Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi

Tranh luận về chuyện phong tướng

Đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương). Ảnh: Như Ý.
Đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương). Ảnh: Như Ý.
TP - Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) sáng 14/6, các đại biểu đã tranh luận sôi nổi về việc phong hàm cấp tướng. Thậm chí có đại biểu còn đặt vấn đề vì sao trong điều kiện không có chiến tranh, kinh tế - xã hội còn khó khăn nhưng việc phong hàm cấp tướng lại diễn ra nhiều, gây băn khoăn trong dư luận.

Phong tướng “hơi nhiều”?

Theo ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), việc thăng hàm và phong hàm cấp tướng đã và đang triển khai thực hiện theo quy định, nhưng dư luận xã hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Thậm chí có ý kiến đặt vấn đề tại sao trong lực lượng vũ trang Việt Nam trong thời bình sao mà nhiều tướng đến thế.

“Từ năm 2000 trở lại đây, số lượng tướng trong lực lượng vũ trang nói chung và trong ngành công an nói riêng đã tăng lên rất nhiều”, ông Tạo nói và cho rằng, phải bảo đảm được vị trí, uy tín của đội ngũ tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang nói chung và trong công an nói riêng, cố gắng hạn chế việc phong hàm nhanh, nhiều như trong thời gian đã qua.

“Có những lúc chúng ta phong hàm quá nhanh, nhiều người được phong hàm trong một năm, nhưng chất lượng của đội ngũ tướng lĩnh là vấn đề cần được suy nghĩ. Cử tri đã và đang băn khoăn vì một số cán bộ tướng lĩnh vi phạm pháp luật trong thời gian vừa qua”, ông Tạo nêu ý kiến.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) cho rằng, phong hàm cấp tướng trong lực lượng công an nhân dân là một vấn đề rất quan trọng và phức tạp. Việc phong hàm cũng là để ghi nhận những đóng góp của những người có vị trí quan trọng, nhưng cũng cần lưu ý tới dư luận nhân dân đối với vấn đề này. “Trong thời gian vừa qua nhiều cử tri thấy phong hàm hơi nhiều trong điều kiện nước ta không có chiến tranh, không có tình hình gì quá đặc biệt và kinh - xã hội chúng ta cũng rất khó khăn”, ông Thịnh nói.

Từ đó, ông Thịnh kiến nghị chỉ phong hàm cấp tướng đối với những lực lượng trực tiếp chiến đấu và trực tiếp phòng chống các vi phạm pháp luật và tội phạm. Còn các đơn vị hành chính sự nghiệp cũng nên thực hiện pháp luật theo các đơn vị hành chính sự nghiệp, các cơ quan nhà nước khác.

Tranh luận về chuyện phong tướng ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Như Ý.

Bãi bỏ tình trạng “đến hẹn lại lên”

Theo ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang), cấp hàm của lực lượng công an hay quân sự thể hiện năng lực, trình độ, phẩm chất của người cán bộ công an, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Người xứng đáng với năng lực, trình độ là tướng khi có nhu cầu thì được phong tướng, còn người nào phẩm chất đến tá thì phong tá.

“Có ý kiến đại biểu nói rằng tướng gì nhiều thế hay tá gì nhiều thế, tôi nghĩ Quốc hội nên quy định trong giai đoạn lịch sử này, số lượng cấp tướng, số lượng cấp tá tối đa là bao nhiêu”, ông Lâm đề nghị.

Cho rằng đây là vấn đề nóng, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị trong dự thảo cần quy định trần, hàm tối đa của các chức vụ. Ví dụ như thứ trưởng cấp hàm thấp nhất phải là Trung tướng. Giám đốc, phó giám đốc công an tỉnh là đại tá. Nếu người được bổ nhiệm vào chức vụ này mà cấp hàm đang giữ thấp hơn thì được thăng hàm trước niên hạn cho tương xứng chức vụ đang giữ. Như vậy sẽ khắc phục được những trường hợp cấp hàm của cấp trên thấp hơn cấp hàm của cấp dưới.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị hạn chế và dần dần bãi bỏ tình trạng phong quân hàm không gắn liền chức vụ, dẫn đến việc cứ đến hẹn lại lên. “Cấp hàm với quân hàm thường đi liền với tiền lương nhưng dần dần theo tôi cần tách ra. Bản thân tôi chứng kiến ở Hà Nội đồng chí đội trưởng mang quân hàm đại úy nhưng cấp dưới có mấy đồng chí trung tá và thiếu tá, anh em ở đó rất tâm tư, vì đồng chí đại úy thì lãnh đạo còn chúng tôi phải ra đường giải quyết tình trạng giao thông...”, ông Nhưỡng nói.

