AG600 được thử nghiệm hôm qua (20/10) bên ngoài thành phố Jingmen, miền trung của Trung Quốc. Hình ảnh ghi lại được cho thấy một cỗ máy khổng lồ cất cánh khỏi mặt nước, bay lên rồi lại nhẹ nhàng hạ cánh rồi đi vào bờ.
Theo kỹ sư trưởng của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, ông Lu Guangshan, AG600 là một bước tiến mới nhằm giải quyết nhu cầu của nền kinh tế hàng hải và chữa cháy rừng. Nó cũng thúc đẩy khả năng cứu hộ khẩn cấp ở tầm trung và tầm xa của Trung Quốc.
Theo truyền thông Trung Quốc, AG600 chạy bằng 4 động cơ turboprop được sản xuất trong nước, nó có kích cỡ ngang bằng chiếc Boeing 737 với sải cánh 38,8 mét, dài 36,9 mét và chịu được trọng tải tối đa khi cất cánh là 53,3 tấn.
Về kích cỡ, AG600 đã vượt qua những chiếc thuyền bay Beriev Be-200 của Nga và ShinMaywa US-2 của Nhật Bản.
Tuy nhiên, danh hiệu thuyền bay lớn nhất từng được chế tạo thuộc về chiếc Hughes H-4 Hercules của Mỹ từ thời Thế chiến thứ 2.
Cỗ máy khổng lồ này chạy bằng 8 động cơ piston, sải cánh gần 100 mét, dài 67 mét. Do thiếu nhôm thời chiến nên chiếc máy bay này gần như được làm hoàn toàn từ gỗ bạch dương. Hughes H-4 Hercules được thiết kế quá muộn để có thể thực sự tham gia vào chiến tranh và chưa bao giờ được sản xuất số lượng nhiều.
Theo giới truyền thông, chiếc thủy phi cơ này được thiết kế phục vụ mục đích cứu hộ, vận tải đường xa và các hoạt động cứu hỏa. Nó có thể mang tới 50 hành khách và lấy 12 tấn nước chỉ trong vòng 12 giây. AG600 có thể cất cánh khỏi mặt nước ở độ cao 50 mét và dập tắt lửa trong một diện tích tới 4km vuông chỉ trong một lần phun nước.