Thấp thỏm như lao động 'chui' ở Đài Loan

Lao động Việt làm việc “chui” tại Đài Loan. Ảnh: Người lao động đài loan cung cấp
Lao động Việt làm việc “chui” tại Đài Loan. Ảnh: Người lao động đài loan cung cấp
TP - Dù biết không được pháp luật bảo vệ, mất hết quyền lợi, nhiều lao động Việt vẫn tìm đủ cách để sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc với hy vọng có thu nhập cao, đổi đời. Nhưng cuối cùng, tiền mất tật mang. Có người phải bỏ mạng nơi đất khách khi tuổi đời còn rất trẻ.

Khốn khổ vì tin… môi giới

Thông qua nhiều kênh để duy trì mối liên lạc với khá nhiều lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan, chúng tôi biết, mấy tháng nay vì bị chủ quỵt lương, Nguyễn Đình Vân (34 tuổi, quê Bắc Giang) đang phải nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè để sống qua ngày tại hòn đảo này. 

Tháng 8/2017, Vân sang Đài Loan (Trung Quốc) theo đơn hàng làm nông nghiệp với mức lương được công ty môi giới cam kết 30 nghìn Đài tệ/tháng (khoảng hơn 20 triệu đồng) làm việc trong 3 năm, chưa kể tăng ca. Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm, công việc rơi vào bấp bênh, cộng thêm áp lực từ khoản nợ hơn 120 triệu đồng sắp đến hạn trả, Vân bỏ ra ngoài làm việc khác.

Nghe lời giới thiệu của một môi giới người Đài Loan, Vân xin vào làm công nhân cơ khí với thu nhập khá cao. Sau khi trừ chi phí, Vân tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng/ngày. Hai tháng đầu, Vân được trả lương đều đặn. Tuy nhiên, 3 tháng sau đó, chủ xưởng liên tục nợ lương. Vân đành nghỉ việc, chấp nhận mất trắng 3 tháng lương.

Theo phản ánh của nhiều lao động làm việc tại Đài Loan, một số công ty môi giới tại Việt Nam khi đưa lao động ra nước ngoài làm việc đã thông tin không đầy đủ, chính xác như cam kết ban đầu. Nhiều lao động làm việc sau một thời gian ngắn đã phải bỏ ra ngoài.

Anh Lê Quang Trường, một lao động đã làm việc 6 năm tại Đài Loan cho biết, tình trạng lao động Việt Nam bỏ ra ngoài làm việc diễn ra rất phổ biến ở vùng lãnh thổ này. Mặc dù, có thể kiếm được thu nhập cao hơn, nhưng những lao động này sẽ đối mặt nhiều rủi ro. Họ không được pháp luật bảo vệ, không được chế độ bảo hiểm y tế. Ốm đau, bệnh tật đều phải đi khám “chui” với giá cắt cổ. Nhiều ông chủ Đài Loan nắm được điểm yếu này nên chỉ thuê lao động “chui” làm việc.

Mất tiền, mất cả mạng

Anh Trần Văn Tuyến (quê Con Cuông, Nghệ An) vẫn bàng hoàng khi kể lại câu chuyện về 2 người bạn của anh khi sang Đài Loan làm việc bất hợp pháp.

Tháng 6/2017, theo một đường dây môi giới lao động bất hợp pháp, N.V.N (24 tuổi, quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và L.Đ.P (25 tuổi, quê Con Cuông, Nghệ An) bay qua Phúc Kiến (Trung Quốc) rồi theo tàu chở hàng sang Đài Loan dưới danh nghĩa là thuyền viên của tàu. Sau đó, cả hai trốn ở lại tìm việc. Lao động đi theo hình thức này chỉ mất phí khoảng 50-60 triệu đồng cho chủ tàu, thấp hơn mức 90 -120 triệu đồng so với công ty môi giới.

Theo hướng dẫn của môi giới, N và P xin vào làm cốp pha tại một công trình xây dựng tại TP Cao Hùng (Đài Loan). Khoảng một tuần sau, hai người liên hệ với Tuyến hỏi vay tiền để trang trải sinh hoạt, do vừa phải trả hết tiền cho môi giới. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, Tuyến bất ngờ đọc được tin 2 lao động Việt bị chết do sập giàn giáo, và càng bất ngờ hơn khi nhận ra 2 người đó là bạn mình.

 Thi thể hai lao động nhanh chóng được cơ quan chức năng Đài Loan xác nhận và đưa đi hỏa táng, sau đó thông báo cho gia đình sang nhận. Người môi giới sau khi đưa được người sang cũng biệt tăm. Phía công ty xây dựng của Đài Loan cũng phủi trách nhiệm, vì lao động bất hợp pháp nên không có hợp đồng ràng buộc.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, năm 2018 cả nước xuất khẩu khoảng 140 nghìn lao động ra nước ngoài làm việc. Trong đó, riêng thị trường Đài Loan tiếp nhận gần 60 nghìn người. Tuy nhiên, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc qua các hình thức “tự đi” ngày càng gia tăng. Ước tính có khoảng 30% lao động bất hợp pháp đang làm việc tại Đài Loan.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Cục đang phối hợp với các địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh…tổ chức hội nghị tuyên truyền vận động người lao động về nước đúng thời hạn, nhằm tiến tới giảm tỷ lệ lao động làm việc bất hợp pháp. Đồng thời, sẽ xử phạt nặng các công ty môi giới thực hiện không đúng cam kết trong hợp đồng.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, tháng 3/2017, 21 người Việt Nam lên một con tàu từ Trung Quốc vượt biển sang Đài Loan để lao động bất hợp pháp thì bị mất liên lạc. Sau đó, cơ quan chức năng tìm thấy 12 thi thể bị chết trên biển.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.