Xe điện chưa có đăng kiểm: Thí điểm quá lâu

Xe điện chưa có đăng kiểm: Thí điểm quá lâu
TP - Lý giải về việc xe điện hoạt động tại phố cổ và hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) chưa có đăng kiểm, tem lưu hành, đại diện đơn vị chủ quan là Cty CP Đồng Xuân cho rằng, do chưa có quy định nên xe điện chưa được đăng kiểm.

> 20 xe điện phố cổ chưa được đăng kiểm

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ông Đỗ Xuân Thủy, Giám đốc Cty CP Đồng Xuân cho rằng, sở dĩ sau 2 năm hoạt động xe điện vẫn chưa được đăng kiểm và dán tem lưu hành là do Luật Giao thông đường bộ không có quy định nào cho việc này.

Theo ông Thủy, hiện Bộ GTVT đang xây dựng bộ quy chuẩn đăng kiểm trên, khi xây dựng xong xe điện sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam đăng kiểm và dán tem lưu hành.

Theo các chuyên gia giao thông tuy chưa có quy định cho việc đăng kiểm, nhưng với các thông số kỹ thuật mà Cty CP Đồng Xuân thông báo là xe điện đáp ứng được các Điều 53 và 57 (mục a, b, c, d, e) của Luật Giao thông đường bộ như xe có đèn chiếu xa, chiếu gần, đèn xi nhan, có phanh thủy lực (phanh quy định cho các loại ô tô mới), bộ điều khiển 5 số, 4 tiến, 1 số lùi… thì xe điện được ví như ô tô dưới 9 chỗ ngồi.

Do vậy về nguyên tắc khi hoạt động trên đường xe điện phải được cấp đăng kiểm và dán tem lưu hành. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cũng cho rằng, xe điện hoạt động tại khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm chỉ là thí điểm, song việc thí điểm này đã trải qua hơn 2 năm, thời gian quá lâu cho một chương trình thí điểm.

Hơn nữa đến nay cơ quan chức năng cụ thể là TP Hà Nội và Bộ GTVT chưa đưa ra đánh giá về kỹ thuật cũng như hiệu quả hoạt động, là điều không hợp lý. “Với xe điện chỉ cần 6 tháng hoạt động là đánh giá được tất cả các vấn đề trên, không những thế còn có thể đưa ra bộ quy chuẩn để đăng kiểm cho loại xe này”, ông Hùng khẳng định.

Chưa nên nhân rộng

Cty CP Đồng Xuân vừa trình UBND TP Hà Nội phương án mở rộng hoạt động của xe điện ra nhiều tuyến phố khác. Cụ thể, theo phương án này thì dự kiến tháng 12 tới Cty Đồng Xuân sẽ khai trương thêm 2 tuyến xe điện chạy ra nhiều tuyến phố lớn như Đinh Tiên Hoàng, Hàng Gai, Hàng Bông, Cửa Nam, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Quán Sứ, Lý Thường Kiệt, Hỏa Lò, Hai Bà Trưng, Phan Chu Trinh, Tràng Tiền, Tôn Đản (tuyến số 1); Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quán Sứ, Hai Bà Trưng, Hỏa Lò, Lý Thường Kiệt, Lê Thánh Tông, Tràng Tiền, Tôn Đản, Lý Thái Tổ, Lê Thạch (tuyến số 2).

Dự kiến sẽ có 15 đến 20 xe điện tương tự như các xe điện đang hoạt động tại khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm được Cty CP Đồng Xuân nhập về để thực hiện phương án này.

Ủng hộ việc cho xe điện lưu hành để giảm ô nhiễm môi trường và xe cá nhân, nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để đảm bảo an toàn khi chở người cũng như khi tham gia giao thông trên đường đô thị xe điện phải được kiểm định kỹ thuật và cấp tem lưu hành như ô tô dưới 9 chỗ.

Việc 20 xe điện hoạt động hơn 2 năm nay tại phố cổ và hồ Hoàn Kiếm chưa được cấp đăng kiểm và chưa đánh giá hiệu quả là thiếu sót của các cơ quan có trách nhiệm.

Theo ông Hùng, trong khi chờ bộ quy chuẩn đăng kiểm cho xe điện cũng như TP Hà Nội và Bộ GTVT có đánh giá hiệu quả của việc thí điểm này, để tránh những hệ lụy về sau thì chưa nên nhân rộng hoạt động của xe điện.

Việc Công an TP Hà Nội vừa có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT cần phải có các biện pháp triển khai việc đăng kiểm và dán tem lưu hành cho xe điện, cơ quan chức năng cần lưu tâm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.