Ga C9 vận chuyển hơn 1,3 vạn khách/ngày
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban quản lý dự đô thị Hà Nội (MRB) - chủ đầu tư dự án tuyến đường sắt số 2 đoạn Nam Thăng Long - Thượng Đình cho biết, thân ga C9 (khu vực trung tâm) nằm ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn phía trước Tổng Cty Điện lực Hà Nội, cách tháp bút khoảng 36 mét, cách mép hồ Hoàn Kiếm khoảng 10 mét. Ga cũng có một phần nằm trong khuôn viên vườn hoa Bờ Hồ thuộc khu vực bảo vệ cấp II của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Toàn bộ ga C9 có 4 cửa lên xuống kèm các công trình phụ trợ, bao gồm: Cửa lên xuống số 1 và số 2 nằm trong khu đất của Tổng Cty Điện lực Hà Nội, tại đây còn có các công trình phụ trợ như nhà để máy phát điện, tháp thông gió 1, thang máy cho người tàn tật…; Cửa lên xuống số 3 nằm cạnh thân ga C9 trong khuôn viên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm, Cửa này sẽ thay thế các nhà vệ sinh bờ hồ hiện tại, cách mép hồ 10 mét; cửa lên xuống số 4 nằm phía sau tượng đài Cảm Tử, dưới lòng đường phố Hàng Dầu, ngoài khu vực bảo vệ cấp 1 của đền Bà Kiệu.
Phân tích chức năng của từng cửa lên xuống, ông Minh cho biết, 4 cửa lên xuống được bố trí đảm bảo cho lượng khách tiếp cận và giải thoát nhanh, không bị dồn nén cục bộ theo các hướng đường thông thoáng. Cửa lên xuống số 1, 2 và 4 phục vụ khách là dân cư, nhân viên làm việc, khách tham quan mua bán tại khu vực cơ quan công sở, trung tâm thương mại lân cận. “Riêng cửa lên xuống số 3 chủ yếu phục vụ khách du lịch, tham quan khu di tích hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, đồng thời là cửa thoát hiểm, tăng độ an toàn khi có sự cố”, ông Minh nói.
Đề cập tính pháp lý để MRB đưa ra thiết kế mặt bằng trên, ông Minh cho hay, quy hoạch đã được các cơ quan quản lý liên quan như Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Kiến trúc sư, khu dân cư… cơ bản thống nhất. Đánh giá về ga C9 và khả năng phục vụ hành khách, ông Minh thông tin, trong các ga ngầm cửa dự án, ga C9 có vai trò là ga trung gian, theo tính toán lưu lượng khách tại đây sẽ ít hơn các ga khác. Cụ thể, lưu lượng hành khách được tính toán trong giai đoạn đầu khai thác khoảng 13.435 lượt/ngày (trong đó: 6.715 lượt người lên tàu và 6.720 lượt người xuống tàu).
Dự án chậm là có lỗi với nhân dân
Là người đầu tiên đưa ra ý kiến thảo luận, KTS Trần Huy Anh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, tuyến đường sắt, ga ngầm theo đề xuất của MRB và tư vấn JICA từ năm 2006, đến nay đã qua 12 năm, đã quá lạc hậu với Hà Nội mở rộng. Các chỉ số về đi lại, dân số và phát triển đô thị hiện có nhiều thay đổi nhưng quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị, trong đó có tuyến số 2 vẫn giữ nguyên vị trí, thông số cũ, dẫn đến không đáp ứng nhu cầu hiện tại cũng như tương lai, bỏ qua cơ hội phát triển đô thị ngoài đê và bên kia sông Hồng.
Về vị trí nhà ga C9, ông Ánh nhìn nhận, nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn địa chất, thủy văn và sinh hoạt đô thị. Ngoài ra còn có thể gây tắc nghẽn, rối loạn giao thông. “Ga C9 sát Hồ Gươm sẽ thu hút lượng hành khách lớn từ bên ngoài vào trung tâm Hà Nội, nơi vốn đã có mật độ giao thông cao. Điều đó tất yếu gia tăng xung đột, gây rối loạn, tắc nghẽn giao thông”, ông Ánh tỏ ra lo ngại.