Ông Nhưỡng cũng đề nghị quy định rõ vị trí có trần quân hàm cấp tướng, để hạn chế việc phong cấp không theo tiêu chuẩn. Hai là quy định rõ tổng số vị trí quân hàm cấp tướng để tránh việc dư luận cho rằng phong cấp tướng rồi điều đi chỗ khác, trống chỗ đó lại điền vào chỗ trống, dần dần các đồng chí đại tá cũng được lên thiếu tướng một cách nghiễm nhiên vì vị trí như vậy. “Trong thực tiễn đã có việc này rồi, chính anh em trong ngành đã nói với chúng tôi về chuyện này”, ông Nhưỡng nói.

Vênh nhau giữa quân đội và công an?

Về việc phong hàm thiếu tướng cho giám đốc công an cấp tỉnh, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, quy định này sẽ khiến cho công an và quân đội ở địa phương vênh nhau, khi giám đốc công an là thiếu tướng, còn chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chỉ là đại tá. Như vậy, để bảo đảm sự cân bằng về hàm tướng lĩnh ở địa phương có khi lại phải sửa đổi Luật Sĩ quan quân đội nhân dân và nâng hàm tướng cho chỉ huy trưởng lực lượng quân sự tỉnh. “Nếu sửa luật và phong hàm tướng nhiều hơn thì tôi e rằng cử tri và dư luận xã hội sẽ không đồng tình ủng hộ”, ông Tạo nói.

Tuy nhiên, ĐB Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cho rằng việc đảm bảo tương thích giữa công an và quân đội ở cấp tỉnh là khó. Bởi lực lượng quân đội có cấp quân khu nhưng công an không có. “Số lượng tướng trong quân khu nếu chia ra thì mỗi tỉnh có một tướng. Số tướng trong quân đội đã quy định rõ ràng trong Luật Quốc phòng, riêng công an quy định giám đốc công an tỉnh là cấp tướng, cái này không phải là lần đầu mà trước đây đã có quy định”, ông Quân nói.

Về trần quân hàm ở cấp tỉnh, ĐB Lê Tấn Tới - Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liệu ủng hộ quy định tất cả giám đốc Công an tỉnh đều có cấp hàm cao nhất là thiếu tướng, không chỉ riêng các địa phương loại 1. “Các tỉnh, thành phố loại 1 đa số có tình hình an ninh trật tự, diễn biến phức tạp nhưng không đồng nghĩa phức tạp hơn các địa phương còn lại. Như tỉnh Bình Dương tình hình phạm pháp hình sự rất phức tạp nhưng Bình Dương không phải tỉnh loại 1”, ông Tới dẫn chứng.

Đề cập quy định trong Điều 26 rằng cấp phó của Công an Hà Nội, TPHCM và các cục đặc biệt có trần quân hàm cao nhất là thiếu tướng, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng nên xem xét lại. “Hà Nội, TPHCM và cục đặc biệt thì có rất nhiều cấp phó. Nếu chúng ta phong hàm tất cả là thiếu tướng thì có quá nhiều hay không? Chúng tôi đề nghị chỉ phong hàm cấp thiếu tướng đối với những cấp phó thường trực”, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề nghị.        

“Thông báo số 147 của Bộ Chính trị đã nói rõ là thống nhất cấp hàm của công an và quân đội ở địa phương là cấp tỉnh và huyện tương đương nhau. Đây là thông báo của Bộ Chính trị, bây giờ Bộ Chính trị chưa có thông báo mới, theo tôi nên giữ và chấp hành chỉ đạo của Bộ Chính trị là đối với cấp hàm của công an tỉnh với Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tương đương nhau”

 ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang)

Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan như sau:

a) Đại tướng: Bộ trưởng Công an;

b) Thượng tướng: Thứ trưởng Công an;

c) Trung tướng: Cục trưởng cục đặc biệt và tương đương; Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an TP HCM;

d) Thiếu tướng: Trợ lý Bộ trưởng Công an; Cục trưởng và tương đương, trừ quy định tại điểm c khoản này; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I; chức vụ cấp phó của cấp trưởng quy định tại điểm c khoản này;...

(Trích Điều 26 dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi)

MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.