Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM cho biết các bến cóc, xe dù trong nội thành được tổ chức bến bãi một cách khá bài bản, ở “mọi lúc, mọi nơi”.
“Những doanh nghiệp có thương hiệu cũng ra ngoài chạy “dù”, sống chung với lũ. Tệ nạn “xe dù, bến cóc” ngày càng nhiều, gây thất thu ngân sách, thiệt hại đến quyền lợi của hành khách sở dĩ chưa dẹp được còn do có sự buông lỏng quản lý vì lợi ích cục bộ của một số cán bộ thuộc lực lượng chức năng. Bến cóc, xe dù mọc ra, ông chủ tịch phường, chủ tịch quận không thể không biết”, ông Tính nói.
Ông Tính dẫn chứng: Đường Lê Hồng Phong, Trần Phú không cho phép nhưng xe 2 tầng, xe 50 chỗ vẫn dừng đỗ đón khách mà không bị xử lý. Còn tôi vừa ghé ô tô 4 chỗ vào đón một cậu học viên lập tức bị lực lượng Thanh tra giao thông (TTGT) ập đến lập biên bản.
Ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe miền Đông băn khoăn: Khi nói đến xe dù, bến cóc, các cơ quan thực thi công vụ nại lý do là thiếu luật này, quy định kia. Ở đây là do yếu tố con người. Lực lượng thực thi pháp luật đã làm tốt chưa? Ở Cần Thơ hầu như không có xe dù, bến cóc. Ở Gia Lai cũng vậy vì họ làm nghiêm.
Theo Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM Lê Hồng Việt, hai bến cóc trên đường Đinh Bộ Lĩnh (phường 26, quận Bình Thạnh) đối diện Bến xe miền Đông vốn chỉ được cấp phép giữ xe. Nhiều lần, lực lượng TTGT bắt quả tang, xử phạt hành chính và có văn bản đề nghị nhưng cơ quan cấp phép địa phương không đồng ý rút giấy phép hoạt động hai bãi xe trên.
Mới đây, phát hiện một số doanh nghiệp lập bến bãi trên đường Mai Chí Thọ (quận 2), xe dừng đỗ chờ khách dài cả cây số, Thanh tra Sở GTVT đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cắm biển báo cấm dừng đỗ để xóa bến cóc nhưng bị từ chối với lý do đường rộng, việc đỗ xe không cản trở giao thông.
Trả lời chất vấn của Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, đại úy Bùi Ngọc Giàu, Phó đội trưởng Đội CSGT quận Tân Bình cho biết: Các tuyến đường Đồng Đen, Hồng Lạc có một số đại lý bán vé xe khách, như: Ba Nga, Chín Song, A Tỷ…
Lực lượng CSGT đã mật phục để lập biên bản xử phạt nhiều trường hợp, báo cáo hằng tháng cho Ban ATGT quận nhưng vì sao địa phương không thu hồi phù hiệu, rút giấy phép hoạt động các xe vi phạm thì đại úy Giàu không lý giải được.
Theo ông Khuất Việt Hùng, trong một số trường hợp, xe dù mang lại nhiều tiện ích cho hành khách. Không thể buộc người dân ở ngoại thành phải đi ngược hàng chục cây số vào nội ô để đi xe trong bến. Vì vậy, Thông tư 18 và Thông tư 63 do Bộ GTVT ban hành yêu cầu các địa phương quy hoạch và tổ chức các điểm đón khách ngoài bến xe. Tuy nhiên, sau gần hai năm, đến nay, TPHCM vẫn chưa thực hiện.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT cho biết tính đến 30/4/2015, cả nước có trên 3.000 tuyến xe vận tải hành khách cố định liên tỉnh. Tại TPHCM hiện có trên 2.000 xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, 2.797 xe buýt, 10.790 taxi và trên 12.000 xe vận tải hợp đồng. Đáng ngại là tình trạng “xe dù, bến cóc” ngang nhiên hoạt động cạnh các bến xe và biến tướng ngày càng tinh vi, xử lý vi phạm xong vẫn tái diễn.
Đình chỉ hãng xe gây tai nạn thảm khốc ở Đà Nẵng
Ông Lê Hồng Việt cho biết theo chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, lực lượng TTGT đã tiến hành thanh tra và ra quyết định xử phạt 4 triệu đồng và đình chỉ hoạt động trong thời hạn một tháng đối với Hợp tác xã vận tải Trung Nam – đơn vị quản lý chiếc xe khách mang BKS 74B 00237 gây tai nạn trên tuyến đường Bà Nà - Suối Mơ làm toàn bộ 7 người trên xe du lịch mang BKS 43A 12315 thiệt mạng. Qua kiểm tra, lực lượng TTGT phát hiện các xe khách đều được lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng HTX Trung Nam lại không bố trí nhân viên điều hành, theo dõi nên không phát hiện, xử lý kịp thời khi các phương tiện chạy quá tốc độ cho phép.