Ngày 10/10, Ban Tổ chức T.Ư tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về Kiểm soát quyền lực và Chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.
Theo Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính, đây là một nội dung rất khó và mới, lại là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Ông Chính cho hay, qua công tác giám sát, kiểm tra các vấn đề liên quan công tác cán bộ có sai phạm cho thấy, việc sử dụng quyền lực chưa bài bản, chưa đúng quy định. Có những người được giao quyền lực đã lạm quyền, lộng quyền nhưng lại chưa có cơ chế kiểm soát. Nhiều cuộc hội thảo cũng đã nói về việc tha hoá quyền lực, từ sử dụng không đúng quyền lực rất dễ dẫn đến chạy chức, chạy quyền, hai cái này có quan hệ với nhau.
Từ tình hình thực tiễn đặt ra phải xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Sau một thời gian chuẩn bị kết hợp với các cơ quan liên quan, Ban Tổ chức T.Ư đưa ra xin ý kiến để trình các cấp có thẩm quyền sớm ban hành trong năm 2018, góp phần kiểm soát quyền lực, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền.
“Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền là vấn đề được quan tâm trong Đảng, trong nhân dân, xã hội, cần giải pháp phù hợp, hiệu quả để góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh và cũng là để cụ thể hóa Nghị quyết của T.Ư”, ông Chính cho hay.
Dự thảo được xây dựng gồm 4 chương, 16 điều, trong đó có quy định 8 cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, nhận diện 19 hành vi chạy chức, chạy quyền (5 hành vi của người chạy và 14 hành vi của người được chạy cả hành vi tập thể và cá nhân). Dự thảo còn quy định 6 cách thức phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền về việc kiểm tra, kết luận, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền.