chị em, mái đầu ai cũng bạc phơ, mừng mừng tủi tủi. Họ vừa chuyện trò, vừa cùng nhau quét dọn.

“Nhà có đứa con trai mà hôm đó nước lên nhanh quá, nó về trễ nên chỉ kịp đưa tui lên tầng trên. Có chục con gà nuôi để lo giỗ cho ông già, không kịp đưa lên nên bị cuốn trôi mất”, bà cụ Báu 90 tuổi, tiếc rẻ.

Rồi bà Báu khoe với bà Thành mớ cá đồng tụi nhỏ trong xóm vừa cho. “Mưa lũ mấy ngày liền, xuống chợ cũng không có gì để ăn. Mấy đứa cho mớ cá này về kho với ít nghệ, ăn cũng ngon”, bà Báu cười.

Rốn lũ xóm Soi

Xóm Soi bao đời nay được xem là vùng rốn lũ. Nằm ven con sông Trà Bồng, cứ mỗi mùa mưa bão, dân trong xóm lại di chuyển đồ đạc lên cao, chuẩn bị sẵn những vật dụng cần thiết, chỉ cần thấy con nước tràn qua mặt đường là rủ nhau…chạy. Sông Trà Bồng hiền hòa, yên ả là vậy nhưng cứ vào độ tháng 9, tháng 10 âm lịch lại hung dữ lạ thường. Con nước từ thượng nguồn đổ xuống đục ngầu và vô tình, cuốn trôi không biết bao nhiêu vườn tược, tài sản của người dân chắt chiu dành dụm.

Sau hai ngày liền nhai mì tôm sống để cầm cự, sau đó lại mất cả đêm để dọn bùn, ông Hồ Văn Hồng 73 tuổi và vợ là bà Huỳnh Thị Ninh 71 tuổi đã mệt và đuối sức.

“Nước lên quá nửa vách nhà, giếng cũng bị ngập nước lũ nên không thể nấu nướng được. Hai vợ chồng nghĩ nước đợt này không lớn lắm nên trụ lại, cuối cùng đành trèo lên rầm gỗ, nhai mì tôm sống. Nước rút rồi thì lo dọn dẹp. Từ đêm qua đến giờ vẫn chưa nấu bữa cơm, tiếp tục nhai mì sống”, ông Hồng cho biết.

Dẫu vậy, ông Hồng cũng đã mua được bình nước suối, dự định dùng để nấu nướng, ăn uống trong lúc chờ xử lý giếng nước.

Cách bờ sông Trà Bồng chừng 100m, hai ngày qua, bà Lê Thị Ân (64 tuổi), thấp thỏm không yên khi lũ dâng cao. “Mấy con bò đưa đi gửi hết rồi, nhà có đứa cháu mới tròn 1 tuổi, tính đưa nó qua ở nhờ nơi khác nhưng ai ngờ lũ lên nhanh quá, không kịp đi. Cả nhà 6 người đành dắt díu nhau trèo lên rầm gỗ, đợi nước rút”.

Nhìn ra vườn chuối xơ xác trước ngõ, bà Ân chép miệng: “Vùng này năm nào cũng ngập, đất đai được phù sa bồi đắp nên cây cối tốt tươi, rất hợp trồng cây trái. Có điều, trồng lên được rồi, nhiều khi chưa kịp thu hoạch thì bão lũ nuốt trọn”.

Kế nhà bà Ân, vợ chồng ông Nguyễn Tấn Thành (66 tuổi) cũng lo thon thót vì con nước như muốn “trêu ngươi”, dùng dằng lên lên, xuống xuống. “Cả ngày, khuya nước xuống, nhưng tới 1 giờ sáng nước lại lên. Vừa thả chân xuống giường thì đụng nước, đành trèo lên rầm để ở”, ông Thành tếu táo.

Nước rút, ông Thành ra sửa soạn lại chuồng bò, chuẩn bị đưa chúng trở về nhà. Sau đó lại ra sân dọn đám bùn đóng thành mảng dày. Dưới chân ông, bùn non nhão nhoẹt, trơn nhẫy.

Tạm xong việc nhà, một số người dân xóm Soi lại mang dụng cụ ra đường tát nước, dọn bùn và phát gọn cây cỏ. “Nhà đã dọn vệ sinh xong, nếu đường không dọn bùn, vệ sinh thì cũng như không. Mấy chú cháu làm cả buổi vẫn không xong một đoạn đường ngắn, do bùn non đóng quá dày trên đường. Lúc sáng có nhiều người ra dọn cùng lắm, giờ trưa nên họ về dần. Ở đây ngập lụt hoài, quen rồi, dọn nhà xong là dọn đường”, ông Hồ Thuận (60 tuổi) cho biết.

Cứ sau mỗi cơn lũ, không khí trong xóm Soi lại trở nên rộn ràng, người lo dọn dẹp, người lùa dắt gia súc về chuồng. Đầu đường, vài thanh niên còn xúm nhau vớt chiếc xe máy bị chìm sâu trong nước. Nghe người dân kể lại, đêm trước, nước lớn, có thanh niên trẻ chạy xe máy bị lọt xuống ruộng, may mà cứu được. Hôm nay nước rút, xe mới được vớt lên mang đi sửa.

Theo ông Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch UBND xã Bình Minh, xóm Soi (thôn Tân Phước Đông) được xem là rốn lũ, thường bị ngập sâu. Vùng này nằm gần sông Trà Bồng nên việc người dân di tản, chạy lũ đã kéo dài suốt nhiều năm qua. Họ cũng có kinh nghiệm, nước lớn là chủ động đưa trâu bò di tản đến nơi an toàn. Dù vậy, xã vẫn xây dựng lực lượng xung kích thường trực để hỗ trợ người dân di dời khi lũ đến và dọn dẹp khi nước rút đi.

“Để tránh việc người dân chạy lũ, biện pháp duy nhất có lẽ là xây đê kè dọc sông. Dù vậy, kinh phí cho việc này rất lớn. Do đó, trước khi thực hiện được giải pháp này, địa phương vẫn tiếp tục hỗ trợ người dân mỗi khi lũ về, đảm bảo được tính mạng và tài sản của họ”, ông Dân chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.