10 giờ sáng, nhà ga Hạ Long hoành tráng cao 2 tầng, rộng hàng trăm m2 ốp gạch men sáng bóng nằm kế bên quốc lộ 18 vắng như chùa bà đanh. Nhà ga này mỗi ngày chỉ có một đoàn tàu từ Yên Viên tới mang theo các mặt hàng nông sản cung cấp cho các tiểu thương… họp chợ.
Xế trưa, nhà ga bắt đầu ồn ã, vài người trông xe đem dây căng ra cổng chuẩn bị thu vé họp chợ. Đội quân xe tải, xe máy, xe thồ, xe ba gác ùn ùn kéo đến. Những chiếc lán phủ bạt được dựng lên trên khoảng sân bê tông. Một số tiểu thương chở hàng từ các nơi về nhà ga, chờ đoàn tàu mang theo hàng nông sản về để họp chợ. Các loại rau củ quả chất đống trên mặt đất. Các lán chợ vừa hình thành cũng là lúc đoàn tàu chợ xình xịch vào ga. Tàu dừng, chỉ có vài ba hành khách bước xuống.
Ga Hạ Long thuộc tiểu dự án đường sắt Hạ Long-Cái Lân, trị giá hơn 1.500 tỷ đồng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, được đưa vào sử dụng từ năm 2014. Với công suất thiết kế có thể đáp ứng cho 6-7 đôi tàu khách/ngày đêm nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay, ga Hạ Long mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu từ Yên Viên đến và đi. Thành ra, nhà ga với các khu nhà chờ, khu bán vé, nhà điều hành, sân ga tầm cỡ gần như bỏ hoang, chỉ để phục vụ cho phiên chợ đầu mối nông sản.
Anh Phùng Văn Minh, nhân viên ga Hạ Long cho biết, đoàn tàu này xuất phát từ ga Yên Viên trên đường ghé ghé qua 20 nhà ga khác rồi mới về đến ga Hạ Long. Hành trình chạy tàu toàn tuyến mất hơn 7 giờ nên dù nhà ga có hoành tráng thì cũng không có khách nào chịu đi. Ngay cả khai thác chở hàng hóa cũng khó khăn vì tuyến đường sắt này có chiều rộng hơn 1,4m thành ra chưa thể kết nối với các tuyến khác khổ nhỏ hơn. Hàng hóa chuyển đi các tuyến Lạng Sơn, Lào Cai phải chuyển tàu hoặc đưa sang ô tô nên chủ hàng không mấy mặn mà. Do đó, nhà ga tầm cỡ quốc tế vẫn không thoát cảnh ga xép, chỉ để cho thương lái họp chợ nông sản.