Xét xử phúc thẩm Huyền Như và đồng phạm

Huyền Như tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Việt Văn
Huyền Như tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Việt Văn
TP - Sáng nay (15/12), TAND Tối cao tại TPHCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng. Đây là vụ án lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay. Nhiều tranh cãi pháp lý về tội danh và trách nhiệm dân sự sẽ được xem xét tại phiên tòa này. Dự kiến phiên tòa kéo dài 17 ngày (từ 15/12 đến 31/12).

HĐXX gồm thẩm phán Quảng Đức Tuyên (chủ tọa), hai thẩm phán phụ xử là Mai Thị Tố Oanh và Phan Thanh Tùng. Đại diện Viện KSND Tối cao giữ quyền công tố là ông Nguyễn Thế Thành. Trong phiên tòa phúc thẩm lần này, chỉ có gần 20 cơ quan báo đài được cấp thẻ vào tác nghiệp. 

  

Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Huyền Như có đơn kháng cáo xin được giải tỏa kê biên, trả lại cho mẹ bị cáo căn biệt thự thuộc khu Bắc Trà My (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Có 20 bị cáo trong vụ án cũng kháng cáo kêu oan, xin hưởng án treo, xem xét lại tội danh và hình phạt trước đó tòa sơ thẩm đã tuyên. Đồng thời có đến 32 kháng cáo của 9 nguyên đơn dân sự và 23 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đề nghị tòa phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng buộc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) phải chịu trách nhiệm liên đới cùng các bị cáo. 

Về phía công tố, Viện KSND TPHCM cũng đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tăng hình phạt đối với 2 bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Đào Thị Tuyết Dung (Giám đốc Cty TNHH Dung Vân) về hai hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cho vay nặng lãi”.

Trước đó, ngày 27/1, TAND TPHCM đã tuyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và 22 đồng phạm. Theo đó, “siêu lừa” Huyền Như (nguyên phó phòng Quản lý rủi ro Vietinbank chi nhánh TPHCM) nhận mức án tù chung thân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 6 năm tù về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Tổng hai hình phạt là tù chung thân. Về dân sự, bị cáo Huyền Như phải bồi thường cho các nguyên đơn dân sự 4.000 tỷ đồng. 

Vẫn theo bản án sơ thẩm, 22 bị cáo còn lại bị tòa tuyên phạt từ 1 năm tù đến 20 năm tù giam về các hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Cho vay nặng lãi”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2007, Huyền Như đi vay hơn 200 tỷ đồng với lãi suất cao để kinh doanh. Do làm ăn thua lỗ, năm 2010, Như mất khả năng trả nợ, nên từ ngày 04/3/2010 đến ngày 21/6/2011, Như lấy danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank nhưng tự đứng ra thảo luận lãi suất cho vay tiền với các tổ chức, cá nhân. Cũng trong thời gian này, Như làm giả 15 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè với Cty Thái Bình Dương, ra 110 hợp đồng tiền gửi cùng nhiều hồ sơ mở tài khoản, rút tiền với 7 Cty khác. Từ đây, Như chiếm đoạt của 9 Cty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân, tổng số tiền lên đến 4.000 tỷ đồng. 


MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.