Không tăng cấp tướng khi sửa Luật Công an nhân dân

Trao quyết định thăng quân hàm, nâng lương cho sĩ quan cao cấp. Ảnh: Bộ đội biên phòng.
Trao quyết định thăng quân hàm, nâng lương cho sĩ quan cao cấp. Ảnh: Bộ đội biên phòng.
TP - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, sẽ thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an, không tổ chức cấp tổng cục, nâng cao chất lượng cấp cục trực thuộc Bộ Công an, sáp nhập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với Công an tỉnh, xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy. Sau khi tinh gọn bộ máy, nếu bố trí tất cả Cục trưởng và Giám đốc Công an địa phương có hàm cấp tướng thì tổng cộng vẫn chưa tới 200 tướng.

Bỏ tổng cục, tinh gọn bộ máy

Ngày 7/6, báo cáo Quốc hội về lý do sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, trong đó yêu cầu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Theo đó, thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an, không tổ chức cấp tổng cục, nâng cao chất lượng cấp cục trực thuộc Bộ Công an, sáp nhập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với Công an tỉnh, xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an, dự luật cũng sửa đổi quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân theo hướng: không quy định cứng số lượng các vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng mà chỉ xác định các chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng để bảo đảm linh hoạt và phù hợp với tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an.

Về quy định, cấp bậc hàm, Dự thảo luật đề xuất, Cục trưởng cục đặc biệt và tương đương; Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an TPHCM có hàm cao nhất là Trung tướng; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I; Phó giám đốc Công an TPHCM, Hà Nội có quân hàm Thiếu tướng; giám đốc Công an tỉnh có trần quân hàm là Đại tá

Tuy nhiên, quy định này cũng gây ra nhiều quan điểm khác nhau. Ngay trong cơ quan thẩm tra là Ủy ban An ninh - Quốc phòng cũng có 3 loại ý kiến về vấn đề này, trong đó có ý kiến đồng tình, có ý kiến đề nghị quy định tất cả Giám đốc Công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng. Nhưng cũng có ý kiến quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an cấp tỉnh phải tương đương với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh (Đại tá - pv) để bảo đảm tương quan trong hệ thống chính trị và giữa lực lượng CAND với Quân đội nhân dân ở địa phương.

Không tăng cấp tướng khi sửa Luật Công an nhân dân ảnh 1 Thượng tướng Tô Lâm Bộ trưởng Công an cho rằng, những Cục đặc biệt mà gộp 5-6 Cục thì Cục trưởng phải được phong Trung tướng. Sau khi tinh gọn bộ máy, Bộ Công an có 60 Cục, nếu bố trí tất cả Cục trưởng và Giám đốc Công an địa phương 63 tỉnh, thành phố có cấp bậc hàm cấp tướng thì tổng số mới hơn 120, cộng với số tướng còn lại vẫn chưa đủ 200.

Cấp tướng “chưa đủ 200”

Theo ĐB Trần Văn Cường (Đồng Tháp), thời gian qua số lượng tướng nhiều quá nên cảm thấy “không trang trọng lắm”. “Năm 1975, cả nước chỉ có 90 tướng quân đội và 2 tướng công an. Như vậy toàn quốc chỉ có 92 tướng. Thế mà bây giờ quân đội 380 tướng, công an là 247, tổng cả nước có đến 627 tướng. Như vậy từ 1975 đến nay tăng lên nhiều tướng quá. Cần phải xem xét điều chỉnh cho phù hợp”, ông Cường kiến nghị. ĐB Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) cũng phản ánh ý kiến cử tri nói rằng “chúng ta vẫn càng ngày càng nhiều tướng nên phải thận trọng”.

Về quy định Giám đốc Công an Hà Nội, TPHCM có hàm cao nhất là Trung tướng, 11 tỉnh loại I hàm Thiếu tướng, ĐB Cường cho rằng, quy định này chưa phù hợp, chưa tương thích với bên quân đội. “Người đứng đầu Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố chỉ là Đại tá. Vậy khi xảy ra những tình huống đặc biệt, ví như khi có chiến tranh thì ông Đại tá quân đội làm sao chỉ đạo ông Giám đốc Công an tỉnh là Thiếu tướng được?”, ông Cường nói.

Đồng tình với quy định Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, TPHCM hàm trung tướng, song Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Tới lại không thống nhất quan điểm 11 tỉnh khác là thiếu tướng và các tỉnh còn lại hàm đại tá. Bởi việc xác định các tiêu chí rất khó, mặt khác còn gây bất hợp lý trong luân chuyển cán bộ. Chẳng hạn cục trưởng đang hàm tướng, không thể luân chuyển về tỉnh chỉ có hàm đại tá. Ông Tới đề nghị tất cả Giám đốc Công an tỉnh còn lại đều được phong thiếu tướng. Mặt khác, để đảm bảo tương xứng giữa công an với quân đội, ông Tới đề nghị sửa luật sỹ quan cho phù hợp.

Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính tán thành quy định hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an các địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự. Lý do theo ông, đối với quân đội ở dưới còn có quân khu, quân đoàn. Còn công an lực lượng 1 tỉnh, 1 địa phương rất đông, tính chất phức tạp hơn nhiều, đặc biệt các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, ông Chính đề nghị phải có tiêu chí, tránh cả số lượng tướng tăng lên so với luật cũ quy định.

Lý giải về cấp bậc hàm cấp tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định dự thảo luật cũng không làm thay đổi cơ cấu: “Trước đây các vị đại biểu Quốc hội cứ nói sao mà tướng nhiều thế, tuy nhiên Bộ Chính trị đã quy định rõ tổng số cán bộ có quân hàm cấp tướng trong CAND là 205, hiện nay vẫn vậy và không vượt quá. Mà phải đủ tiêu chuẩn, ví dụ đối với Bộ trưởng phải lên Thượng tướng 4 năm rồi mới được Đại tướng. 6 Thứ trưởng là 6 Thượng tướng. Nhưng không phải cứ Thứ trưởng là lên Thượng tướng, hiện nay có đồng chí Thứ trưởng là Trung tướng vì chưa đủ tiêu chuẩn”, Bộ trưởng giải thích.

Tại phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, lực lượng công an phải sát dân, sát cơ sở để phục vụ nhân dân tốt hơn. Đây là nguyên tắc rất quan trọng. Theo Thủ tướng, lực lượng công an cùng với quân đội là lực lượng trụ cột, chủ công đảm bảo an ninh xã hội. Người đứng đầu Chính phủ cũng mong muốn lực lượng công an cần đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân tốt hơn.

Theo Thủ tướng, vừa qua lực lượng này đã cố gắng nhưng an toàn của người dân trên một số lĩnh vực còn bất cập, trách nhiệm một phần thuộc chính quyền song cái chính là trách nhiệm của lực lượng công an. Thủ tướng đề nghị thiết kế luật này theo hướng xây dựng lực lượng CAND đáp ứng nhiệm vụ, đảm bảo xã hội an toàn hơn. “Chúng ta rất có khuyết điểm khi chưa đảm bảo an toàn cho người dân từ nhiều khía cạnh, từ điều tra xâm hại trẻ em, tai nạn giao thông… Đây là trách nhiệm của cấp ủy chính quyền, lực lượng công an”, Thủ tướng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.