Theo ông Ánh, nếu tuyến đường sắt số 2 vẫn được xây ở vị trí cũ như phương án sẽ không giúp tạo ra giá trị gia tăng tài chính và hạ tầng đô thị, vì nó đi qua các khu vực có yêu cầu bảo tồn nguyên trạng. Nếu dịch chuyển tuyến đường sắt đô thị số 2 theo hướng đi ngoài đê sông Hồng sẽ tạo được không gian phát triển bất động sản mạnh mẽ ở khu vực này, kết nối với tuyến số 3 (đi ngầm dưới mặt phố Trần Hưng Đạo), tuyến số 1 (chạy dọc phố Phùng Hưng) tạo nên hệ thống phố thương mại, dịch vụ, du lịch mới…
Trái ngược với ý kiến trên, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, tuy là di sản nhưng hồ Hoàn Kiếm là di sản mở, không phải di sản kiến trúc, cổ vật chỉ để thờ. Vì vậy, di sản hồ Hoàn Kiếm cần được giao thoa văn hóa, kết nốt về giao thông để phát triển, nâng cao giá trị. Theo ông Tùng, trong bối cảnh xe buýt phát triển đã vượt ngưỡng, việc bố trí xây dựng nhà ga đường sắt đô thị tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để tăng năng lực cho hệ thống vận tải hành khách công cộng là hoàn toàn hợp lý.
Ông Phạm Thế Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm là nơi người dân có nhu cầu đi lại cao nhưng không gian vừa là di sản vừa chật chội nên việc bố trí đi ngầm cho tuyến là bắt buộc. “Tuyến tuân thủ quy hoạch và phương án thi công đã được các bộ, ngành đồng thuận, chúng ta nên tập trung bàn làm sao cho dự án triển khai nhanh, về quy hoạch, phương án thi công thì không nên tranh cãi nữa”, ông Minh nêu ý kiến.
Là người nghiên cứu và sau đó chấp thuận chủ trương để lập dự án từ năm 2006, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Đỗ Hoàng Ân cho rằng, khi thành phố xây dựng kế hoạch lâu dài để tăng cường năng lực cho vận tải công cộng Hà Nội, cùng với cho ra đời Tổng Công ty vận tải Hà Nội (đơn vị chủ công của vận tải hành khách công cộng hiện nay), thành phố cũng vạch ra 5 tuyến đường sắt đô thị cần phải phát triển và được đánh số từ 1 đến 5. Với tuyến số 1 và 2 được triển khai với quyết tâm sẽ hoàn thành sớm. Tuy nhiên, đến nay đã qua 12 năm kể từ thời điểm lập kế hoạch, dự án vẫn chưa triển khai được là quá chậm, do vậy các ý kiến của chuyên gia, nhà quy hoạch nếu đưa ra hiện nay chỉ nên tập trung vào các giải pháp, phương án thi công làm sao tham mưu cho thành phố sớm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết, do buổi tọa đàm chỉ xoay quanh nội dung quy hoạch mặt bằng nhà ga C9 nên những ý kiến về quy hoạch tuyến, thiết kế thi công đại biểu nên nêu ra ở những cuộc họp với cơ quan có trách nhiệm. Riêng các ý kiến liên quan đến quy hoạch mặt bằng ga C9, Hội sẽ tổng hợp và đưa ra kết luận để trình Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ. Nêu quan điểm về nhà ga C9, ông Chính cho rằng, từ các phương án đã thiết kế chủ đầu tư cần hoàn thiện thủ tục sớm để thi công nhanh, dự án bị chậm vừa không phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay vừa có lỗi với nhân dân.
Tháng 10 vừa qua, sau khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có ý kiến phản ứng về việc đặt ga đường sắt C9 cạnh hồ Hoàn Kiếm là ảnh hưởng đến di sản, kiến trúc phố cổ, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, khẳng định, ga C9 không ảnh hưởng đến di sản phố cổ, không gian văn hóa hồ Hoàn Kiếm và khẳng định, tiếp tục thực hiện công trình.