Sáng 7/6, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La tổ chức họp thông tin báo chí về kết quả phiên tòa xét xử 17 bị cáo trong vụ án sai phạm bồi thường đất đai tại công trường nhà máy thủy điện Sơn La.
Tới dự và cung cấp thông tin có thẩm phán Nguyễn Hồng Nam - Chánh án TAND tỉnh Sơn La; ông Trần Quốc Tuấn - Phó viện trưởng VKSND; đại tá Vì Quyền Chứ - Phó GĐ Công an tỉnh Sơn La.
Vụ án có 17 bị cáo, trong đó đa phần là cán bộ, lãnh đạo các cơ quan Nhà nước trong tỉnh như Trương Tuấn Dũng - nguyên Phó GĐ Sở Tài chính; Triệu Ngọc Hoan - nguyên GĐ Sở TN&MT; Phan Tiến Diện - nguyên Phó GĐ Sở TN&MT; Phan Đức Chính - nguyên Trưởng phòng TN&MT huyện Mường La... Các bị cáo bị truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Chưa phát hiện dấu hiệu oan sai
Tại buổi họp, bà Mai Thu Hương - Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Sơn La cho biết đây là vụ án lớn tại Sơn La trong hàng chục năm qua, liên quan công tác di dân tái định cư nên thu hút sự quan tâm rất lớn. Ngoài ra, sau khi tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, thân nhân các bị cáo có nhiều hành động ảnh hưởng không tốt tới an ninh trật tự. Vì vậy, Ban Tuyên giáo và các cơ quan tố tụng trong tỉnh quyết định tổ chức buổi thông tin chính thức về vụ án.
Mở đầu, ông Nguyễn Hồng Nam khẳng định Hội đồng xét xử (HĐXX) chưa phát hiện dấu hiệu oan sai trong vụ án. Việc trả hồ sơ nhằm làm rõ một số chứng cứ mới; phân hóa vai trò, trách nhiệm của các bị cáo... Đây là hoạt động tố tụng bình thường, không phải trả hồ sơ vì oan sai.
Chánh án tỉnh Sơn La nêu một số khó khăn trong giải quyết vụ án như số lượng bị cáo đông; liên quan tới chính sách đất đai, bồi thường hỗ trợ qua các thời kỳ khác nhau; hiện trạng đất, tài sản phạm tội không còn (dưới lòng hồ - PV). Đặc biệt, thẩm phán chủ tọa phiên tòa từng báo cáo, các bị can đều nhận thức rõ hành vi phạm tội nhưng khi ra tòa, có 16 người kêu oan. “Đây là là diễn biến mới, phức tạp” - ông Nam nói.
Phóng viên hỏi về vi phạm nghiêm trọng thủ thủ tụng tố tụng trong vụ án, thẩm phán Nguyễn Hồng Nam giải thích, đây là khái niệm rất rộng. “Trong vụ này, tôi không nêu cụ thể vi phạm tố tụng gì nhưng khẳng định có vi phạm... Không nêu vì vụ án đang điều tra, có nhiều tài liệu bí mật chưa thể công bố. Theo quy định, tôi cũng không được đọc, chỉ chủ tọa, thẩm phán được đọc toàn bộ” - ông Nam cho biết.
Tương tự, đại tá Vì Quyền Chứ khẳng định cơ quan điều tra làm đúng quy định pháp luật nhưng có một số nội dung chưa thể cung cấp vì vụ án đang trong quá trình giải quyết. Đại tá nêu quan điểm: “Nhận thức, dân trí của một bộ phận người dân Sơn La còn thấp nên mong các báo chí trước khi đưa tin cũng nên xem xét cách dùng từ phù hợp”.
Phóng viên nêu câu hỏi, có hay không việc Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sơn La ra văn bản số 173 năm 2018 yêu cầu Sở TN&MT tỉnh rà soát người cấp tài liệu vụ án cho luật sư, thân nhân bị cáo? Đại tá Chứ đáp: “Thông báo đó là chung của công an tỉnh, chỉ đề nghị các cơ quan đảm bảo thông tin nội bộ, yêu cầu cung cấp thông tin phải đúng. Đây là công tác bảo vệ an ninh nội bộ, không vấn đề gì”.
Chánh án Nguyễn Hồng Nam cho biết chưa phát hiện oan sai trong vụ án.
Trả hồ sơ sẽ tính thời hạn tạm giam mới
Thông tin quá trình giải quyết vụ án sắp tới, ông Trần Quốc Tuấn cho biết VKSND tỉnh Sơn La đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan ANĐT; các đơn vị tòa án, kiểm sát và điều tra đang họp ngay trong sáng 7/6 để thống nhất đánh giá các nội dung, xúc tiến việc điều tra bổ sung theo yêu cầu.
Về việc thân nhân các bị cáo đề nghị hủy bỏ biện pháp tạm giam, Phó viện trưởng VKSND tỉnh Sơn La cho biết, nếu thỏa mãn các yêu cầu luật định, cơ quan tố tụng sẽ đưa ra đánh giá xem xét áp dụng biện pháp ngăn chặn phù hợp với riêng từng người, không phụ thuộc mong muốn từ thân nhân họ. “Về thời hạn, 1 lần tạm giam không quá 12 tháng nhưng vụ án được trả hồ sơ nhiều lần nên mỗi lần sẽ tính lại từ đầu” - ông Tuấn nói.
Phóng viên đặt câu hỏi, những người tham gia tố tụng nhắc đến báo cáo 11A của tổ công tác 1404 thể hiện sai phạm trong vụ án xảy ra với nhiều hộ dân, thất thoát hàng chục tỷ đồng nhưng nay chỉ xét xử các bị cáo về sai phạm tại 1 hộ Đèo Văn Ban với số thất thoát 1,2 tỷ đồng?
Ông Trần Quốc Tuấn giải thích, báo cáo của 1404 chỉ là 1 nguồn thu thập được. Các tài liệu, chứng cứ phải được đánh giá qua qua điều tra, kiểm sát thấy đảm bảo hợp pháp mới đưa vào hồ sơ vụ án. Vì vậy, có thể ở các giai đoạn, số liệu trong vụ án khác so với kết luận cuối cùng.
Cuối cùng, ông Tuấn khẳng định không chứng minh được việc các bị cáo khai bị điều tra viên ép chép bản tự khai. Ông nói thêm: “Lấy cung có đại diện VKSND là đúng. Trường hợp đại diện của viện không sang được, trong vòng 5 ngày, CQĐT phải chuyển bản cung sang VKSND thẩm định và đóng dấu bút lục”.
Theo cáo trạng, năm 2005, công tác chi tiền bồi thường về tài sản, di dời theo hình thức “đất đổi đất” cho các hộ dân trong khu vực nhà máy thủy điện Sơn La đã hoàn thành. Năm 2013, Chính phủ cho phép bồi thường thêm phần chênh lệch giá trị đất giữa nơi đi và nơi đến tại khu tái định cư. Năm 2014, UBND tỉnh Sơn La ra Công văn 617 chỉ đạo UBND huyện Mường La thống kê lại diện tích đất của từng hộ và đề xuất phương án bồi thường.
Lúc này, bị cáo Trương Tuấn Dũng là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La đã ban hành Kế hoạch 41 triển khai chỉ đạo của tỉnh đồng thời chỉ định Văn phòng đăng ký đất đai Sơn La (VPĐKĐ) và Cty Bảo Bình (ở Hà Nội) đo đạc, lập bản đồ địa chính.
Cơ quan truy tố cho rằng, kế hoạch 41 nói trên không đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La và dẫn tới việc các đơn vị khác thực hiện sai quy định về đo đạc, lập bản đồ sai rồi bồi thường “thừa” hơn 1,2 tỷ đồng cho bị cáo Đèo Văn Ban.