Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Bác đề nghị triệu tập thêm nhân chứng

0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh phiên toà
Toàn cảnh phiên toà
TPO - Các luật sư đề nghị triệu tập nhân chứng là ông Hoàng Trung Hải – nguyên Phó thủ tướng và ông Vũ Huy Hoàng – nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương nhưng tòa án cho rằng không cần thiết.

Sáng 12/4, TAND TP Hà Nội mở phiên xử vụ án thất thoát hơn 830 tỷ đồng tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Cty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Vụ án có 19 bị cáo, đều là cựu lãnh đạo, cán bộ của TISCO hoặc Tổng Cty Thép Việt Nam (VNS). Trong đó, có 14 người bị truy tố về tội “Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và 5 người bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Bác đề nghị triệu tập thêm nhân chứng ảnh 1

Bị cáo Trần Trọng Mừng.

Tại tòa, chủ tọa Phan Huy Cương cho biết đã nhận đơn xin xét xử vắng mặt của bị cáo Đậu Văn Hùng – nguyên Tổng giám đốc VNS. Theo nội dung đơn, bị cáo này trình bày đã có lời khai, giao nộp đầy đủ tài liệu ở cơ quan điều tra và hiện không thay đổi gì.

Bị cáo Hùng cũng khẳng định bản thân mắc nhiều bệnh nan y hiểm nghèo nên dễ bị trụy tim, mất trí nhớ và không thể tự chăm sóc, phải nhờ người thân giúp sinh hoạt nên không thể ra tòa. Bị cáo Hùng hứa đã nhận thức đầy đủ hành vi của mình, cam kết sẽ tuân thủ bản án, quyết định của tòa.

Cũng trong phần thủ tục, luật sư Đinh Anh Tuấn bào chữa cho bị cáo Trần Trọng Mừng – nguyên Tổng giám đốc TISCO cho rằng kết luận giám định chưa làm rõ nhiều nội dung nên đề nghị tòa triệu tập giám định viên của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Xây dựng tham gia phiên tòa.

Luật sư Tuấn nói thêm, bị cáo Mừng không có điều kiện tiếp xúc hồ sơ trong giai đoạn điều tra, truy tố nên tại tòa, luật sư mong được giao cho thân chủ của mình một số tài liệu.

Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Bác đề nghị triệu tập thêm nhân chứng ảnh 2

Hiện trạng dự án của TISCO.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đình Khỏe xin triệu tập thêm nhân chứng là nguyên Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vì ông là người ký những văn bản rất quan trọng trong vụ án. Tương tự, luật sư Trần Văn Tạo cũng đề nghị triệu tập ông Hoàng Trung Hải và ông Vũ Huy Hoàng – cựu Bộ trưởng Bộ Công thương.

Nêu quan điểm, đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho rằng trong phiên xử, ngoài bị cáo Đậu Văn Hùng, ngân hàng BIDV và một số người liên quan cũng vắng mặt nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét triệu tập.

Sau hội ý, Hội đồng xét xử thống nhất thấy cần thiết phải triệu tập giám định viên đến tòa. Về đề nghị triệu tập đại diện VINAINCON, chủ tọa cho biết đã triệu tập cả đại diện và Tổng giám đốc doanh nghiệp này nhưng chỉ có mặt đại diện, vắng Tổng giám đốc nên tòa án sẽ phối hợp với công an để tiếp tục triệu tập.

Với đề nghị triệu tập nguyên Phó thủ tướng Chính phủ và nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, Hội đồng xét xử thấy họ đã có tài liệu tại giai đoạn điều tra; nếu luật sư thấy cần thiết, tòa sẽ công bố các tài liệu này.

Chủ tọa thông báo thêm, đề nghị giao tài liệu cho bị cáo của luật sư Đinh Anh Tuấn là đúng quy định nên chấp thuận. Do đó, phiên tòa tiếp tục bước vào phần xét hỏi.

Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Bác đề nghị triệu tập thêm nhân chứng ảnh 3

Bị cáo Mai Văn Tinh - nguyên Chủ tịch VNS.

Theo cáo trạng, dự án mở rộng giai đoạn 2 của TISCO được triển khai năm 2007 và do VNS chỉ đạo, kiểm soát; đơn vị trúng thầu là Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Để triển khai, TISCO ký với MCC hợp đồng trọn gói EPC trị giá hơn 160 triệu USD. Hợp đồng cũng quy định MCC phải thi công, chạy thử, chuyển giao công nghệ, sửa chữa lỗi nếu có... trong vòng 30 tháng.

Thời điểm tháng 8/2007, hợp đồng EPC chưa có hiệu lực nhưng TISCO đã cho phía MCC ứng hơn 35 triệu USD. Đến cuối năm 2008, tức 11 tháng sau khi hợp đồng có hiệu lực, MCC vẫn chưa lựa chọn nhà thầu phụ cũng như hoàn thiện thiết kế; không đặt hàng máy móc… và ngược lại còn rút hết người rồi yêu cầu tăng giá trị EPC thêm 138 triệu USD.

Việc này vi phạm hợp đồng đã ký nhưng các bị cáo lại xin ý kiến để có thể chấp thuận yêu cầu tăng giá của MCC. Khi được hỏi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản chỉ rõ, tăng giá là không có căn cứ; TISCO cần chấm dứt hợp đồng, xem xét hủy đấu thầu và tổ chức đấu thầu lại nhằm đảm bảo tiến độ dự án.

Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Bác đề nghị triệu tập thêm nhân chứng ảnh 4

TISCO cũng thuê một hãng luật của Singapore tư vấn cho mình. Hãng luật này khẳng định, MCC không thể đơn phương tăng giá hợp đồng do đã thỏa thuận rõ khi kí hợp đồng trọn gói cố định; hợp đồng EPC cũng không có điều khoản về việc điều chỉnh giá do biến động tỷ giá hoặc tăng giá nguyên vật liệu... Nếu MCC bỏ dở công trình sẽ vi phạm hợp đồng và TISCO có thể yêu cầu bồi thường.

Tuy nhiên, các bị cáo trong vụ án này đã bỏ qua tư vấn trên để đàm phán với tập đoàn Trung Quốc về việc tăng giá hợp đồng EPC vào tháng 4/2009. Cáo trạng xác định, việc này đã dẫn tới tăng giá thi công dự án.

Ngoài ra, dự án bị kéo dài nên đã đội vốn từ 3.834 tỷ đồng lên tới 8.104 tỷ đồng. Đến năm 2018, dự án chưa hoàn thành, nhiều thiết bị đã hư hỏng nhưng TISCO đã đổ vào đây hơn 4.423 tỷ đồng, dẫn tới thiệt hại hơn 830 tỷ đồng là số tiền lãi phải trả cho các ngân hàng

MỚI - NÓNG
Người mua vàng lỗ nặng
Người mua vàng lỗ nặng
TPO - Sáng nay (11/11), giá vàng SJC và vàng nhẫn đều quanh mốc 85 triệu đồng/lượng. Nhiều nhà đầu tư mua lúc đỉnh giá vàng 89 - 90 triệu đồng/lượng cách đây 1 tuần lỗ kép...