Vỡ mộng du học
Chia sẻ với phóng viên, N.A.H (25 tuổi, trú tại Yên Thành, Nghệ An) không khỏi ngậm ngùi khi kể lại câu chuyện du học kết hợp vừa học, vừa làm với mơ ước đổi đời.
H cho biết, năm 2016, H được Cty TNHH Đào tạo và Hợp tác quốc tế Sông Hồng (51 Lương Khánh Thiện, quận Hoàng Mai, Hà Nội) giới thiệu sang học tại trường Cao đẳng công nghệ ô tô Nakanihon (Nhật Bản), với mức phí là 220 triệu đồng. Đổi lại, khi sang nhập học H sẽ được công ty tìm việc làm với thu nhập khoảng 45 triệu đồng/tháng.
Công ty cam kết, với mức lương này sau khi trừ chi phí ăn ở, sinh hoạt, du học sinh có thể gửi về nhà khoảng 30 triệu đồng/tháng. Chưa kể, học xong sẽ có cơ hội được nhà trường giữ lại giới thiệu làm việc với mức lương cao.
Tuy nhiên, sau khi sang Nhật, H làm đủ việc từ bán hàng, chạy bàn…đến rửa bát nhưng chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Áp lực gửi tiền về trả nợ cho gia đình, H đã bỏ việc học để ra ngoài làm thêm.
Chỉ sau hơn 1 năm, H bị cảnh sát Nhật trục xuất về nước do mất quyền cư trú hợp pháp. Liên hệ phía công ty và nhà trường để xin bảo lãnh, H nhận được thông báo do làm thêm quá giờ quy định nên công ty và trường không chịu trách nhiệm.
“Bỏ ra hơn 200 triệu đồng để sang Nhật những tưởng sẽ được đổi đời nhưng cuối cùng lại mất trắng. Khi về nước, tôi cũng không dám về nhà mà vào miền Nam kiếm tiền để trả nợ cho gia đình. Suốt 2 năm, tôi sống trong thấp thỏm vì giấu gia đình vẫn đang ở bên Nhật”, H cay đắng kể về những ngày tháng lận đận.
Cũng kỳ vọng vào chương trình du học vừa học, vừa làm khi được rót vào tai những lời hấp dẫn về mức lương, L.Đ.P (27 tuổi, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) còn phải sớm về nước bởi gặp công ty tư vấn du học “rởm”.
Theo đó, vào tháng 10/2017, P đăng ký chương trình du học của Cty Cổ phần Đầu tư phát triển thương mại Liên Việt Thành (ở Nguyễn Khuyến, quận Hà Đông, Hà Nội). Công ty hứa hẹn nhập cảnh bằng visa lưu trú ngắn hạn, sau đó sẽ đổi sang visa cư trú dài hạn và có thể làm việc ở Nhật 3 năm. Công ty cam kết hỗ trợ việc làm với mức lương trung bình 25 triệu đồng/tháng. Đổi lại, học viên phải chịu mức chi phí 7.200 USD (khoảng 170 triệu đồng).
Tuy nhiên, sau khi sang Nhật được 5 tháng, phía công ty vẫn không đổi được visa dài hạn. Vì hết tư cách lưu trú, P bị buộc phải về nước.
Vừa làm thêm vừa phải học, cuộc sống của du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản không như quảng cáo của các công ty du học
ảnh: DHS
Muôn kiểu “câu khách” của công ty du học
Theo khảo sát của phóng viên, tình trạng các công ty hoạt động về lĩnh vực tư vấn du học nhưng mục đích chủ yếu đưa lao động sang nước ngoài làm việc diễn ra khá phổ biến.
Với những quảng cáo như: “Vừa học vừa làm thêm kiếm được 300 nghìn Yên/ tháng (khoảng 60 triệu đồng)”; “mức lương được nhận 1 giờ là 3.000 Yên (khoảng 600 nghìn đồng)”; “trong thời gian lưu học, thu nhập từ việc làm thêm không những có thể chi trả toàn bộ các chi phí học tập và sinh hoạt mà còn có thể gửi về gia đình”…, nhiều trung tâm đã “vẽ” ra những viễn cảnh cho du học sinh và gia đình họ về tương lai quá dễ dàng tại Nhật Bản, khiến không ít bạn trẻ ảo tưởng, lao vào như “thiêu thân”.
