Lũ quét ngay trong thành phố
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến chiều 19/11, mưa lũ do hoàn lưu của bão số 8 đã làm 14 người chết, 4 người mất tích ở Nha Trang (Khánh Hòa). Đây là thiệt hại rất nghiêm trọng.
Theo ông Sơn, sạt lở đất, lũ quét gây thiệt hại rất lớn, thường chỉ sau bão. Trước đây, phần lớn sạt lở đất đá, lũ quét xảy ra ở miền núi phía Bắc, vùng núi miền Trung và Tây Nguyên, nơi địa hình bị chia cắt. “Nhưng đợt mưa lũ, sạt lở lần này lại xảy ra ngay trong thành phố Nha Trang, một trong những thành phố phát triển nhất ở Nam Trung bộ”- ông Sơn nói.
Nói về nguyên nhân của đợt mưa lũ thảm khốc trên, lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai cho hay, khu vực Hòn Rớ - Nha Trang vừa xảy ra đợt mưa cực đoan “ngoài sức tưởng tượng”. Chỉ 12 tiếng đồng hồ mưa dồn dập đã lên tới 300 mm. Dù trước đó, cơ quan dự báo khí tượng quốc gia cũng đưa cảnh báo mưa diện rộng trung bình là 100-150 mm. Đài khí tượng thủy văn ở Khánh Hòa dự báo tới 150-200 mm. Tuy nhiên, mưa ở Nha Trang dị thường, rất khó dự báo chính xác và hiện công tác dự báo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Ngoài ra, so với chục năm trước, quá trình phát triển kinh tế - xã hội khiến xuất hiện rất nhiều nhà dân bám dưới chân núi khu vực Hòn Rớ. Do vậy, khi gặp mưa lớn, địa hình dốc, hành hang thoát lũ bị hạn chế, gây hậu quả lớn cho người dân địa phương.
Lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai lưu ý: “Bây giờ, lũ quét, sạt lở đã diễn ra ngay trong thành phố. Đó cũng là một bài học nữa. Nếu nhà cửa đang nằm trên khu vực cản dòng thoát nước, thoát lũ rõ ràng là nguy cơ rất cao. Còn về tâm lý, người ta ở đó chục năm nay, không có trận mưa lũ nào cả, nên chủ quan”.
Chung cư mọc dưới chân núi
Theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, dự báo thứ 7 tuần này (24/11), khả năng sẽ xuất hiện cơn bão số 9 và đổ bộ vào Nam Trung bộ, đặc biệt là khu vực Khánh Hòa. Đây là cơn bão được nhận định mạnh và gây mưa rất lớn, nếu không chuẩn bị tốt, tâm lý chủ quan thiệt hại sẽ vô cùng lớn.
Đáng lưu ý, khu vực Phú Yên, Khánh Hòa có nhiều hoạt động nuôi trồng thủy sản và kinh tế biển. Do vậy, phải rà soát, đánh giá toàn bộ khu vực có nguy cơ để có giải pháp, không để “bất ngờ” với lũ quét, sạt lở như vừa rồi. Công tác sơ tán dân cần quyết liệt và triển khai ngay. Hiện Khánh Hòa đã huy động di dời 400 hộ dân.
“Chúng tôi đã đề nghị bên cơ quan dự báo khí tượng cung cấp bản tin dự báo sớm hơn, và định lượng mưa trong những ngày tới. Tuy nhiên, thực tế, việc dự báo định lượng mưa đến cấp xã sẽ rất khó. Nếu mưa lớn vào 12 giờ đêm -1 giờ sáng mới di dời dân thì không thể làm được. Do vậy, việc chủ động sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm dựa trên dự báo mưa dài hạn vẫn là thiết thực nhất”- ông Sơn nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho rằng, khi làm quy hoạch phải rà soát và nếu thiếu thì phải bổ sung, lắp các thiết bị dự báo mưa cho khu vực đó. “Cái này chúng ta phải học người Nhật. Khi quy hoạch nông thôn, ngoài việc phân chia đất, khu nhà ở họ còn lồng ghép ứng phó với thiên tai. Làm đường mà cắt qua khu vực thoát nước là không thể được. Trong khi đó, quy hoạch dân cư của chúng ta thiếu hẳn mục ứng phó rủi ro về thiên tai và chưa bổ sung kịp thời”.
GS Vũ Trọng Hồng
Theo ông Sơn, từ vụ sạt lở ở Hòn Rớ cho thấy, quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua đang làm gia tăng rủi ro, thiên tai. “Chỉ có 1 hồ sinh thái nằm trong khu đô thị sức chứa 400 m3 bị vỡ mà tới một gia đình 4 người chết, thiệt hại khoảng 10 nhà. Do vậy, ngoài các hồ đập vẫn cảnh báo lâu nay, hệ thống hồ nhỏ, trong khu dân cư cũng phải được cảnh báo, bởi gặp mưa lũ lớn sẽ rất nguy hiểm”- ông Sơn nói.
Trao đổi với Tiền Phong về đợt mưa lũ gây thiệt hại lớn ở Nha Trang, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (cũ) cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay là việc quy hoạch dân cư còn rất bất cập.
“Dưới chân núi mà hình thành các trung tâm dân cư thì rất nguy hiểm, tương tự những trận lũ quét, sạt lở gây thiệt hại thảm khốc ở Mù Cang Chải (Yên Bái) năm trước. Tại sao cho nhà sát chân núi, sao không cho người dân ở sườn núi, như trước đây Pháp từng xây nhà ở khu vực đó, có bao giờ bị đâu”- GS Hồng nói.
GS Hồng cũng cảnh báo, khi có hồ chứa, dù hồ chứa nhỏ nhưng nằm “trên đầu” người dân sẽ luôn có rủi ro, và cần phải xếp vào hạng mục để cảnh báo, dự báo. Vụ việc ở Hòn Rớ cho thấy, sự thiếu sót của chính quyền địa phương.
Nhiều tuyến giao thông bị ảnh hưởng do mưa lũ
Do ảnh hưởng của cơn bão số 8 (tên quốc tế là Toraji), những ngày qua đã xảy ra mưa lớn tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Điều này đã ảnh hưởng tới giao thông đường bộ, đường sắt.
Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ) cho biết, mưa lũ đã làm ảnh hưởng tới một số tuyến đường qua khu vực Khánh Hòa. Trong đó, chủ yếu các tuyến đường khu vực thành phố Nha Trang bị ngập, một số vị trí sạt lở. Trong ngày 19/11, các vị trí đường sạt lở đã được khắc phục và lưu thông trở lại, các vị trí đường ngập nước cũng đã rút. Mức độ thiệt hại về kết cấu giao thông đường bộ không lớn.
Với đường sắt, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam cho hay, do ảnh hưởng của mưa lớn, đoạn đường sắt Bắc - Nam qua Khánh Hoà cũng bị ảnh hưởng. Theo đó, trong ngày 18/11, tuyến đường sắt qua đây đã phải dừng hoạt động do ngập và sạt lở đất. Phải tới chiều tối cùng ngày tuyến đường sắt mới được nối thông trở lại.
Lê Hữu Việt