Ngày 11/7, báo cáo tình hình thực hiện tái cơ cấu DNNN 6 tháng đầu năm 2017 tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phó Chủ nhiệm VPCP, Phó trưởng Ban chỉ đạo Lê Mạnh Hà cho biết: Tính đến hết Quý II, đã giải thể 1 DNNN trực thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam, hoàn thành cổ phần hóa 6 DNNN. Bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại 22 doanh nghiệp.
Đến nay, 11/12 doanh nghiệp đã niêm yết. Đối với Sabeco, đang lựa chọn đơn vị nhà thầu tư vấn thoái vốn nhà nước. Đối với Công ty cổ phần Sữa Vinamilk, SCIC đã trình Thủ tướng Chính phủ hai phương án bán tiếp phần vốn nhà nước tại công ty này. Bộ Tài chính đã rà soát, tổng hợp các doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán còn lại để công bố công khai theo quy định.
Về việc bàn giao về SCIC, đến nay có 46 DN các bộ, ngành, địa phương đã thống nhất chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC nhưng chưa chuyển giao và 176 doanh nghiệp chưa thống nhất chuyển giao về SCIC…
Đánh giá công tác sắp xếp, đổi mới cổ phần hóa, thoái vốn DNNN có chuyển biến tích cực, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong công tác chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành, địa phương thì tính công khai, minh bạch được chú trọng hơn, đảm bảo yêu cầu đề ra, chưa có dấu hiệu xuất hiện vấn đề nổi cộm.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng lưu ý, không được chủ quan, làm chậm mà chắc, làm đến đâu tốt đến đó, đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước. Làm nhanh mà làm ẩu, sai phạm là rất đáng phê phán.
Trước một số tồn tại, yếu kém trong 6 tháng đầu năm, phó thủ tướng cho biết, khối lượng công việc sẽ dồn rất nhiều vào 6 tháng cuối năm. Việc bàn giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về SCIC còn chậm, mới bàn giao được 15/61 doanh nghiệp, 176 doanh nghiệp còn có ý kiến khác nhau.
Việc đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa nghiêm túc, 578 doanh nghiệp chưa đăng ký niêm yết giao dịch. Quá trình cổ phần hóa cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là các quy định về định giá tài sản đất đai, trách nhiệm của người quản lý tài sản nhà nước chưa rõ ràng.
Nguyên nhân do chỉ đạo điều hành, một số bộ ngành địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước chưa thật quyết liệt trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, đâu đó còn tâm lý thận trọng, chờ đợi, e ngại một số vụ việc trước đây bị thanh tra, kiểm tra, nên có chuyện đùn đẩy, hỏi ý kiến lên tận Chính phủ…
“Kinh nghiệm cho thấy, bộ nào quyết liệt thì chuyển biến tốt, chỗ nào lãnh đạo không quyết liệt thì công việc trì trệ, kết quả rất hạn chế. Nguyên nhân chủ quan là quan trọng nhất. Tôi nói với các đồng chí là chúng ta đừng sợ gì cả, chúng ta làm theo đúng pháp luật, đảm bảo công khai minh bạch…
Chúng ta làm theo luật chứ không thể làm theo lệ. Các đồng chí bảo thông lệ trước đây làm thế, không được, miễn sao đảm bảo minh bạch, công khai, đảm bảo lợi ích của quốc gia, đất nước”, ông Huệ nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, phó thủ tướng yêu cầu, dứt khoát phải phấn đấu để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của năm 2017, thậm chí vượt mức cả về số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn, cả về chỉ tiêu thu ngân sách.