Nhà ga C9 có 4 cửa lên xuống và cách tháp bút hồ Gươm 36 mét

Phối cảnh cửa lên xuống số 4 phía tượng đài Cảm Tử
Phối cảnh cửa lên xuống số 4 phía tượng đài Cảm Tử
TPO - Ngày 19/11, tại buổi tọa đàm do Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức, đại diện Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã công bố tổng thể mặt bằng xây dựng ga C9. Theo đó toàn bộ ga có 4 cửa lên xuống, riêng thân ga cách tháp bút hồ Hoàn Kiếm 36 mét.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban quản lý dự đô thị Hà Nội  (MRB) - chủ đầu tư dự án tuyến đường sắt số 2 đoạn Nam Thăng Long - Thượng Đình cho biết, thân ga C9 (khu vực trung tâm) nằm ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn phía trước Tổng Cty Điện lực Hà Nội, cách tháp bút khoảng 36 mét, cách mép hồ Hoàn Kiếm khoảng 10 mét. Ga cũng có một phần nằm trong khuôn viên vườn hoa Bờ Hồ thuộc khu vực bảo vệ cấp II của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Toàn bộ ga C9 có 4 cửa lên xuống kèm các công trình phụ trợ, bao gồm: cửa lên xuống số 1 và số 2 nằm trong đất Tổng Cty Điện lực Hà Nội, tại đây còn có các công trình phụ trợ như nhà để máy phát điện, tháp thông gió 1, thang máy cho người tàn tật…; cửa lên xuống số 3 nằm cạnh thân ga C9 trong khuôn viên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm, cửa này sẽ thay thế các nhà vệ sinh bờ hồ hiện tại, cách mép hồ 10 mét; cửa lên xuống số 4 nằm phía sau tượng đài Cảm Tử, dưới lòng đường phố Hàng Dầu, ngoài khu vực bảo vệ cấp 1 của đền Bà Kiệu.

Phân tích chức năng của từng cửa lên xuống, ông Minh cho biết, 4 cửa lên xuống được bố trí đảm bảo cho lượng khách tiếp cận và giải thoát nhanh, không bị dồn nén cục bộ theo các hướng đường thông thoáng. Cửa lên xuống số 1, 2 và 4 phục vụ khách là dân cư, nhân viên làm việc, khách tham quan mua bán tại khu vực cơ quan công sở, trung tâm thương mại lân cận. “Riêng cửa lên xuống số 3 chủ yếu phục vụ khách du lịch, tham quan khu di tích hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, đồng thời là cửa thoát hiểm, tăng độ an toàn khi có sự cố” ông Minh nói.

Nhà ga C9 có 4 cửa lên xuống và cách tháp bút hồ Gươm 36 mét ảnh 1 Sơ đồ mặt bằng xây dựng nhà ga C9 với 4 cửa lên xuống được đánh “lối lên xuống”    

Đề cập đến tính pháp lý để MRB đưa ra thiết kế mặt bằng trên, ông Minh cho hay, quy hoạch đã được các cơ quan quản lý liên quan như Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch , Hội kiến trúc sư, khu dân cư… cơ bản thống nhất. Đánh giá về ga C9 và khả năng phục vụ hành khách, ông Minh thông tin, trong các ga ngầm cửa dự án, ga C9 có vai trò ga trung gian, theo tính toán lưu lượng khách tại đây sẽ ít hơn các ga khác. Cụ thể, lưu lượng hành khách được tính toán trong giai đoạn đầu khai thác khoảng 13.435 lượt/ngày (trong đó: 6.715 lượt người lên tàu và 6.720 lượt người xuống tàu).

Trước đó vào giữa tháng 10, sau khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có ý kiến phản ứng về việc đặt ga đường sắt C9 cạnh hồ Hoàn Kiếm là ảnh hưởng đến di sản, kiến trúc phố cổ, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cho biết, ga C9 không ảnh hưởng đến di sản phố cổ, không gian văn hóa Hoàn Kiếm và khẳng định, tiếp tục thực hiện công trình.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được UBND thành phố phê duyệt nghiên cứu khả thi từ năm 2008, là công trình trọng điểm quốc gia, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Dự án có chiều dài 11,5 km trong đó có 2,6 km đi trên cao và 8,9 km đi ngầm, tuyến có 3 ga trên cao và 7 ga ngầm, trong đó có ga C9 đặt đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng.

Hiện tất cả các hạng mục tuyến được phê duyệt tổng mặt bằng, riêng ga ngầm C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm do còn những ý kiến trái chiều nên chưa được phê duyệt mặt bằng để triển khai theo tiến độ.

MỚI - NÓNG