“Xốc” lại cổ phần hoá: Sắp tới lượt nhiều “ông” lớn

Xốc cổ phần hoá, đẩy nhanh thoái vốn nhiều DNNN là mục tiêu của Chính phủ giai đoạn tới.
Xốc cổ phần hoá, đẩy nhanh thoái vốn nhiều DNNN là mục tiêu của Chính phủ giai đoạn tới.
TP - Chính phủ đang thể hiện quyết tâm “xốc lại” tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đặc biệt là những ông lớn.  Đây là cơ hội lớn với thị trường và nhà đầu tư nhưng khả năng cổ phần hóa ngay những DN lớn sẽ không dễ, bởi số vốn lớn, quản trị và tài chính phức tạp.

Cơ hội lớn từ cổ phần hóa

Theo Bộ Tài chính, tổng 7 tháng đầu năm nay, các đơn vị đã thoái được 3.693 tỷ đồng vốn nhà nước tại DN, thu về 15.770 tỷ đồng. Tuy vậy, tiền thu từ bán cổ phần sở hữu của nhà nước tại DN mới đạt 16,7% dự toán năm, tương đương mức thực hiện cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng HSBC vừa công bố một báo cáo chuyên đề về chủ đề này. Theo HSBC, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm “xốc lại” quá trình cổ phần hóa các DN nhà nước. Nhiệm vụ này được đẩy nhanh hơn do nợ công của Việt Nam ngày một tăng, và đã gần mức giới hạn 65% GDP. Chính phủ hy vọng tăng cổ phần hóa sẽ giúp tăng thu và giảm bớt gánh nặng tài chính.

Cụ thể, HSBC nêu: Để cụ thể hóa quyết tâm trên, Thủ tướng đã ký Quyết định 58/2016, công bố công khai kế hoạch cổ phần hóa DN nhà nước giai đoạn 2017-2020, với danh sách 137 DN nhà nước sẽ được cổ phần hóa. Trong đó liệt kê chi tiết 103 DN nhà nước vẫn giữ quyền sở hữu. Đây được đánh giá là một tín hiệu tốt cho thị trường và nhà đầu tư, khi tốc độ cổ phần hoá đã giảm trong những năm gần đây. Như giai đoạn 2003 - 2008, Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm 1.538 DN nhà nước, nhưng thực tế chỉ có 312 DN thực hiện được mục tiêu này. Trong đó, hầu hết DN thực hiện cổ phần hóa ở dạng nhỏ và nhiều DN làm ăn thua lỗ.

Đặc biệt, theo HSBC, thời gian qua việc thoái vốn nhà nước ở tỷ lệ thấp, nhà nước vẫn kiểm soát cổ phần chi phối, nên hạn chế khả năng tham gia của các nhà đầu tư chiến lược trong định hình lại hoạt động công ty, cải tiến quản trị DN giúp công ty nâng cao cạnh tranh…

Tại cuộc họp mới đây với Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tới nay đã có 96,5% số DN nhà nước được cổ phần hóa. Nhưng tổng số vốn cổ phần hóa chỉ có 8%, như vậy còn tới 92% vốn nhà nước vấn nắm giữ. Như vậy chưa thu hút được mạnh mẽ nguồn vốn của tư nhân tham gia vào các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ. Đặc biệt, tiến trình cổ phần hóa DN nhà nước có tín hiệu chậm lại trong những tháng đầu năm 2017.

Sắp cổ phần hóa nhiều “ông” lớn

Trong giai đoạn tới, cả nước tập trung cổ phần hóa các DN nhà nước rất lớn, như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện cổ phần hóa các tổng công ty phát điện, hay cổ phần hóa Tập đoàn Cao su, Tổng Cty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). “Đây là những DN lớn mà Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán lại kết quả định giá để tránh thất thoát vốn, tài sản”, ông Huệ nói.

Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện văn bản pháp luật, tăng cường thanh tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn nhà nước, tiêu cực trong thoái vốn, cổ phần hóa. Kiên quyết xử lý DN yếu kém theo tinh thần nhà nước không bỏ thêm tiền để tái cơ cấu DN. Các bộ ngành, địa phương cần chủ động xử lý các DN yếu kém, không dồn việc lên Chính phủ. “Cần xác định rõ trách nhiệm trong cổ phần hóa DN nhà nước, xử lý nghiêm người đứng đầu DN, người đại diện vốn nhà nước tại DN cố tình sai phạm, thực hiện kém, không hiệu quả công tác này”, Phó Thủ tướng nói.

Đánh giá việc Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DN nhà nước là cơ hội cho thị trường và nhà đầu tư, nhưng nhóm nghiên cứu của Ngân hàng HSBC cũng nhận định: Việc đẩy nhanh cổ phần hóa không phải nhiệm vụ dễ dàng trong bối cảnh nhiều thách thức. Như nhiều DN nhà nước đang nắm vốn có quy mô lớn và quản lý phức tạp, thậm chí không có báo cáo tài chính và nghĩa vụ nợ rõ ràng. Cùng đó, các DN nhà nước và chính quyền địa phương chậm tham gia cổ phần hóa do có lo ngại nhiều vi phạm có thể bị phơi bày trong quá trình thực hiện cổ phần hóa.

Giai đoạn 2011-2015, việc cổ phần hóa và thoái vốn đã thu về ngân sách nhà nước gần 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên, HSBC nhận định, con số này còn khá thấp so với thời gian thực hiện 5 năm, đặc biệt chỉ chiếm phần nhỏ trong con số ước tính 130 tỷ USD tổng tài sản của các DN nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm 2017, đã có 26 doanh nghiệp nhà nước được các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Những doanh nghiệp này có tổng giá trị thực tế 71.880  tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn nhà nước là 18.368 tỷ đồng. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, các DN nhà nước cần sắp xếp, cổ phần hóa trong giai đoạn hiện nay có giá trị thị trường rất lớn. Do đó, theo Phó Thủ tướng, không cần cổ phần hóa thật nhiều DN, nhưng phải bảo đảm vốn nhà nước được bán, thoái tốt hơn và nâng cao năng lực quản trị của DN.

MỚI - NÓNG