Tai nạn liên tiếp tại các dự án đường sắt đô thị:

Rút giấy phép thi công các nhà ga “cửa tử”

Chỉ trong vòng hơn 6 tháng qua, từ 6/11/2014 tới 12/5/2015, đã xảy ra 5 vụ tai nạn tại các công trình đường sắt đô thị ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà-Thành Công.
Chỉ trong vòng hơn 6 tháng qua, từ 6/11/2014 tới 12/5/2015, đã xảy ra 5 vụ tai nạn tại các công trình đường sắt đô thị ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà-Thành Công.
TP - Trước phương án thi công có vấn đề và là nguyên nhân chính gây nên vụ tai nạn đổ cẩu trên công trường đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - ga Hà Nội, trao đổi với PV Tiền Phong ngày 14/5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, chiều qua đã triệu tập các đơn vị có liên quan lên chỉnh đốn, sẽ rút giấy phép các nhà ga, công trình “cửa tử” vào sáng nay (15/5).

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, cho đến nay, việc khắc phục hậu quả hai vụ tai nạn ĐSĐT vừa qua, trong đó có vụ đổ cần cẩu xảy ra trên công trường ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội chiều 12/5 đã cơ bản xong. 

Các nạn nhân bị ảnh hưởng trong đó có một phụ nữ đang mang thai, sau khi được các bác sỹ kiểm tra sức khỏe đã trở lại sinh hoạt bình thường; với hai gia đình có căn nhà bị ảnh hưởng từ ngọn cẩu đổ đã được bồi thường hợp lý. Riêng hiện trường dự án những ngày qua đã dừng thi công để lực lượng chức năng của thành phố kiểm tra, rà soát và làm rõ nguyên nhân tai nạn. Từ đó rút ra những kinh nghiệm, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm những cá nhân, đơn vị  liên quan.

Rút giấy phép thi công các nhà ga “cửa tử” ảnh 1

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội .

Chủ đầu tư không thể ngoài cuộc

Thưa ông, nguyên nhân chính dẫn đến hai vụ tai nạn vừa qua là gì. Với vụ sập cẩu trên đường Cầu Giấy, các chuyên gia cho rằng, phương án nhổ ống vách được thực hiện không đúng quy trình?

Để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn trên, chiều 14/5, UBND thành phố đã yêu cầu Ban quản lý Đường sắt đô thị (đại diện Chủ đầu tư), Tư vấn giám sát Systra (Pháp), nhà thầu Posco, Daelim (Hàn Quốc) và các sở ngành có liên quan lên báo cáo. Hai vụ tai nạn vừa qua là do nhà thầu lơ là trong việc đảm bảo an toàn thi công và chưa tính toán hết các thông số kỹ thuật khi cẩu, kéo. Với vụ đổ cần cẩu trên đường Cầu Giấy, qua trình bày của Tư vấn Systra, việc dùng cẩu bánh xích nhổ các ống vách đã được nhà thầu thực hiện an toàn hàng trăm chiếc trên toàn tuyến. Tuy nhiên, khi nhổ các ống vách này tại gói thầu CP1 trên đường Cầu Giấy đã xảy ra đổ cẩu. Nguyên nhân của việc này do đơn vị nhổ - Công ty Cổ phần Cầu 14 - CIENCO1 được nhà thầu Daelim thuê đã không thực hiện đúng quy trình. Cụ thể, bình thường khi ống vách được cắm sâu xuống đất để đổ bê tông, sau 15 đến 20 phút là phải kéo ống lên, nhưng đơn vị thực hiện tại đây đã để ống vách đến 40 phút mới nhổ. Để lâu như vậy, bê tông bị đông kết làm tăng ma sát (bám) với ống, khi máy cẩu cố nhổ đã xảy ra đổ cẩu.

Vậy lỗi chính của việc này thuộc nhà thầu chính hay phụ, chủ đầu tư và tư vấn giám sát có vô can, thưa ông?

Cả nhà thầu chính Daelim và nhà thầu được thuê là Công ty Cổ phần Cầu 14 - CIENCO1 đều có lỗi. Cụ thể, ngoài xử phạt theo quy định, thành phố đang giao cho các đơn vị liên quan làm rõ xem nhà thầu được thuê - Công ty Cổ phần Cầu 14 - CIENCO1 có hợp đồng thi công lâu dài hay thời vụ để thành phố đưa ra mức xử lý tiếp. Không loại trừ khả năng Công ty Cổ phần Cầu 14 - CIENCO1 sẽ bị loại khỏi dự án. Với hai nhà thầu chính Daelim, Posco để xảy ra hai vụ tai nạn vừa qua,  ngoài xử phạt theo pháp luật, thành phố đã liệt họ vào danh sách những nhà thầu bị cảnh báo, nếu để xảy ra tiếp vụ tai nạn nữa, họ sẽ bị loại khỏi các dự án mà thành phố đang triển khai. Với đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và Tư vấn Systra cũng không thể ngoài cuộc, để xảy ra hai vụ tai nạn vừa qua, hai đơn vị này đã chưa làm tốt công tác quản lý, giám sát thi công. Hình thức mà hai đơn vị này bị xử lý là phê bình.

