Xin đừng đánh đổi!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đại dịch Covid-19 xảy ra hai năm nay đã khiến hàng triệu người lao động thất nghiệp, mất việc làm. Nhiều người lao động sau 6, 10 thậm chí tới cả 15 năm làm việc, nay đến khi phải rời khỏi doanh nghiệp, họ vẫn không có tích cóp gì nhiều.

Lo mưu sinh, đứt bữa, nên khi bị mất việc, đứng trước tình cảnh gia đình khó khăn, không ít người đã “nhắm mắt” đánh đổi chọn rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần để “tạm” sinh tồn trong ngắn hạn, chấp nhận đánh mất tương lai - không có lương hưu.

Xin đừng đánh đổi! ảnh 1
Tác giả: Khánh Huyền

Số lượng người lao động rút BHXH một lần gia tăng nhanh chóng đến mức báo động. Thống kê của BHXH Việt Nam cho hay, trong ba tháng đầu năm nay có hơn 200 ngàn lao động chọn rút BHXH một lần. Trong đó, riêng TP.HCM có hơn 37.000 người nộp hồ sơ nhận trợ cấp một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ. Thậm chí, tại thời điểm này, nhiều đơn vị BHXH đang đứng trước tình trạng luôn quá tải vì người xếp hàng xin chi trả.

Từ góc độ nghiên cứu, một chuyên gia ngành lao động xã hội thẳng thắn chỉ ra thực tế, đa số những người lao động rút BHXH một lần là lao động nghèo. Do không có thu nhập nên họ phải rút chính những đồng tiền tích cóp từ đóng BHXH để duy trì cuộc sống hiện tại. “Với những lao động rút BHXH một lần về già sẽ không có lương hưu hoặc hưởng mức thấp, không đảm bảo cuộc sống, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Đây là thực trạng đáng lo ngại, tác động trực tiếp tới quyền lợi lao động và ảnh hưởng an sinh khi dân số Việt Nam đang bắt đầu già hóa”, BHXH Việt Nam cảnh báo.

Phải làm gì để “ngăn” dòng người rút BHXH một lần đang không ngừng tăng? Đến lúc này, cơ quan BHXH Việt Nam ngoài đưa ra khuyến nghị người lao động không nên chọn rút BHXH một lần, (thay vào đó nên bảo lưu thời gian đóng hoặc tham gia BHXH tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu để hưởng lương hưu, được cấp thẻ bảo hiểm y tế với mức hưởng 95% khi đi khám bệnh) cũng không có giải pháp gì hơn. Nói thì dễ nhưng làm e rất khó. Một người lao động thất nghiệp chia sẻ: “Tôi đã mất việc làm rồi thì còn tiền đâu để đóng BHXH tự nguyện nữa. Nếu có đóng, cố lắm cũng chỉ lo được vài tháng đến một năm. Sau đó nếu vẫn không xin được việc làm thì ăn chẳng đủ, tiền đâu tôi lo đóng bảo hiểm”, người lao động này nói.

Vậy giải pháp căn cốt sẽ là gì? Về lâu dài, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhà nước cần hỗ trợ người lao động có việc làm và thu nhập ổn định để duy trì cuộc sống, tiếp tục đóng BHXH hỗ trợ cuộc sống về già. Với những lao động khó khăn, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, có thể cho vay qua hình thức quỹ giúp đỡ công nhân khó khăn với lãi suất ưu đãi để người lao động giải quyết khó khăn trước mắt. Khi có được công việc ổn định, người lao động sẽ trả dần.

Trong cuộc sống, có những điều một lần bắt đầu để mở ra, nhưng hi hữu có những điều một lần để… kết thúc. Rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đang là điều như vậy. Rút một lần số tiền chắt chiu đóng để lo cho tuổi già sau bao năm làm việc vất vả, người lao động phải chấp nhận họ sẽ đối mặt với những năm tháng tuổi già rất khó khăn, chật vật. Thậm chí, nhiều người không con cái, không nơi nương tựa, sẽ trông cậy vào đâu khi trái gió, trở giời, khi đã sức cùng lực kiệt. Xin đừng đánh đổi để được một lần rồi đối mặt, sống không lương hưu suốt quãng đời còn lại. Khổ thay (?!)

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.