Xây mới sân bay Long Thành: Cần “liệu cơm gắp mắm”

Phối cảnh sân bay Long Thành.
Phối cảnh sân bay Long Thành.
TP - Lưu ý của GS Trần Đình Bút, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ tại hội thảo khoa học “Xây mới sân bay Long Thành hay nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất” diễn ra ngày 21/3 tại TPHCM.

Trông người, ngẫm đến ta

Theo Ths Nguyễn Phụng Tâm, kỹ sư trưởng hàng không Emirates, sân bay Kennedy (New York, Mỹ), TPHCM là trung tâm, đầu tàu kinh tế lớn của cả nước và là cửa ngõ giao thương giữa miền Tây và miền Đông Nam bộ. Sân bay Long Thành (SBLT) cách TPHCM hơn 50 km, khá xa trung tâm, không thuận tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa cho cộng đồng dân cư ở TPHCM và các tỉnh ĐBSCL.

Ông Tâm cho biết Bộ GTVT đánh giá sân bay lớn phải nằm ngoài thành phố để đảm bảo an toàn, hạn chế ô nhiễm, tiếng ồn… là chưa chuẩn xác. Sân bay Narita (Nhật), tuy hiện đại nhưng cách Tokyo đến 58 km nên có hơn 25 hãng hàng không lớn (trong đó có Việt Nam) không chọn và tiếp tục duy trì đường bay thẳng đến sân bay Haneda cách Tokyo 14 km.

Tại Mỹ, các hãng hàng không như EVA, China Airlines, Singapore Airlines, Virgin Atlantic, Air France… chuyển sang sân bay Kennedy, không bay đến Newark vì sân bay này cách trung tâm New York khoảng 30 km.

“Nếu không chứng minh được trạng thái kiệt giá của dự án SBLT chỉ kéo dài trong thời gian ngắn thì họa chăng chỉ có giới tài phiệt hoặc ai đó dùng tiền ngân sách mới dám đầu tư vào SBLT”.

PGS.TS Trần Ngọc Thơ, trường Đại học kinh tế TPHCM 

“Không đơn giản cứ xây sân bay hoành tráng là thành công. SBLT đối mặt với sự cạnh tranh vô cùng gay gắt của các sân bay trong khu vực ASEAN hay các sân bay trong khu vực Trung Đông (Dubai, Abu Dhabi, Qatar…) với chi phí rẻ, chất lượng phục vụ 3-5 sao, dịch vụ khai thác đa dạng, vừa kết hợp trung chuyển và du lịch mà khách không phải trả thêm chi phí” - ông Tâm nói.

TS Cao Đắc Hiển (trường Đại học Công nghiệp TPHCM) ví von: Các nhà quản lý đang mắc bệnh… nhất. Làm gì cũng muốn nhất thế giới. Hết bánh chưng lớn nhất, tượng đài to nhất thì đến tháp truyền hình cao nhất, sân bay to nhất…, chưa quan tâm đến hiệu qủa kinh tế.

Tham luận tại hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Thơ (Đại học kinh tế TPHCM) cho rằng cân nhắc thời điểm phù hợp xây dựng SBLT là cần thiết vì phương pháp tính toán của dự án chưa chính xác.

Ông Thơ dẫn chứng: Trong đầu tư công nghiệp hàng không luôn có một chu kỳ từ giai đoạn tăng trưởng liên tục sẽ trở lại giai đoạn suy thoái kéo dài rất khó đoán trước được. Bộ GTVT không thể lấy con số tăng trưởng một giai đoạn để đánh giá toàn bộ dự án. GS Thơ đề xuất sử dụng phương pháp quyền lựa chọn thực ROA (Real Option Analysis) một số nước đã áp dụng để tính toán hiệu quả của dự án.

Phải xem xét cẩn trọng

Theo PGS.TS Ngô Văn Dực (Viện Khoa học công nghệ quân sự), dự án đánh giá hạn chế của sân bay Tân Sơn Nhất là quá gần, ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay quân sự Biên Hòa. Thế nhưng, thực tế, SBLT gần sân bay Biên Hòa hơn sẽ ảnh hưởng như thế nào thì dự án chưa xem xét.

“Dự án SBLT chưa khảo sát về khí hậu và nằm không xa trường bắn Mây Tàu hiện do Quân đội quản lý. Những vấn đề này rất quan trọng với an toàn bay, không xem xét đến thì hiệu quả dự án sẽ là như thế nào? Vì vậy, cần xem xét thật cẩn trọng dự án trước khi quyết định” - PGS.TS Ngô Văn Dục nói.

TSKH Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM cho biết chi phí đầu tư bình quân trên mỗi hành khách của các nước trong khu vực là 81 USD/người, nhưng tại dự án SBLT, chi phí lên tới 187 USD/người.

“Hàng không nội địa của Việt Nam hiện đang xếp gần cuối bảng trong khối ASEAN, không dễ để cạnh tranh với thế giới. Báo cáo đầu tư chưa đánh giá được khả năng cạnh tranh của SBLT với các sân bay lớn đã hình thành từ lâu trong khu vực, như Suvarnbhumi (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Changi (Singapore)” - ông Thắng nói.

GS Trần Đình Bút, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho rằng ngân sách đang còn phải trả nợ thì cần “liệu cơm gắp mắm”, tính toán lại về việc có nên xây dựng ngay SBLT hay là không.

“Hiện nay chúng ta đang nợ quá nhiều. Hàng năm ngân sách phải bỏ ra tới 25% GDP để trả nợ. GDP của chúng ta hiện chỉ vào khoảng 200 tỷ USD/năm và mức tăng ngân sách hàng năm chỉ vào khoảng 6%, nghĩa là 12 tỷ USD. Nếu xây dựng SBLT thì chúng ta phải nhịn ăn uống và không chi tiêu bất kỳ thứ gì trong 2 năm rưỡi” - GS Bút nói

Theo TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ & Quản lý TPHCM (đơn vị tổ chức), ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo sẽ được tập hợp trình Quốc hội xem xét, quyết định. 

Giải tỏa một phần sân bay Tân Sơn Nhất thu 375 tấn vàng

Ông Trần Đức Thịnh- Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý báo cáo trong tham luận của mình tại hội thảo khoa học “Nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất hay xây mới Long Thành” diễn ra ngày 21/3. Trong tham luận của mình, ông Thịnh tính toán hiện Tân Sơn Nhất còn khoảng 10 km2, trong đó có khoảng 100 ha đất của quân đội đến nay chưa có công trình xây dựng nào đáng kể.

Ông Thịnh tính toán giá đất ở khu vực Tân Sơn Nhất hiện khoảng một lượng vàng/m2 nên nếu giải tỏa 100 ha sẽ thu được 10 triệu lượng vàng, tương đương 375 tấn. Tính ra số tiền hiện nay là khoảng 352.000 tỉ đồng khoảng 16,4 tỉ USD.   

L.N

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.