> Hà Nội: Xe ôm - xe buýt chung một ...nhà chờ
> Hà Nội 'nhốt' hàng chục xe khách kém chất lượng
Sau nửa tháng kiểm tra, Hà Nội đã nhốt 56 xe khách không đạt chất lượng. Ảnh: Trọng Đảng.
Theo ông, sau 15 ngày đặt trạm lưu động kiểm tra chất lượng xe khách tại các bến xe ở Hà Nội, liên ngành đã nhốt 56 xe khách vi phạm.
Các xe bị nhốt vi phạm những lỗi gì, bến xe nào có lượng xe vi phạm nhiều nhất?
Với mục tiêu nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn của xe chở khách, theo kế hoạch đã được liên ngành Sở GTVT Hà Nội và Cục Đăng kiểm Việt Nam thống nhất, từ nay đến cuối năm, chúng tôi triển khai việc kiểm tra chất lượng xe khách, trong đó có cả xe buýt đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Với nội dung kiểm tra khí thải, hệ thống phanh, còi, dụng cụ thoát hiểm và phòng cháy chữa cháy... Sau nửa tháng triển khai (từ ngày 13 đến nay), các tổ công tác đã kiểm tra 106 phương tiện xe chở khách tại 5 bến xe, gồm: Mỹ Đình, Giáp Bát, Yên Nghĩa, Gia Lâm và Nước Ngầm.
Kết quả phát hiện 56 xe vi phạm các quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT). Trong 56 xe vi phạm có 43 xe khách liên tỉnh và 13 xe buýt, đa số xe đều vi phạm các lỗi khí thải, phanh hãm và còi xe không đạt tiêu chuẩn, riêng lỗi phanh hãm chiếm số lượng lớn nhất: 34 trường hợp.
Sau khi tổng hợp số liệu, chúng tôi thấy bến xe Mỹ Đình và Giáp Bát có lượng xe vi phạm nhiều nhất, trong các trường hợp vi phạm, có xe của một số đơn vị vận tải còn vi phạm từ 2 đến 3 lỗi như xe 23T-1746 của HTX Thuận Thành (Hà Giang) chạy tuyến Mỹ Đình - Hà Giang (vi phạm cả 3 lỗi: khí thải, phanh hãm, còi); xe 35N-5336 của Cty CPVT Ninh Bình, chạy tuyến Giáp Bát - Ninh Bình (vi phạm 2 lỗi: phanh hãm, còi)...
Các xe bị nhốt được xử lý ra sao, làm thế nào để xe bị nhốt không tái phạm?
Thay vì lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, lần này chúng tôi chỉ đạo các tổ kiểm tra tạm giữ bằng lái, đăng ký của tất cả xe vi phạm, kể cả xe buýt.
Cùng với đó, yêu cầu tài xế phải đưa xe về các trung tâm đăng kiểm khắc phục lỗi, sau đó mang kết quả đến trụ sở Thanh tra để được giải quyết.
Do bị giữ hết các giấy tờ liên quan nên 56 xe vi phạm trong thời gian xử lý vi phạm bị cấm ra đường.
Với các bến xe, chúng tôi cũng có văn bản yêu cầu, trong thời gian giải quyết vi phạm không cho xuất hoặc nhập bến. Kể cả khi các xe được hoạt động trở lại, bến xe có trách nhiệm giám sát, nếu tái phạm sẽ bị cắt “nốt” từ chối phục vụ.
Việc kiểm tra xe buýt trên đường sẽ được liên ngành triển khai thế nào, hình thức xử lý xe vi phạm?
TP Hà Nội hiện có trên 1.200 xe buýt với 84 tuyến, mỗi ngày có hơn 1,1 triệu lượt hành khách đi lại, để kiểm tra được hết các xe buýt là điều vô cùng khó khăn. Do vậy, trong đợt kiểm tra này, chúng tôi khoanh vùng để kiểm tra các tuyến buýt lớn và các tuyến buýt kế cận.
Theo đó, các trạm chung chuyển Cầu Giấy, Long Biên và một số khu depot... xe buýt sắp tới sẽ được đặt trạm đăng kiểm, kiểm tra chất lượng xe buýt hoạt động trên đường.
Với các tuyến buýt kế cận khi qua các khu vực cửa ngõ sẽ được kiểm tra tại đây. Giống như việc kiểm tra tại các bến xe, xe buýt vi phạm trên đường cũng bị lập biên bản vi phạm, lái xe và xe vi phạm bị tạm giữ các giấy tờ liên quan. Trong thời gian xử lý vi phạm, các xe buýt vi phạm bị cấm ra đường.
Vị trí kiểm tra nằm hầu hết ở khu vực xe buýt đang hoạt động, liệu như vậy có ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách?
Đã vi phạm thì tất cả các lỗi đều được xử lý với hình thức như nhau. Tuy nhiên, khác với xe khách (dừng trong bến), xe buýt được kiểm tra khi đang hoạt động nên khi triển khai chúng tôi sẽ phối hợp với Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội để nếu xe vi phạm bị tạm giữ, trung tâm có nhiệm vụ điều các xe buýt khác đến thay thế, đảm bảo việc đi lại của hành khách. Chúng tôi dự kiến triển khai kế hoạch này từ đầu tháng 12 tới.
Cảm ơn ông.
Trọng Đảng
Thực hiện