Xây trạm cấp nước sạch 10 tỷ đồng, dân vẫn khát

Bể chứa nước đục ngầu, mọc đầy rong rêu.
Bể chứa nước đục ngầu, mọc đầy rong rêu.
TP - Tại thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, trạm cấp nước sạch được đầu tư xây dựng gần 10 tỷ đồng nhưng chỉ sau một thời gian vận hành phải ngừng hoạt động.

Đầu tư gần 10 tỷ, hoạt động... 6 tháng

Theo phản ánh của một số hộ dân thôn Bảo Lộc, năm 2009, thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư cho xã Võng Xuyên xây dựng trạm cấp nước sạch tại thôn Bảo Lộc. Tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng. Đến cuối năm 2011, công trình được đưa vào vận hành, cấp nước cho các hộ dân. Tuy nhiên, nước không sạch như mong đợi, áp suất nước không đủ mạnh để đẩy lên bể chứa của nhiều hộ dân.

Chỉ sau một thời gian ngắn, công trình tạm ngừng hoạt động. Các hộ dân ban đầu phải nộp 200.000 đồng để lắp đồng hồ bơm nước. Sau khi trạm bơm tạm ngừng cấp nước, các hộ dân có ý kiến và được trả lại tiền lắp đồng hồ. Người dân trở lại dùng nước giếng khoan và nước mưa.

Xã không đủ năng lực vận hành

Chiều 24/2, trao đổi với báo Tiền Phong, ông Ngô Văn Mai – Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên cho biết, thôn Bảo Lộc có 6.000 nhân khẩu, là khu vực có vị trí địa lý thấp trũng. Nguồn nước của thôn không được tốt như những thôn khác nên lãnh đạo Đảng ủy và UBND huyện Phúc Thọ, xã Võng Xuyên đã kiến nghị lên UBND thành phố quan tâm đầu tư trạm xử lý nước sạch để nhân dân cải thiện môi trường sinh sống.

Năm 2009, thành phố chấp thuận, đầu tư xây trạm cấp nước Bảo Lộc. Theo đó, chủ đầu tư là UBND xã Võng Xuyên, tổng mức đầu tư 8,9 tỷ đồng. Công suất thiết kế 1.000m3/ngày đêm, nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đơn vị thi công là Cty Thiên An Môn. Công trình được đưa vào sử dụng từ tháng 8/2011. Đảng ủy, UBND xã đã họp, thống nhất bàn giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp Võng Xuyên quản lý, vận hành. Tuy nhiên, trạm chỉ hoạt động được 6 tháng thì dừng hoạt động. Từ đó đến nay, Hợp tác xã (HTX) không đủ bù chi cho các hoạt động của trạm.

Theo ông Mai, thực tế người dân thôn Bảo Lộc từ xưa vẫn quen dùng nước giếng khoan và nước mưa. Đến khi xây trạm bơm, xã đã làm đường ống và lắp đồng hồ đến 950 hộ để cấp nước. Tuy nhiên, giai đoạn đầu mới vận hành vẫn phải thau rửa nên nước không được sạch và nhiều hộ dân phản ứng.

Theo báo cáo của UBND xã Võng Xuyên, sau một thời gian được giao quản lý, khai thác vận hành trạm cấp nước, do không đủ năng lực cũng như kinh nghiệm để quản lý, vận hành và bảo dưỡng trạm nên ngày 15/8/2014, HTX có báo cáo gửi UBND xã thôi không quản lý, vận hành nữa. Từ đó đến nay, trạm chỉ cấp nước cho trường mầm non Võng Xuyên B với lưu lượng 500m3/tháng mà không cấp nước cho dân.

Khắc phục

Tại buổi làm việc với Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội, Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, đại diện UBND xã Võng Xuyên đã báo cáo thực trạng trên, cũng như hiện trạng công trình. Điều đáng nói, do để lâu nên khoảng 400m đường ống HDPE D60 bị hư hỏng không sử dụng được. Bể chứa nước mọc rong rêu. Hệ thống trạm đầu mối thì bơm cấp 1 có 2 bơm nhưng 1 bơm không hoạt động. Xã đã kiến nghị giao trạm cấp nước cho một đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm để cải tạo, quản lý.

Sau khi có thông báo trên, có 3 đơn vị đã nộp đơn đề nghị được cải tạo, quản lý trạm cấp nước. Ông Phùng Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cũng chia sẻ, theo ông nắm được thực tế trạm phải dừng hoạt động do chưa thanh quyết toán xong kinh phí xây trạm. Sau đó, HTX tiếp quản lại không đủ năng lực để vận hành. Mới đây, huyện cũng đã có công văn gửi Sở NN&PTNT Hà Nội nhất trí giao cho doanh nghiệp thực hiện việc xã hội hóa để đầu tư cải tạo và quản lý vận hành khai thác hiệu quả trạm cấp nước. 

Theo báo cáo của UBND xã Võng Xuyên, sau một thời gian được giao quản lý, khai thác vận hành trạm cấp nước, do không đủ năng lực cũng như kinh nghiệm để quản lý, vận hành và bảo dưỡng trạm nên ngày 15/8/2014, HTX có báo cáo gửi UBND xã thôi không quản lý, vận hành nữa.

MỚI - NÓNG