Xác định chất độc kinh hoàng giết chết hơn 80 người Syria

Một em bé là nạn nhân của cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria hôm 4/4. Ảnh: AP
Một em bé là nạn nhân của cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria hôm 4/4. Ảnh: AP
TPO - Bộ trưởng Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, kết quả xét nghiệm ban đầu của các nạn nhân vụ tấn công hóa học hôm 4/4 tại tỉnh Idlib của Syria cho thấy họ có thể đã phơi nhiễm chất độc Sarin. 

Đây là kết luận được Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ công bố hôm qua, 6/4. 

Theo tuyên bố này, hiện có 31 nạn nhân của vụ tấn công đang được điều trị tại bệnh viện Thổ Nhĩ Kỳ. Ba người khác đã qua đời sau khi được chuyển đến từ bệnh viện ở Syria.

"Dựa trên kết quả kiểm tra, chúng tôi tìm thấy những bằng chứng cho thấy các nạn nhân có khả năng đã phơi nhiễm chất độc Sarin", tuyên bố nhấn mạnh.

Sarin là gì?

Sarin (hay GB) là một loại chất khi ở dạng tinh khiết thì trong suốt, không màu, không mùi, không vị.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bênh Mỹ (CDC), Sarin bản chất là chất lỏng nhưng có thể bay hơi thành khí và lan truyền trong môi trường.

Sarin được liệt vào danh sách vũ khí chiến tranh hóa học và là chất gây ảnh hưởng thần kinh.

Các triệu chứng khi phơi nhiễm Sarin là gì?

Vì Sarin không có mùi và vị nên rất khó để nhận biết bằng các giác quan thông thường.

Triệu chứng của việc phơi nhiễm Sarin dạng nhẹ, theo CDC, là chảy nước mũi và nước dãi, đau mắt, đổ nhiều mồ hôi, thở gấp, ho, đi tiểu nhiều, buồn nôn. Nếu phơi nhiễm Sarin dạng nặng, nạn nhân có thể sẽ mất ý thức, tê liệt, co giật, suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Abdel Hay Tennari – một bác sĩ làm việc tại bệnh viện ở Idlib (Syria) khẳng định chắc chắn chất độc giết chết hơn 80 dân thường Syria hôm 4/4 là Sarin hoặc một loại khí có tác hại tương tự. 

Các loại thuốc được sử dụng để ngăn chặn độc tính của Sarin là Pralidoxime và Atropine. Pralidoxima khá đắt và hiếm. Atropine rẻ hơn nhiều và phổ biến hơn, có thể áp dụng hiệu quả cho các trường hợp nhiễm độc Sarin.

Sarin xuất hiện lần đầu khi nào?

Sarin cùng một số chất độc thần kinh khác như Tabun và Soman được sản xuất lần đầu bởi nhà hóa học Gerhard Schrader và nhóm nghiên cứu của ông ở Đức vào cuối những năm 1930.

Sairn được tạo ra một cách tình cờ khi nhóm các nhà khoa học đang nghiên cứu sản xuất chất hóa học kiểm soát dịch hại.

Bản thân Gerhard Schrader và các cộng sự của ông cũng đã chịu ảnh hưởng nặng nề vì phơi nhiễm Sarin trong quá trình sản xuất. Cụ thể, Shrader đã bị mù và các cơ bắp của ông gần như mất khả năng phối hợp hoạt động.

Theo Hiệp hội Hóa học Mỹ, trùm phát xít Adolf Hitler được cho là từng quan tâm đến việc sử dụng Sarin làm vũ khí chống lại lực lượng đồng minh trong Thế chiến thứ hai. Nhưng cuối cùng ông lại không đưa chất này vào sử dụng.

Sarin từng được sử dụng như vũ khí hóa học?

Năm 1988, quân đội Iraq dưới sự lãnh đạo của Saddam Hussein được cho là đã sử dụng Sarin để giết chết hàng ngàn thường dân ở Halabja (Iraq).

Sarin cũng từng được một nhóm những kẻ tấn công sử dụng trong vụ tấn công tàu điện ngầm ở Tokyo năm 1995. Khoảng 12 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương sau khi thành viên của nhóm tấn công sử dụng đầu nhọn của chiếc dù để chọc thủng túi nhựa chứa đầy Sarin lỏng trong khoang tàu kín.

Vào năm 2013, một nhóm thanh sát viên vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc xác nhận Sarin đã được sử dụng trong một cuộc tấn công làm thiệt mạng 1.400 người ở Ghouta (ngoại ô Damascus, Syria). Chính phủ Syria khi đó đã bác bỏ trách nhiệm về cuộc tấn công.

Sau vụ việc này, Syria đã tham gia Công ước về Vũ khí hóa học quốc tế theo thỏa thuận Mỹ - Nga và đồng ý chuyển giao kho dự trữ khoảng 2,8 triệu pound vũ khí độc hại, cũng như vô hiệu hóa chương trình vũ khí hóa học.

Năm 2014, Syria đã bàn giao 220.462 tấn chất độc cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW). Tuy nhiên, đại diện của tổ chức này cho biết "không chắc chắn rằng Syria đã giao nộp toàn bộ số vũ khí hóa học của mình".

Hôm 4/4 vừa qua, tại Idlib (Syria) đã xảy ra một vụ oanh kích khiến tổng cộng hơn 80 người thiệt mạng.

Mỹ cùng nhiều nước cáo buộc Chính phủ Syria tiến hành vụ tấn công này bằng vũ khí hóa học.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem đã khẳng định: các lực lượng vũ trang Syria đã và sẽ không sử dụng vũ khí hóa học, "không chỉ nhằm vào người dân của mình mà thậm chí còn không nhằm vào khủng bố - những kẻ tấn công người dân của chúng tôi bằng các quả đạn pháo của chúng".

Theo Theo Time, Al Arabiya
MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.