Xin người yên nghỉ!

Xin người yên nghỉ!
TP - Một ngày chưa từng có diễn ra trên đường Hoàng Diệu, Hà Nội khi dòng người kéo dài như vô tận xếp hàng trước ngôi nhà số 30 để kính viếng anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong ngôi nhà ấy, hàng chục nghìn người đã khóc nghẹn...

> Đêm trắng trước nhà Đại tướng
> Đoàn người xếp hàng tới viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Dòng người - hoa và nước mắt

Nắng vàng dịu nhẹ trong một chiều thu bảng lảng mà không gian như ngưng đọng lại trên đường Hoàng Diệu. Dòng người xếp hàng vào viếng Đại tướng cứ kéo dài ra mãi.

14 giờ. Trước cổng nhà Đại tướng, đã tề tựu, trang nghiêm những người dân xếp hàng tự bao giờ. Già trẻ gái trai, có cả những em bé còn bước đi lẫm chẫm, họ đến từ khắp mọi nơi trên đất Việt, hoa trên tay và nét đau thương trên gương mặt, như thể chung một tang gia. Trong im lặng bỗng vang lên điệu buồn nhạc violon da diết cứa vào lòng người. Nghệ sỹ violon Tạ Trí Hải xếp hàng trong dòng người, kéo bài “Hồn tử sĩ”. Nấc nghẹn...

14 giờ 30, dòng người xếp hàng bắt đầu chầm chậm đi vào căn phòng có đặt bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thành Đoàn và Quân đội là hai lực lượng chính hỗ trợ gia đình Đại tướng hướng dẫn trong công tác tổ chức cho người dân vào thắp hương. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu cùng một số cựu chiến binh dẫn đầu đoàn tưởng niệm.

Căn phòng bày trí đơn sơ nhưng trang nghiêm. Ở giữa phòng có đặt chiếc trống đồng. Rất nhiều người đã bật khóc khi nhìn thấy di ảnh Đại tướng mỉm cười được phóng to treo trước ban thờ, khói hương thơm tỏa khắp nơi. Bên tay phải, lực lượng cảnh vệ, quân đội đứng trang nghiêm. Phía tay trái, người thân của gia đình Đại tướng đứng trong tang phục màu đen.

16 giờ. Dòng người đến viếng đã kéo dài từ nhà số 30 Hoàng Diệu đến Quảng trường Ba Đình. Trong đó có nhiều học sinh, sinh viên, cựu chiến binh và người lao động. Hoa và nước mắt cứ thế theo từng bước chân chầm chậm và yên lặng.

Ông Trần Trọng Văn, cựu chiến binh, khóc lặng đi rồi đọc mấy câu thơ ông viết khi hay tin Đại tướng qua đời: “Chào vĩnh biệt nghĩa là vang hiệu lệnh; Hãy xông lên tiêu diệt thói tầm thường...”.

Ông Phạm Quang Ninh, 44 tuổi, ở Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội, bật khóc khi nói về Đại tướng. “Chúng tôi đã hẹn với một số đồng đội khác ở Cao Bằng, Tuyên Quang, ngày 10/10 tới, ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội sẽ xuống hỏi thăm sức khỏe và gia đình bác Giáp. Nhưng nào ngờ chúng tôi chưa kịp gặp bác lần cuối thì lại hay tin bác Giáp mất. Tôi đã chết lặng người”...

18 giờ. Đã hết giờ viếng, dòng người vẫn kéo dài như vô tận. Cửa đành phải đóng, nhưng rất đông người dân vẫn không chịu về. “Ngày tháng mười chưa cười đã tối”, không đủ dài cho những người tiếc thương Đại tướng đang xếp hàng kia.

Tối hôm kia, đã có rất nhiều người dân đứng trước cửa nhà Đại tướng, nhiều người mang hoa và quỳ lạy ngay trên đường để bày tỏ lòng thành kính. Ông Nguyễn Thế Luân (Mỹ Đình, Hà Nội) ngay khi biết tin Đại tướng từ trần qua chương trình thời sự đã bỏ dở bữa cơm, đi xe đến phố Hoàng Diệu. Đứng trước cổng nhà Đại tướng, ông không thể kìm nén xúc động, khóc nức nở. “Tôi cảm thấy như mất bố tôi vậy”.

Ôm bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước ngực, Lê Xuân Hiệp, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho biết, ngay khi biết tin Đại tướng ra đi, Hiệp đã đến nhà riêng của Đại tướng số 30 Hoàng Diệu, nhưng chưa được vào. “Hôm nay đọc báo biết tin nhà Đại tướng mở cửa cho nhân dân vào thăm nên em đến đây từ 12h trưa đứng đợi các chú bảo vệ mở cửa cho vào”, Hiệp nói. Nói về sự ra đi của Đại tướng, Hiệp cho biết, từ bố, mẹ anh chị trong gia đình đều cảm thấy rất buồn như đang chứng kiến cảnh ra đi của người thân.

Đang có chuyến công tác tại Hà Nội, chị Hoàng Thị Luân ở quận Tân Bình, TPHCM cùng với những thành viên trong đoàn khi hay tin Đại tướng mất đã tìm đến nhà riêng để viếng.

“Hay tin bác Giáp mất, các thành viên trong đoàn đã tranh thủ đến đây để viếng bác. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi ở miền Nam đã gọi điện nhắn nhủ khi đi viếng Đại tướng thì quay phim hoặc chụp ảnh gửi cho họ vì không thể đến viếng được và nhớ thắp giùm họ một nén nhang cho Đại tướng”, chị Luân xúc động.

Không khí trầm lắng trong khuôn viên ngôi nhà của Đại tướng thỉnh thoảng vang lên tiếng khóc nghẹn lòng người. “Chúng tôi sinh ra khi đất nước đã hòa bình nhưng những gì đã được học và đọc qua sách báo thật sự rất kính phục về tài chí và lòng yêu nước, thương dân của Đại tướng”, Nguyễn Hoàng Anh, sinh viên Đại học Ngoại thương, nói.

Gần ông thấy thật yên bình

Trong khuôn viên căn nhà của Đại tướng, Đại tá Nguyễn Tấn Định, cháu gọi Đại tướng bằng cậu ruột, con bà Võ Thị Lài, cho biết: “Trong số các cháu của Đại tướng thì tôi có may mắn được đi theo ông nhiều. Thời kỳ các con của ông hay đi học và công tác tại nước ngoài thì tôi thường ở nhà ông. Cả nhà ngồi quây quần bên ông mang lại cho tôi cảm xúc đầm ấm nhất”.

Trong các bữa cơm gia đình, Đại tướng ít khi kể chuyện hay nói chuyện về mình mà thường hay lắng nghe chuyện từ các con, các cháu về cơ quan hay đơn vị đang công tác. Trong các bữa ăn, ông thường quan tâm tới các cháu nhỏ, trêu đùa tạo không khí vui vẻ để cho các cháu ăn cơm nhanh. “Thứ Bảy, tôi thường về nhà ông ăn cơm và chuyện ông quan tâm hỏi tôi là đào tạo, huấn luyện ở Học viện Kỹ thuật quân sự, nơi tôi làm việc. Ông hay hỏi “Bộ đội mình học ở đấy có chăm chỉ không, học giỏi không?”, Đại tá Định kể.

Hồi cháu ngoại đầu tiên của Đại tướng là Hồng Việt (con trai chị Hồng Anh) ở đây, ông thường bế và chơi với Hồng Việt. Ông rất hay “đạo diễn” cháu này đứng đây, cháu này đứng kia. Khi ông còn làm việc tại Bộ Tổng tham mưu, chiều về thường chơi với các cháu ở ngoài sân, vừa chụp ảnh. “Gần ông thấy thật sự yên bình”, Đại tá Định nói.

Bùi ngùi trước giờ vào viếng anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm (92 tuổi), nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, một trong số những chiến sỹ quyết tử của Thủ đô năm xưa, nói: “Mặc dù Đại tướng ốm, nằm viện đã lâu rồi, nhưng khi nghe tin ông mất, chúng tôi hết sức bàng hoàng và đau buồn. Với chúng tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một danh tướng đại diện cho ý chí chiến đấu, tinh thần quyết chiến quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà còn như người anh cả của Trung đoàn Thủ đô năm xưa”.

Theo Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, trong những năm tháng theo Đại tướng, ông và đồng đội đã học được nhiều điều trong chiến đấu cũng như cuộc sống.

“Điều mà tôi ấn tượng sâu sắc nhất và học được là tính kiên trì của Đại tướng. Tôi cũng khắc ghi mãi câu nói của Đại tướng: “Chúng ta chiến thắng được hai đế quốc là thắng về trí tuệ, chứ dựa vào vật chất thì chúng ta làm sao thắng được”, từ đó tôi đều suy nghĩ một cách kỹ càng trước khi quyết định làm bất kỳ một điều gì”, ông Hàm kể.

Đặc biệt, trong dòng người có cựu quân nhân, Giàng Seo Phả (79 tuổi, người Mông), cựu chiến binh ở Điện Biên Phủ, không quản ngại đường xa lên Hà Nội bày tỏ tấm lòng tri ân với Đại tướng.

Đêm 6/10. Dòng người càng đông thêm trước ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, không chen lấn, nhưng tỏ ý mong muốn được vào phía trong bày tỏ lòng thành kính với Đại tướng.

Chỉ đến khi người nhà Đại tướng ra nói lời cảm ơn và cho biết biệt thự 30 Hoàng Diệu sẽ mở cửa đón tiếp hết ngày 11/10, mọi người mới lác đác kéo nhau về. Hôm nay, dòng người sẽ lại kéo dài trên đường Hoàng Diệu, dài như nỗi đau không dứt...

Nhà Đại tướng rộng mở đón mọi người dân đến viếng

Đại tá Trịnh Nguyên Huân - Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho hay, nghi thức mặc niệm tại nhà riêng của Đại tướng được tổ chức nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân. Do lễ Quốc tang chưa chính thức diễn ra nên khi vào nhà mặc niệm Đại tướng, nhân dân cũng sẽ không thực hiện nghi thức thắp hương và dâng hoa.

Hoạt động thăm viếng mặc niệm tại nhà của Đại tướng dành cho tất cả mọi người. Thời gian lễ tưởng niệm tại nhà riêng của Đại tướng như sau: Từ 14h30 - 18h (ngày 6/10).

Từ ngày 7 đến 11/10: Sáng từ 8h - 11h30, chiều từ 14h - 18h. Ban tổ chức lễ tưởng niệm yêu cầu đồng bào khi vào nhà Đại tướng mặc niệm không mang theo lễ phúng viếng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG