Ngăn chặn tình trạng nể nang khi xử lý cán bộ
Quốc hội đang cho ý kiến lần đầu về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức. Bộ trưởng có thể cho biết những điểm mới nổi bật nhất trong lần sửa đổi này?
Như chúng ta biết, Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức từ khi thông qua và có hiệu lực, đến nay đã đạt được nhiều kết quả, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn đặt ra cần phải sửa đổi cho phù hợp. Việc sửa đổi lần này nhằm thể chế hóa các Nghị quyết 18 và 19 của Trung ương; đồng thời định hướng và phát triển lâu dài, xây dựng công chức, viên chức đáp ứng được trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong lần sửa đổi này chúng tôi sẽ tập trung vào bốn vấn đề lớn. Trước tiên đó là vấn đề công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Lần này sẽ đặt vấn đề tách bạch giữa công chức và viên chức cũng như người đứng đầu và cấp phó trong đơn vị sự nghiệp công lập. Những đối tượng này sẽ là viên chức. Bên cạnh đó, luật cũng xem xét đến sự liên thông giữa công chức cấp xã, cấp huyện và người làm việc trong doanh nghiệp nhà nước cùng những người hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp. Nếu đã đủ điều kiện là công chức thì sau này sẽ không cần phải thi tuyển lại nữa. Cùng với đó, đối với hợp đồng công chức, xưa nay có hợp đồng làm việc “không thời hạn” giống như biên chế công chức. Lần sửa đổi này, viên chức hoạt động trong đơn vị sự nghiệp công lập phải chuyển sang hợp đồng có thời hạn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Còn vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ công chức, viên chức, từ trước đến nay có khác với hình thức xử lý trong Đảng. Lần sửa đổi này xác định hình thức xử lý kỷ luật cho tương ứng. Trên cơ sở phân định thời hiệu, tùy theo mức độ vi phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, hay đặc biệt nghiêm trọng, để có hình thức xử lý cho phù hợp.
Cho ý kiến về dự thảo luật, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội còn băn khoăn với việc bỏ hình thức xử lý kỷ luật giáng chức?
Khi dự thảo đặt ra vấn đề này cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến của đại biểu và sẽ có thống kê để phân tích rõ ràng. Nhưng mục tiêu của việc này là làm sao để có sự tương đồng với hình thức kỷ luật của Đảng.
Việc quy định đồng thời hai hình thức kỷ luật “giáng chức” và “cách chức” áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức “giáng chức” thay vì phải áp dụng hình thức “cách chức”. Hơn nữa, quy định về hình thức kỷ luật giáng chức là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Bởi hình thức “giáng chức” thực chất là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, trong khi đó tại vị trí được bổ nhiệm đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý.
Vì vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn thì không nên tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau, chúng tôi vẫn trình ra hai phương án để xin ý kiến của Quốc hội.
Thi tuyển cạnh tranh, loại bỏ công chức “cắp ô”
Luật sửa đổi lần này liệu có khắc phục được tình trạng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” không thưa ông?
Trong giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có đủ năng lực thực hiện công vụ phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, lần này quy định chặt hơn về chất lượng đầu vào của công chức, viên chức. Qua đó, đầu vào tới đây sẽ thi tuyển hoặc xét tuyển đặc cách, với tinh thần hết sức chặt chẽ để nâng cao chất lượng.
Bên cạnh đó sẽ tiếp tục khống chế, giảm tỷ lệ biên chế địa phương với mỗi giai đoạn 5 năm là 10%; đồng thời thực hiện theo đề án vị trí việc làm và trả lương theo vị trí việc làm. Lần này sẽ kết hợp giữa cơ cấu tổ chức lại bộ máy với việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức và thực hiện tiền lương mới. Qua đó, chắc chắn chất lượng đội ngũ cán bộ công chức sẽ được nâng lên, và tương ứng như vậy thì thu nhập của cán bộ công chức, viên chức sẽ được cải thiện.
Đảng có quy định về nêu gương, và đề án Văn hóa công vụ cũng đề cập đến việc cấm nịnh bợ cấp trên vì mục đích không trong sáng. Những nội dung như vậy có được xem xét, đưa vào luật không, thưa Bộ trưởng?
Những quy định này sẽ được thể chế hóa bằng cách khác chứ không thể đưa vào luật được.
Cảm ơn Bộ trưởng.
Phân cấp, trao quyền tự chủ cho địa phương
Liên quan đến việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, lần này sẽ đẩy mạnh việc phân cấp, đồng thời quy định rất rõ cấp dưới không được phân cấp lại cho cấp dưới nữa, nhằm đẩy mạnh tính sáng tạo, chủ động của địa phương. Cùng với đó, luật sửa đổi lần này cũng quy định rõ trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, làm cơ sở cho các bộ ngành phân cấp lại cho các địa phương.
Bên cạnh đó, lần này sẽ quy định về bộ khung của cơ quan chuyên môn thuộc UBND. Trước nay là 19 hoặc 20 sở ngành, thì lần này chỉ quy định thống nhất một số sở bắt buộc phải có. Các sở còn lại sẽ tùy thuộc vào từng địa phương chủ động sắp xếp cho phù hợp với tính chất, đặc điểm tình hình kinh tế của từng vùng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quy định thêm về các điều kiện để thành lập đơn vị hành chính, như biên chế tối thiểu, tối đa, cấp phó là bao nhiêu…để tránh tình trạng chia nhỏ bộ máy bên trong, làm tăng thêm biên chế.