Rút giấy phép thi công các nhà ga “cửa tử” ảnh 2

Điều gì sẽ xảy ra với người đi đường nếu chiếc xe cẩu gặp sự cố? Ai cho phép dự án ĐSĐT đoạn Láng - Thái Thịnh thi công trong điều kiện không đảm bảo an toàn thế này. Ảnh: Phùng Sưởng.

Rút giấy phép công trường không đảm bảo an toàn

Hiện nay, nhiều công trường, trong đó có dự án ĐSĐT với giàn giáo, cẩu dựng lên buộc người dân phải chui bên dưới như vào những “cửa tử”. Sau các vụ tai nạn vừa qua, thành phố có giải pháp, chỉ đạo gì cho việc này?

Để chấn chỉnh công tác thi công và đảm bảo an toàn tại các công trường xây dựng, trong đó có các dự án ĐSĐT, tại cuộc họp chiều 14/5, tôi đã chỉ đạo từ sáng nay (15/5) Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị cùng các sở ngành có liên quan trực tiếp đi kiểm tra, rà soát từng hạng mục thi công trên công trường dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội. Phát hiện phương án, thiết bị thi công nào không phù hợp lập tức yêu cầu nhà thầu điều chỉnh, thay thế ngay. 

Thành phố sẽ cương quyết dừng những công trình cẩu thả, loại những nhà thầu thi công ẩu, việc chúng tôi cử hai đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra, rà soát, xử lý các công trình như vậy từ hôm nay là thể hiện điều đó.

Hạng mục, công trường nào chưa tuân thủ yêu cầu trên, liên ngành nhất quyết không cho phép thi công trở lại. Với tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, cũng từ sáng 15/5, giao cho Công an thành phố chủ trì đoàn công tác liên ngành, phối hợp với Sở GTVT, Xây dựng, LĐ,TB&XH… đến kiểm tra công tác thi công trên toàn tuyến, đặc biệt là tại các nhà ga, công trường có trục cẩu, kéo hoạt động.

Nếu phát hiện công trường không đảm bảo an toàn, người dân vẫn chui qua công trường nhà ga trong nguy hiểm, cẩu vẫn vươn ra ngoài phạm vi công trường, hàng rào cản trở giao thông, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ rút giấy phép, dừng thi công. Với công trường, dự án thi công đang có rào chắn, trục cẩu khác, đoàn kiểm tra liên ngành cũng có trách nhiệm kiểm tra triệt để. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 43 điểm rào chắn thi công, riêng công trình cao tầng có trục cẩu vươn ra ngoài phạm vi hàng rào có 16 công trình. Tất cả các công trường này sẽ được kiểm tra, rà soát. Với 16 công trình nhà cao tầng có trục cẩu vươn ra ngoài hàng rào từ hôm nay sẽ rút giấy phép hoạt động. Các cẩu này chỉ được hoạt động vào đêm, từ 22h đến 6h sáng hôm sau. Công trình thi công cho thành phố hay cho tổ chức cá nhân, đầu tiên là phải đảm bảo an toàn cho người dân. Không thể vì tiến độ, vì sớm hoàn thành dự án mà bất chấp nguy hiểm.

Cảm ơn ông.

Tai nạn tại các siêu dự án ĐSĐT:

Tại dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông: Ngày 6/11/2014, trong lúc người dân đang đi qua công trường nhà ga Thanh Xuân III, dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, đoạn qua đường Trần Phú, Hà Đông thì bất ngờ bị cây thép rơi. Hậu quả một người đi đường bị chết, 2 người bị thương. Đêm 28/12/2014, tại công trường nhà ga trước bến xe Hà Đông dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông xảy ra sập giàn giáo thi công, khiến hàng chục tấn bê tông tươi đổ ập vào taxi chở 3 người. Hậu quả 3 người đi trên xe máy may mắn thoát được, taxi bị hư hỏng. Ngày 12/5/2015, ôtô con chạy đến nhà ga Vành đai 3 (nút Thanh Xuân) thì bị một thanh sắt rơi trúng. Hậu quả cửa xe bị hư hỏng.

Tuyến Nhổn - ga Hà Nội: Chiều 10/5/2015, tại công trường thi công nhà ga số 4, đoạn qua Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, xảy ra vụ rơi thanh thép nặng hơn nửa tấn xuống đường giao thông. Ngày 12/5, tại gói thầu CP1 đoạn đi qua Cầu Giấy, xảy ra vụ đổ cần cẩu làm hai người đi đường, trong đó có một thai phụ bị thương, hai nhà dân bị hỏng nhẹ.

MỚI - NÓNG