Xác định lại quy mô Khu bảo tồn Tiền Hải: Chuyên gia nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
TP - UBND tỉnh Thái Bình cùng đại diện Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp rà soát, xác định chi tiết, cụ thể quy mô diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (gọi tắt Khu bảo tồn Tiền Hải).

Thông tin được UBND tỉnh Thái Bình đưa ra sau khi báo Tiền Phong và nhiều cơ quan báo chí khác phản ánh câu chuyện Thái Bình có quyết định thu hẹp phần lớn diện tích Khu bảo tồn Tiền Hải, từ 12.500 ha (theo Quyết định 2159 năm 2014) xuống còn 1.320ha (theo Quyết định 731 năm 2023).

Các chuyên gia góp ý, việc rà soát, xác định lại quy mô diện tích Khu bảo tồn Tiền Hải cần hiểu đúng và duy trì chức năng của một khu bảo tồn đất ngập nước.

Xác định lại quy mô Khu bảo tồn Tiền Hải: Chuyên gia nói gì? ảnh 1

Cần hiểu đúng khái niệm về khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước để quy hoạch Khu bảo tồn Tiền Hải duy trì được vai trò, chức năng sau khi rà soát quy mô diện tích. Ảnh: Trường Hùng

Cục Lâm nghiệp, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cùng vào cuộc

Trong thông cáo báo chí phát ngày 12/9, UBND tỉnh Thái Bình cho biết, quy mô diện tích Khu bảo tồn Tiền Hải có nhiều nguồn số liệu khác nhau (kế thừa số liệu từ 5 nguồn dữ liệu khác nhau, trong đó tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 là 12.500 ha, Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 là 3.245 ha, Quyết định số 2159/QĐ-UBND là 12.500 ha). Tuy nhiên, kiểm tra thực tế có sai lệch tọa độ và vị trí. Theo tọa độ, có 4.301ha, vị trí không nằm trong các xã Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh nên cần được xác định quy mô, diện tích cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, Khu bảo tồn Tiền Hải cần được nghiên cứu, điều tra, đánh giá kỹ lưỡng, khoa học và phân định để bảo vệ, bảo tồn trên toàn bộ vùng biển Thái Bình.

Chuyên gia Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, đề xuất, việc rà soát, điều chỉnh diện tích của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải cần hết sức cẩn trọng, phải căn cứ trên cơ sở khoa học, đảm bảo cơ sở pháp lý cũng như các cam kết quốc tế liên quan và có sự tham vấn đầy đủ các bên.

Thời gian tới, UBND tỉnh Thái Bình sẽ phối hợp Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT rà soát, xác định chi tiết, cụ thể quy mô diện tích Khu bảo tồn Tiền Hải trên thực địa. Trên cơ sở đó, sẽ đánh giá, lập hồ sơ, quyết định thành lập Khu bảo tồn Tiền Hải theo đúng quy định của Luật Đa dạng sinh học, làm cơ sở, căn cứ để trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn phát triển đa dạng sinh học, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và phát triển không gian kinh tế biển đa dạng theo Quyết định 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh Thái Bình cho biết, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT đã thống nhất sẽ cử Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Cục Lâm nghiệp phối hợp các ngành chức năng của tỉnh rà soát, xác định chính xác trên thực địa và quản lý theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo Khu bảo tồn Tiền Hải được liên tục phát triển bài bản, khoa học.

Cần hiểu đúng về khu bảo tồn đất ngập nước

Theo ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, hiện có những nhìn nhận chưa đúng về khu bảo tồn thiên nhiên nói chung và khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước nói riêng.

Theo quyết định 2159 của UBND tỉnh Thái Bình, Khu bảo tồn Tiền Hải được xác lập là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước. Nghị định 66 năm 2019 của Chính phủ định nghĩa khu bảo tồn đất ngập nước là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích đất ngập nước chiếm tỷ lệ từ 50% diện tích của khu bảo tồn trở lên. Các vùng đất ngập nước là vùng đầm lầy, vùng đất than bùn, vùng ngập nước thường xuyên hoặc ngập nước tạm thời theo mùa, kể cả các vùng ven biển, ven đảo có độ sâu không quá 6 mét khi ngấn nước thủy triều thấp nhất. “Vì vậy, việc hiểu máy móc khu bảo tồn chỉ gắn với diện tích rừng là chưa đúng”, ông Nguyên nói.

Ngay tại Quyết định thành lập Khu bảo tồn Tiền Hải năm 2014 cũng xác lập, trong 12.500ha diện tích khu bảo tồn có 1.450ha rừng ngập mặn, còn lại 11.050ha là diện tích bãi bồi và đất ngập nước.

Theo ông Nguyên, các vùng đất ngập nước, bãi bồi và rừng ngập mặn tạo thành một hệ sinh thái liên tục, đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài chim di cư. Vì vậy, Nghị định 66 nêu nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước là: “Việc bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước phải được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước”.

Trong Quyết định 2159 của UBND tỉnh Thái Bình năm 2014 cũng nêu rõ chức năng của Khu bảo tồn Tiền Hải là bảo tồn môi trường, sinh cảnh và quần thể sinh vật vùng cửa sông Ba Lạt; bảo vệ, củng cố và giữ nguyên trạng sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước của vùng cửa sông Ba Lạt, tạo điều kiện thuận lợi cho tập đoàn chim nước sinh sống hoặc dừng chân trên đường di cư hằng năm.

Khu bảo tồn Tiền Hải cũng có vai trò phòng hộ ven biển và cửa sông, đảm bảo an ninh, môi trường và sự phát triển bền vững của tỉnh cũng như khu vực. Làm hiện trường nghiên cứu khoa học phục vụ nhu cầu nghiên cứu trong nước và quốc tế. Nuôi trồng thực nghiệm, bảo tồn các loài gien quý hiếm, giáo dục môi trường và tổ chức du lịch sinh thái.

Vì vậy, theo ông Nguyên, cần hiểu đúng khái niệm về khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước. Việc rà soát, điều chỉnh quy mô phải đảm bảo giữ được chức năng đầy đủ của một khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước như trong Quyết định 2159 của UBND tỉnh Thái Bình năm 2014.

Ông Nguyên cũng nhấn mạnh, diện tích rừng ngập mặn của khu bảo tồn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Rừng ngập mặn góp phần bảo vệ bờ biển, ngăn chặn gió bão, hạn chế xói lở, mở rộng diện tích đất liền và điều hòa khí hậu, lưu trữ, cung cấp nguồn tài nguyên động thực vật. Đặc biệt, rừng ngập mặn là nơi hấp thụ carbon tốt nhất. Rừng ngập mặn 1 năm tuổi có thể hấp thụ 8 tấn CO2 /ha/năm và khả năng hấp thụ của khí CO2 tăng theo độ tuổi của cây rừng. Ngoài ra, việc trồng và giữ rừng ngập mặn rất khó khăn, tốn kém, chỉ một số vùng ven biển trên cả nước có thể trồng được, trong đó có huyện Tiền Hải của tỉnh Thái Bình.

Vì vậy, trường hợp chuyển đổi diện tích rừng đặc dụng, cần tuân thủ Điều 20 của Luật Lâm nghiệp, trong đó, Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên.

MỚI - NÓNG