Xe vi phạm tốc độ cả nghìn lần/tháng: Vì sao chậm xử lý?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hiện hầu hết các xe kinh doanh vận tải đã được yêu cầu lắp thiết bị giám sát hành trình (GPS) để theo dõi, xử lý vi phạm tốc độ, giờ lái xe. Tuy nhiên, nhiều xe vi phạm cả nghìn lần trong tháng, nhưng nhiều tháng sau đó mới được xử lý.

Xe vi phạm tháng 8, tháng 10 mới xử lý

Tìm hiểu PV Tiền Phong, trong tháng 8/2023, khai thác từ dữ liệu đường truyền của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã phát hiện gần 10 vạn lượt xe vi phạm thông qua thiết bị GPS. Các lỗi được hệ thống phát hiện, gồm: xe không truyền dữ liệu, tài xế lái xe quá thời gian quy định, xe chạy quá tốc độ.

Xe vi phạm tốc độ cả nghìn lần/tháng: Vì sao chậm xử lý? ảnh 1

Nhiều xe khách vi phạm tốc độ cả nghìn lần nhưng nhiều tháng sau mới được xử lý. Ảnh: Anh Trọng

Với lỗi vi phạm tốc độ (tài xế điều khiển xe chạy quá tốc độ cho phép), số liệu được Sở GTVT Hà Nội thống kê trong tháng 8 lên đến hàng trăm xe; có xe khách, xe tải chỉ chạy cự ly khoảng 1.000 km nhưng vi phạm tốc độ cả nghìn lần.

Cụ thể, trong tháng 8, ô tô kinh doanh vi phạm lỗi vượt tốc độ (qua GPS) là 794 xe, trong đó có nhiều xe vi phạm tốc độ từ vài trăm đến trên nghìn lần. Đơn cử, xe chở khách theo hình thức hợp đồng có BKS 29B - 406.42 của Cty TNHH Vận tải và Thương mại quốc tế Bình Minh, trong tháng 8 xe này đã vi phạm tốc độ 132 lần; xe đầu kéo 37H-040.56 của HTX ô tô Trường Hải vi phạm tốc độ 1.272 lần.

Về hình thức xử lý các xe nhiều lần vi phạm tốc độ trên, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã ra các thông báo gửi đến từng doanh nghiệp, chủ quản các xe vi phạm để thu hồi phù hiệu hoạt động trong vòng 1 tháng. Kể từ ngày ký thông báo, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm nộp phù hiệu về Sở GTVT Hà Nội.

Trả lời vì sao các xe vi phạm được phát hiện trong tháng 8 nhưng đến cuối tháng 10 mới ra thông báo xử lý? Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo Nghị định 10, hằng tháng các sở GTVT tập hợp danh sách xe vi phạm, do vậy cuối mỗi tháng sở GTVT sẽ tập hợp các danh sách này. Hơn nữa, do số lượng xe kinh doanh vi phạm nhiều, đường truyền từ máy chủ ở Cục Đường bộ bị chậm, gián đoạn nên xe vi phạm tháng này phải qua các tháng sau đó mới có đầy đủ thông tin, dữ liệu làm cơ sở ra thông báo xử lý.

Chế tài không đủ răn đe

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cả nước hiện có gần một triệu ô tô đăng ký kinh doanh vận tải, trong đó hơn 318.400 xe khách. Theo quy định của Chính phủ, các xe này đều đã lắp đặt GPS. Khi hoạt động trên đường, các xe kinh doanh vận tải phải truyền dữ liệu về hệ thống máy chủ của đơn vị cung cấp dịch vụ, đơn vị chủ quản và trung tâm khai thác dữ liệu giám sát hành trình do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, chia sẻ cho các sở GTVT.

Tuy nhiên, nêu thực tế việc theo dõi, giám sát, sử dụng dữ liệu GPS, đại diện các sở GTVT cho biết, ngoài đường truyền nhiều khi không ổn định, dữ liệu GPS không được trích xuất hàng ngày nên nhiều xe vi phạm tốc độ hàng trăm lần trong tháng không bị xử lý ngay mà thường sau vài tháng. Đơn cử, hiện đã là tháng 10 nhưng số liệu xe vi phạm qua hệ thống giám sát GPS tại nhiều sở GTVT chưa được cập nhật và công bố. Sở GTVT Hà Nội hiện mới công bố xe vi phạm đến tháng 8.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, quy định thu hồi phù hiệu không có tính răn đe với doanh nghiệp có xe vi phạm tốc độ. Lý do, không quy định thời gian, thời hạn thu hồi nên doanh nghiệp có xe vi phạm có thể chuyển loại hình kinh doanh để xin cấp lại phù hiệu. Hiện việc xử lý xe vi phạm, trong đó có vi phạm tốc độ chỉ thu hồi phù hiệu 1 đến 2 tháng; với doanh nghiệp, cá nhân có xe vi phạm không nộp cũng chưa có chế tài.

“Tuy có quy định nhưng do chế tài xử lý không nghiêm, không đủ tính răn đe nên mới có tình trạng nhiều xe vi phạm cả nghìn lần trong 1 tháng. Sau đó lại chạy ngoài đường bình thường, thậm chí vẫn xin cấp lại phù hiệu để hoạt động”, ông Quyền nói.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong các cuộc họp vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã nêu ý kiến cần phải thực hiện quy định chuyển danh sách xe vi phạm qua GPS cho Cảnh sát giao thông xử phạt nguội. Các xe không nộp phạt thì chuyển sang đăng kiểm từ chối đăng kiểm như đang áp dụng với xe ô tô cá nhân.

Ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng phòng Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau các lần cập nhật phần mềm và nâng cấp hệ thống, hiện dữ liệu hệ thống GPS được chia sẻ đến các sở GTVT có thể truy cập hằng ngày, hằng tuần từng xe hoạt động trên đường. Do vậy, trong công tác quản lý, giám sát các xe kinh doanh vận tải được cấp phép, hiện các sở GTVT không cần phải chờ hết tháng mới vào để tải số liệu xuống mà có thể vào hằng ngày, hằng tuần.

Sau khi có một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do tài xế chạy xe vượt quá tốc độ quy định vừa qua, ông Thủy cho biết, lãnh đạo Cục Đường bộ vừa có văn bản yêu cầu các sở GTVT chủ động vào hệ thống mạng GPS hằng ngày để theo dõi, xử lý kịp thời xe vi phạm giao thông. Cùng với đó, lãnh đạo Cục Đường bộ yêu cầu, các sở GTVT rà soát, lập danh sách các xe vi phạm trong tháng 10; xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình theo hướng thường xuyên trong tháng. Thời gian hoàn thành và báo cáo kế hoạch về Cục Đường bộ trước ngày 30/11/2023.

MỚI - NÓNG