Tại bến xe Giáp Bát chiều 1/2, chúng tôi ghi nhận, mặc dù là thời gian sinh viên, học sinh tại nhiều trường đại học, cao đẳng được nghỉ Tết sớm nhưng lượng khách ra bến chỉ bằng ngày cuối tuần. Thậm chí một số tuyến xe khách đường ngắn như Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định… xe xuất bến chỉ có 5 đến 7 khách. Anh Hoàng, đại diện nhà xe Thiên Trường chạy tuyến Thái Bình cho biết, mọi năm thời gian này, lượng khách đông, nhà xe phải hoạt động hết công suất và phải dùng đến xe dự phòng, tuy nhiên năm nay, dịch COVID-19 bùng phát đúng vào dịp gần Tết nên khách ít lựa chọn xe khách.
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Cty CP bến xe Hà Nội cho biết, từ đầu tuần này Cty CP bến xe Hà Nội triển khai kế hoạch phục vụ cao điểm Tết Tân Sửu. Đánh giá về nhu cầu đi lại của hành khách tại các bến xe lớn như: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, ông Toàn cho biết, đợt cao điểm Tết Tân Sửu dự kiến lượng khách qua bến tăng khoảng 130% đến 150% so với ngày thường.
Cty đã lên kế hoạch huy động xe dự phòng để tăng cường cả đợt cao điểm cuối năm là: 2.200 lượt xe.
Tuy nhiên đến cuối giờ chiều 1/2, lãnh đạo Công ty CP bến xe Hà Nội thông tin cho biết, các bến xe của đơn vị chưa phải sử dụng đến lượng xe tăng cường.
Xe khách tăng đến 50% giá vé
Mặc dù ít khách và nhiều xe xuất bến còn ghế trống, nhưng giá vé tại các bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội một số tuyến xe khách đã tăng giá vé đến 50%. Tại Giáp Bát, xe chạy về các tuyến huyện Nông Cống, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh, Như Xuân (Thanh Hóa) giá vé chỉ từ 120 nghìn đến 150 nghìn/lượt, nhưng dịp này giá vé này đã tăng 180 nghìn đến 200 nghìn đồng (tăng từ 30 đến 50%)/lượt.
Tương tự, tại bến xe Gia Lâm, giá vé xe khách đi về các tuyến huyện của Thanh Hóa cũng thông báo tăng từ 30 đến 50% mỗi lượt.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát xác nhận, hiện bến đã nhận được thông báo xin tăng giá vé của xe khách chạy các tuyến huyện ở Thanh Hóa, mức tăng cao nhất 50%. Lý giải cho việc tăng giá vé, ông Thành nói, các doanh nghiệp cho rằng, dịp Tết họ chỉ chạy một chiều có khách, còn chiều ngược lại chạy xe rỗng, do vậy để bù vào chi phí phát sinh, doanh nghiệp xin tăng giá vé.
Cũng theo ông Thành, thủ tục tăng giá vé doanh nghiệp vận tải làm việc với cơ quan quản lý (Sở Tài chính, Sở GTVT) và làm xong trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19 bùng phát trở lại, bến xe chỉ là đơn vị được doanh nghiệp vận tải thông báo. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, việc tăng giá vé có tính hai mặt, thứ nhất có thể giúp doanh nghiệp vận tải hoạt động tốt, đảm bảo doanh thu, nhưng ngược lại có thể không gây được thiện cảm với hành khách, khiến họ lựa chọn nhà xe khác hoặc chọn loại hình khác.