Tiếp cận các trung tâm tư vấn du học, phóng viên đều nhận được những lời tư vấn hấp dẫn trên. Như tại Cty Cổ phần Đầu tư và hợp tác quốc tế TL ( đường Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội), một cán bộ tuyển dụng cho biết, công ty có mạng lưới hợp tác với tất cả các trường ở Nhật. Do đó, sau khi sang Nhật, du học sinh có thể chuyển trường tùy ý để làm thêm tại khu vực nào có mức lương cao. Người này còn vạch ra con số thu nhập khủng sau 3 năm làm thêm tại Nhật.
“Ở Nhật, chỉ học 4 tiếng một ngày. Do đó, nếu trung bình 1 ngày em làm thêm khoảng 4-6h, mỗi tháng em sẽ có khoảng 25-30 triệu đồng. Nếu làm 8-10h em có thể có 50-60 triệu đồng. Trừ đi chi phí, sau 3 năm em có thể tiết kiệm được số tiền từ 300 - 400 triệu đồng gửi về nhà”, cán bộ tuyển dụng Cty TL tư vấn.
Tại Trung tâm Du học và đào tạo tiếng Nhật GJP (ở Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội), đơn vị này quảng cáo có nhiều suất học bổng cho du học sinh. Chỉ cần bỏ ra số tiền 180 triệu đồng, người học sẽ được bao trọn gói với tỷ lệ đậu visa 100% và được cấp thẳng. Công ty còn cam kết giới thiệu cho du học sinh việc làm với mức lương có thể kiếm được 40 triệu đồng/tháng.
Lý giải về những trường hợp xuất khẩu lao động “chui” theo diện du học trá hình có xu hướng tăng thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, có thể những người này do không đủ điều kiện và phải học ngoại ngữ, yêu cầu có tay nghề nhất định nên họ chọn qua con đường du học. Đi làm việc bằng hình thức này rất nhiều rủi ro, áp lực.
Ông Diệp cũng cho biết, phía Nhật Bản đang rà soát vấn đề này. Một số công ty du học của Việt Nam đã bị đình chỉ với tư cách đứng ra bảo lãnh xin visa cho người lao động. Cơ quan chức năng Việt Nam đang rà soát lại các diện đi theo học bổng, du học sinh, nhằm không để lọt và làm biến tướng hình thức đi du học nhưng thực chất là đi xuất khẩu lao động.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam mới đây đã đưa ra cảnh báo về tình trạng lừa đảo của các công ty tư vấn du học Việt Nam. Đại sứ quán Nhật cho biết, về nguyên tắc, du học sinh đang học tập tại Nhật Bản với tư cách “lưu học” không được đi làm. Những trường hợp muốn đi làm thêm phải xin “giấy phép được tham gia các hoạt động không nằm trong tư cách lưu trú”. Thời gian làm thêm chỉ được phép tối đa 28 tiếng/tuần. Ngoài ra, tiền làm thêm của du học sinh không thể đủ để trang trải chi phí sinh hoạt, chưa nói đến tiết kiệm. Do đó, những thông tin quảng cáo của các công ty về việc du học sinh có thể kiếm được hàng triệu đồng/tháng là hoàn toàn không đúng. Đại sứ quán Nhật cũng vừa thông báo không chấp nhận đơn xin visa từ 17 cơ sở tư vấn du học tại Việt Nam.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội có gần 300 trung tâm tư vấn du học được cấp phép hoạt động với xu hướng ngày càng tăng. Theo ông Quang, hiện thông tin về lĩnh vực này còn hạn chế nên nhiều người vẫn tin vào những lời quảng cáo của các công ty du học. Để tránh tình trạng lừa đảo và biến tướng đưa du học sinh đi lao động sai phép, lãnh đạo Sở GĐ&ĐT Hà Nội cho biết đã có văn bản khuyến cáo các trường cần tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi liên kết với các công ty du học; các trường phải có công văn báo cáo Sở GD&ĐT mọi hoạt động liên kết với nước ngoài của trường.