Chiều qua, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi UBND TP Hà Nội có văn bản giao xây dựng, báo cáo kết quả thành phố trong tháng 5, Sở GTVT đang bắt tay nghiên cứu, triển khai đề án.
Theo đại diện Sở GTVT, đây là đề án tổ chức cho thuê xe đạp, đối tượng thuê là người dân, khách du lịch đến Hà Nội. Phạm vi triển khai mà Sở GTVT nghiên cứu áp dụng là khu vực trung tâm từ đường vành đai 1 trở vào.
“Các địa điểm được chọn để phát triển dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng là ga tàu, bến xe, điểm trung chuyển xe buýt và một số nơi gần các vị trí thăm quan, du lịch có nhiều người qua lại”, đại diện Sở GTVT nhấn mạnh.
Theo Sở GTVT Hà Nội, mỗi khu vực được chọn phát triển dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng, Sở GTVT sẽ dành ra vài chục mét vuông mặt bằng để làm bãi đậu xe.
Việc tho thuê xe đạp sẽ được áp dụng theo hình thức xã hội hóa (doanh nghiệp đầu tư phương tiện - điều hành; Sở GTVT đầu tư bến bãi, quản lý). Sở GTVT sẽ triển khai đề án theo các bước, khảo sát, thuê tư vấn lập đề cương chi tiết, báo cáo duyệt - triển khai. Dự kiến tháng 5 sẽ xây xong và báo cáo UBND TP Hà Nội.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, với điều kiện và thực tế giao thông Hà Nội hiện nay, phát triển xe đạp công cộng sẽ không khả thi.
Cụ thể, theo sự phát triển của xã hội đây là loại hình đã lạc hậu, đặc biệt tốc độ chậm, nguy cơ ùn tắc, tai nạn cao nên xe đạp không còn được người dân ưa chuộng; thậm chí do không còn phù hợp với tình hình giao thông.
TP Hà Nội đang có chủ trương xóa bỏ xích lô, thậm chí xe đạp điện cũng phải hạn chế, việc phát triển xe đạp công cộng là không còn hợp xu thế, đó là chưa nói đến vấn đề xây dựng bến bãi, làn đường dành cho xe đạp. Theo ông Liên nếu triển khai chỉ nên thí điểm ở một số tuyến phố, không nên làm trên diện rộng.
Đại diện Phòng CSGT, CATP Hà Nội cũng cho biết, các vụ TNGT do xe đạp lạng lách thời gian qua xảy ra nhiều; hơn nữa do tốc độ chậm nên khi tham gia trên đường còn thường xuyên gây ùn tắc giao thông.
Các vụ ùn tắc giao thông tại khu vực cổng trường học, nguyên nhân học sinh đi xe đạp nhiều khiến tốc độ các dòng phương tiện giảm xuống thường chiếm phần lớn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Xuân cho biết, việc thành phố quyết định nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố là chủ trương đúng đắn. Dịch vụ xe đạp công cộng sẽ thiết thực góp phần giảm dần phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy, taxi, cải thiện môi trường và giảm ùn tắc giao thông.
Minh Tuấn