TS Nghiêm Xuân Đạt (Phó Chủ tịch Hiệp hội môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam) khẳng định: “Không ủng hộ việc này”. Theo TS Nghiêm Xuân Đạt, quét đường và rửa đường là 2 khái niệm, sự việc hoàn toàn khác nhau, thậm chí đây là quy trình trong việc duy trì phố phường sạch đẹp, văn minh. Để trở thành đô thị văn minh, bất kỳ thành phố phát triển nào trên thế giới cũng phải duy trì song song hai công việc này.
TS Nghiêm Xuân Đạt nêu, ngoài rửa sạch bụi bẩn việc rửa đường bằng xe chuyên dụng còn có nhiều chức năng khác, trong đó có chức năng thổi trôi cả hạt bụi mịn, làm dịu không khí, thậm chí làm mát phố phường vào những hôm trời oi bức. Ở các thành phố phát triển, ngoài trang bị xe rửa đường, cơ quan quản lý còn có hệ thống tưới nước tự phun tự động cho mặt đường hoặc hệ thống cây xanh khi thời tiết quá nắng nóng, phát sinh bụi. Do vậy, ngoài mặt đường luôn sạch sẽ, lá cây ven đường ở các thành phố phát triển, đặc biệt là châu Âu luôn óng ánh, xanh biếc. Nhưng với Hà Nội, hiện nay bị cắt rửa đường và thay bằng xe hút rác là hoàn toàn không hợp lý. Xe hút rác chỉ hút, thu gom được những loại rác, còn bụi bám ở mặt đường, bụi bay lơ lửng, thậm chí bụi mịn thì không thể thu gom hoặc tẩy trôi được. “Tiết kiệm ngân sách là tốt nhưng cách làm máy móc phải xem lại”, TS Nghiêm Xuân Đạt nhấn mạnh.
PGS-TS Hà Đình Đức (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường thành phố Hà Nội) cho rằng: So với các năm trước đường Hà Nội hiện nay có sạch hơn, tuy nhiên lại ô nhiễm hơn các năm về trước. Tại sao lại có chuyện này? Có phải các đơn vị vệ sinh môi trường thành phố chưa làm hết trách nhiệm? Hay do chính sách quản lý đô thị của thành phố có vấn đề? Ba năm qua thành phố đã tiết kiệm được bao nhiêu ngân sách từ việc “cắt” dịch vụ rửa đường và hệ quả của việc này là gì, các nhà khoa học và nhân dân thủ đô rất cần được thành phố làm rõ, đánh giá nghiêm túc.