Xác minh vụ liệt sĩ trở về sau 33 năm

 Ông Trương Văn Chóng bất ngờ trở về gia đình sau 33 năm là liệt sĩ.
Ông Trương Văn Chóng bất ngờ trở về gia đình sau 33 năm là liệt sĩ.
TP - Ông Trương Văn Chóng, nhập ngũ năm 1983, được tin là hi sinh năm 1985 và được công nhận là liệt sĩ. Thế nhưng đêm mồng 5 Tết, ông Chóng trở về nhà đoàn tụ với gia đình ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Người từ “cõi chết”

Tối 19/2 (mồng 5 Tết), tại nhà bà Huỳnh Thị Nía (87 tuổi) ở ấp Định Hòa B, ông Trương Văn Chóng (con trai thứ 6 của bà Nía) là liệt sĩ, hi sinh từ năm 1985 tại chiến trường Campuchia đột ngột trở về trong sự sửng sốt của gia đình.

Bà Nía cho biết, sau khi nghe tin con hi sinh hơn 30 năm trước, gia đình đã lập bàn thờ để tưởng nhớ đứa con trai. Năm 1993, ông Chóng được công nhận là liệt sĩ và một năm sau, bà nhận được tiền chế độ cho thân nhân liệt sĩ.

Xác minh vụ liệt sĩ trở về sau 33 năm ảnh 1 Tấm bằng Tổ quốc ghi công mang tên Trương Văn Chóng.

“Tôi không thể tin là con mình còn sống. Bao nhiêu năm qua, tôi cứ ngỡ con mình đã hi sinh. Nhưng tối mùng 5 Tết con tôi trở về bằng xương bằng thịt. Tôi vui mừng lắm. Mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc, tôi run rẩy không tin nổi. Sau đó, nó (ông Chóng - PV) cũng tự tay đem tấm hình của mình trên bàn thờ xuống và đập bỏ lư hương” - bà Nía kể.

Trao đổi với phóng viên, ông Chóng chia sẻ: “Tôi không nhớ nhiều về những chuyện đã xảy ra. Trong thời gian thất lạc, tôi không biết mình ở đâu bên Campuchia, không biết đường về nhà, chỉ nhớ quê là ở Ô Môn. Thêm vào đó là căn bệnh tai biến, tiền bạc khó khăn nên tôi không về quê”.

Ông Chóng kể: Trong một trận đánh năm 1985, ông và đồng đội bất ngờ bị giặc vây trong một cánh rừng ở Campuchia. Ông và mọi người chống trả và tìm đường thoát thân. Ông chạy sâu vào rừng và thoát được nhưng bị lạc và không thể tìm được lối ra. Sau nhiều ngày đói khát, cuối cùng ông được người dân địa phương  phát hiện và đem về nhà cưu mang.

Cũng theo ông Chóng, sau đó, ông ở lại Campuchia, lấy người vợ bản xứ và có 2 người con. Trước khi đi lính, ông cũng đã có vợ và một đứa con trai chập chững biết đi.

Thời gian sau, ông Chóng lấy vợ khác và trở về huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh sinh sống. Gần đây, ông hỏi thăm nhiều người về quê hương mình và quyết định trở về thăm quê.

Hồ sơ “liệt sĩ”

Ngày 22/2, Phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai cùng các đơn vị liên quan đến nhà thăm hỏi và xác minh một số vấn đề liên quan sự trở về của ông Chóng.

Sáng  ngày 23/2, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ có công văn hoả tốc số 370 gửi Cục Người có công. Theo đó, sở này đang quản lý hồ sơ của liệt sĩ Trương Văn Chóng (SN 1965, quê xã Định Môn, huyện Thới Lai).

Cụ thể, trong hồ sơ HG.31926 gồm: Giấy báo tử do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ cấp ngày 1/10/1991; Quyết định trợ cấp cho gia đình liệt sĩ do Ty Thương binh Xã hội tỉnh Hậu Giang cấp ngày 18/11/1992; Giấy chứng nhận tình hình thân nhân gia đình liệt sĩ do gia đình liệt sĩ tự khai vào ngày 6/7/1992; Bằng Tổ quốc ghi công DI - 183 ngày 26/5/1993 của Thủ tướng Chính phủ.

 “Qua quá trình xác minh cho thấy ngày 19/2, ông Chóng trở về quê hương tại ấp Định Hoà B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ có sự xác nhận của người thân trong gia đình và chính quyền địa phương. Ông Chóng nhập ngũ năm 1983, sau đó ông bị thương và thất lạc đơn vị. Ông được người dân Campuchia nuôi dưỡng và có vợ tại đây. Thời gian sau, ông về Việt Nam sống tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh” - văn bản của Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ nêu.

Về trường hợp của ông Chóng, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ xin ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn của Cục Người có công để xử lý.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.