Xin “làm dâu” mẹ liệt sĩ

Mẹ Trích và chị Ánh. Ảnh: Nguyễn Trang
Mẹ Trích và chị Ánh. Ảnh: Nguyễn Trang
TP - Các Mẹ Việt Nam anh hùng, vợ liệt sĩ neo đơn được quyền tự chọn con của người ta làm… con dâu mình. Đó là chương trình “Nàng dâu hiếu thảo” tại xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam suốt hơn 15 năm qua.

Những người già thường trở nên khó tính, nhất là khi sống cô độc. Vì thế, không ít lần những nàng dâu “xa lạ” khi tham gia chương trình “Nàng dâu hiếu thảo” đã rớt nước mắt. Nhưng rồi, chính tình thương đã giúp tình mẹ con xa lạ thêm gần gũi hơn.

Chị Lê Thị Ánh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Thắng, đến thăm nhà mẹ Phan Thị Trích. Mẹ gần 100 tuổi, sống một mình trong căn nhà giữa cánh đồng. Người con trai duy nhất hy sinh, bà con, họ hàng cũng không còn ai. 

Chị Ánh cho biết: “Mẹ khó tính lắm, hồi xây nhà cho mẹ ở ngoài đường mẹ không chịu, xây lên rồi bỏ đó. Lại sợ mẹ ở ngoài cánh đồng tối trời lỡ xảy ra chuyện, xã đổ nền cao, xây lại nhà giữa cánh đồng nơi nhà cũ. Hồi làm đường vào nhà đến cây chuối mẹ cũng không cho chặt. Thế là phải phân công người nói chuyện với mẹ để mẹ không chú ý mà chặt làm đường vào”.

Mẹ Trích không bao giờ mua sắm hoặc mặc bất kỳ bộ đồ mới nào. Bếp gas mua cho, mẹ chẳng nấu, mà nhóm lửa đen cả trần nhà. Chị Ánh nói: “Cái nhà mới xây mà nhìn đen thui, mẹ Trích chỉ có chị Lê Thị Chín, chị Dương Thị Huệ là chịu nổi thôi. Vậy mà mẹ Trích lại thương mấy chị lắm, con dâu mẹ chọn mà”.

Tuổi già làm trí nhớ mẹ Trích kém hẳn. Mẹ nhìn chị Ánh mà mãi chẳng biết ai, nhắc mãi mẹ mới nhớ. Rồi mẹ lại kể với chị, mẹ bị đau chỗ này, chỗ kia. Mẹ Trích kể chuyện chị Chín, con dâu của mẹ. Mẹ nói: “Con Chín chăm mẹ chẳng kể gì cả, nó là con dâu mẹ thích nhất. Giờ nó không ở với mẹ nữa, mẹ nhớ lắm”. Mẹ Trích nhớ hồi nước lụt lên tận nhà, chị Chín cứ bảo mẹ lên gác nằm, còn nhà để chị Chín lo, rồi chị Chín đi cất lúa, bắt gà lên cao. 

Hằng ngày, chị Chín đi chợ nấu cơm cho mẹ, tối ngủ lại với mẹ. Chị Chín ở với mẹ hơn 10 năm trời, rồi đến chị Huệ. Vậy mà mẹ Trích cứ mỗi lần không vừa lòng điều gì là mẹ lại bảo “đổi” cho mẹ con dâu khác. Chị Huệ ở xa nhà mẹ, cách khoảng 4 cây số. Từ ngày nhận chăm mẹ, chị Huệ dọn hẳn về nhà mẹ. 

Cứ mỗi lần nhớ nhà lại đạp xe 4km trời nắng đổ lửa về, khi lên lại, chị Huệ mang thêm cho mẹ ít đồ ăn. Chẳng bao giờ chị Huệ ở nhà mình quá một ngày, chị luôn có mặt ở nhà mẹ Trích. Chị Ánh kể: “Mỗi lần mẹ Trích nhập viện là gần như cả Hội Phụ nữ thay nhau chăm sóc mẹ”.

Tại xã Đại Thạnh còn có mẹ Lê Thị Toa nhận chị Gái làm con dâu. Chị Gái mang đồ đạc sang ở cùng mẹ từ nhiều năm nay. Hơn 15 năm qua, toàn xã Đại Thạnh có 5 Mẹ Việt Nam anh hùng, vợ liệt sĩ neo đơn được chăm sóc bởi những “con dâu” hiếu thảo như vậy.   

“Những người mẹ còn con cháu ở xã thì vận động con cháu về chăm sóc mẹ. Còn mẹ nào không có ai thì chị em phụ nữ cho mẹ chọn lấy cô con dâu. Mấy chị em bọn tui thường đùa với các mẹ, là Hội Phụ nữ xã có 1.254 hội viên, các mẹ cứ thoải mái chọn cho mình cô con dâu mà mẹ hài lòng nhất. Mẹ chọn cả ngàn cũng được, còn các cô con dâu được chọn luôn luôn có trách nhiệm chăm sóc cho cả đời mẹ”, chị Ánh cho biết.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.