Nằm lọt thỏm trong con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) “xóm chạy thận” là cái tên quen thuộc mà dân xung quanh ai cũng biết. Nơi đây đã từ lâu là chỗ lưu trú của hơn 130 bệnh nhân chạy thận theo chu kỳ tại Bệnh viện Bạch Mai.
Ngõ 121 Lê Thanh Nghị (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) được gọi với cái tên “xóm chạy thận"
Bước vào trong khu trọ nhỏ hẹp của những bệnh nhân chạy thận là một không gian nồng nặc mùi ẩm thấp xen lẫn với mùi thuốc tẩy mà các bệnh nhân dùng. Giữa hai dãy trọ là lối đi lỉnh kỉnh đồ đạc, chỉ vừa chiếc xe máy lách qua. Mỗi dãy trọ khoảng từ 8 – 10 phòng san sát nhau, mỗi phòng vỏn vẹn 8 mét vuông. Không chỉ phải chịu đựng điều kiện sống tạm bợ, bệnh tật hành hạ, cái nóng lên đến 38 – 40 độ mấy ngày nay cũng khiến các bệnh nhân thêm kiệt quệ.
Nắng nóng oi bức kiến không khí trong xóm trọ trở nên ngột ngạt
Phòng trọ được lợp bằng mái tôn trần nên khi trời nắng trong phòng rất nóng. Dây điện chằng chịt bên cạnh những vật liệu dễ bắt cháy
Xóm trọ tập trung người bệnh từ khắp các tỉnh thành. Do tính chất của căn bệnh nên mọi người phải ở lại để tiện cho việc sinh hoạt, điều trị chạy thận, lọc máu theo chu kì. Đa phần mọi người đã sống ở đây rất lâu, người ít được 2 – 3 năm, người ở lâu đến cả chục năm. Họ phải xa nhà, xa quê sống chen chúc nơi đây để duy trì sự sống.
Ông Trần Văn Tặng (67 tuổi, quê Nam Định), người có thâm niên sống lâu nhất tại xóm trọ. 16 năm chống chọi với bệnh tật cũng là 16 năm ông gắn bó với nơi đây. Mặc dù có đến 3 người con, nhưng tất cả đều đi làm ăn xa, nên ông lúc nào cũng chỉ lủi thủi một mình. May mắn rằng, khoảng 5 năm trước có một người thanh niên cùng quê Nam Định dọn đến ở ghép với ông, hai chú cháu thân nhau như ruột thịt, luôn luôn chăm sóc giúp đỡ nhau.
Ông Tặng đã điều trị 16 năm tại bệnh viện Bạch Mai
Anh Nguyễn Văn Hùng 33 tuổi, cũng có hoàn cảnh rất khó khăn. Tuy còn trẻ nhưng anh đã sống với bệnh tật được 15 năm. Tất cả mọi chi phí sinh hoạt, thuốc men, lo cho con đi học đều phụ thuộc vào đồng lương công nhân ít ỏi của người vợ.
Mấy năm trước tuy có bệnh anh vẫn cố gắng đi đánh giày để kiếm thêm chút tiền, nhưng đôi chân anh càng ngày càng yếu không thể tiếp tục đi làm. Giờ đây anh chỉ luẩn quẩn quanh khu trọ cùng ông Tặng và đều đặn tuần 3 lần đến bệnh viện chạy thận.
Anh Hùng dán ảnh hai con trên tường để ngày ngày nhìn thấy con
Đầu giờ chiều là khoảng thời gian đi chạy thận, anh Hùng chuẩn bị sẵn đồ ăn mang theo để ăn tối cho tiết kiệm
Nói đến cái nóng mấy hôm nay, ông Tặng thở dài: “Nắng nóng khủng khiếp thật. Có hôm râm râm thì lại oi bức khó chịu. Nóng quá thì chỉ có cách ra ngoài dội nước cho mát, rồi lại vào nằm…”.
Nóng vã mồ hôi, nhưng các bệnh nhân mắc bệnh thận như ông Tặng không thể uống quá nhiều nước. “Bệnh của tôi bây giờ hoàn toàn không thể đi tiểu được nữa. Uống nước vào nhiều không đi được nó lại tích tụ trong người phù lên mệt lắm, nhưng không uống ra mồ hôi lại mất nước,…”, ông Tặng than thở.
Giếng nước nơi ông Tặng dội người lúc nóng
Khoảng một tháng trước ông được con cháu cho tiền lắp điều hòa, nhưng do tiền điện tăng cao nên chả mấy khi ông dám bật. “Có điều hòa thì mát hơn nhưng mà tiền điện tốn lắm, còn nhiều hơn tiền ăn, nên tôi chả dám bật. Hôm nào nóng quá mấy người xung quanh sang ngủ ké thì tôi bật lên cho mọi người đỡ nóng”, ông Tặng kể.
Ông cho biết mỗi tháng tiền trọ của ông và anh Hùng tầm 2 triệu, nhưng có điều hòa tiền điện có thể lên gấp đôi nên ông phải thật tiết kiệm.
Vì không chịu nổi cái nóng nên một số ít người cố gắng bỏ tiền ra để lắp điều hòa
Vừa về đến phòng sau khi đi chạy thận, cô Thêm (67 tuổi) và cô Hòa (54 tuổi) nằm lả ra vì mệt và nóng. Hai cái quạt cũng chẳng ăn thua. Chốc lát, hai cô lại ngồi dậy uống ngụm nước mát, rồi lại xuýt xoa những vết tiêm đã chai sạn, nổi thành cục trên cánh tay.
Theo cô Thêm, những ngày nắng nóng quá cô thường sang phòng có điều hòa nằm nhờ, nhưng họ cũng chẳng mấy khi bật vì tiền điện quá cao. Cô cho biết hầu hết các bệnh nhân ở đây đều có bảo hiểm y tế chi trả cho việc chạy thận. Tuy nhiên tiền thuốc men, sinh hoạt ăn ở vẫn rất tốn kém.
Cô Thêm mệt mỏi sau khi vừa đi chạy thận về.
Cánh tay cô nổi cục do thường xuyên phải đi chạy thận, lọc máu
Vốn sức khỏe đã yếu do bệnh tật, nắng nóng lại kiến những bệnh nhân nơi đây càng thêm phần mệt mỏi. Nhưng tận sâu trong tâm trí của họ vẫn khát khao được sống, được nhìn thấy người thân của họ cho dù là những lần hiếm hoi.