Ngày 27/4, bác sĩ Tôn Thất Thạnh đã trao đổi với phóng viên Tiền Phong liên quan đến thông tin CDC Đà Nẵng được đầu tư 1,4 tỷ đồng để mua sắm thiết bị xét nghiệm, phục vụ phòng chống dịch COVID-19.
“Phải nói rõ, CDC Đà Nẵng được Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đầu tư máy nhân gen và đọc kết quả chứ không phải toàn bộ hệ thống xét nghiệm tự động Real time – PCR. Nếu nói Đà Nẵng mua hệ thống xét nghiệm tự động Real time – PCR chỉ có giá 1,4 tỷ đồng là tội cho các địa phương khác”, ông Thạnh cho biết.
Theo ông Thạnh, hệ thống máy xét nghiệm tự động Real time – PCR gồm nhiều máy móc, thiết bị, trong đó chủ yếu và cần thiết nhất gồm các máy: tách chiết tự động ADN/ARN, chia mẫu tự động và máy nhân gen, đọc kết quả.
Từ năm 2015, CDC đã được mua máy nhân gen và đọc kết quả tự động để phục vụ quá trình xét nghiệm tìm virus sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, bệnh tay chân miệng... Trong thời gian sử dụng đến nay, máy này đã có trục trặc và phải đưa vào TP.HCM để sửa chữa.
Khi có chủ trương của Bộ Y tế về việc triển khai xét nghiệm COVID-19, CDC Đà Nẵng đã rà soát cơ sở vật chất, đề xuất thành phố mua thêm thiết bị để kịp thời đảm bảo việc xét nghiệm trong tình hình dịch diễn biến phức tạp.
“CDC Đà Nẵng chỉ đề xuất mua máy nhân gen, đọc kết quả Real time – PCR. Chúng tôi không đề xuất mua các máy tách chiết và chia mẫu tự động”, ông Thạnh cho biết.
Sau khi đề xuất, CDC Đà Nẵng được Sở Y tế đầu tư mua máy nhân gen, đọc kết quả Real time – PCR với giá gần 1,4 tỷ.
“Mọi người đang hiểu nhầm, Đà Nẵng mua hệ thống máy xét nghiệm chỉ giá 1,4 tỷ đồng. Thực chất chỉ là một máy trong hệ thống xét nghiệm Real time – PCR thôi”, ông Thạnh giải thích thêm.
Vì sao Đà Nẵng không mua các máy còn lại? Ông Thạnh cho biết: "Nếu Đà Nẵng mua các máy tách chiết ADN/ARN tự động, máy chia mẫu động thì cũng rất tốt. Nhưng các máy này thường áp dụng trong trường hợp số lượng mẫu phẩm cần xét nghiệm rất nhiều.
“Nếu số lượng mẫu ít, áp dụng các máy móc này sẽ tiêu hao hóa chất và phải đầu tư cơ sở vật chất kèm theo… Xét thấy ở Đà Nẵng, số lượng mẫu phẩm chỉ ở mức độ vừa, không phải quá nhiều, trong khi trung tâm CDC chưa được sửa chữa, chuẩn bị di dời, chưa có phòng áp lực âm nên chúng tôi không đề xuất mua các máy móc kể trên”, ông Thạnh cho hay.
Theo Giám đốc CDC TP Đà Nẵng, do không mua sắm các máy tách chiết tự động ADN/ARN và máy chiết mẫu tự động nên hiện tại, các công đoạn này được nhân viên CDC Đà Nẵng tiến hành thủ công. Việc làm thủ công tốn thời gian và quan trọng nhất là đòi hỏi cán bộ xét nghiệm có tay nghề, kỹ thuật lành nghề. Nếu đầu tư mua máy tự động thì rất tốt trong điều kiện xét nghiệm đại trà. Trong tương lai, khi di dời về trụ sở mới, CDC Đà Nẵng cũng phải có các máy móc này.
Liên quan đến giá các loại máy trong hệ thống xét nghiệm tự động Real time – PCR, ông Thạnh cho biết: Qua tham khảo, tùy từng hãng máy, đời máy, công suất, cũng như xuất xứ mà giá bán cũng khác nhau: "Có máy từ vài trăm triệu nhưng cũng có máy lên tới 4 hoặc 5 tỷ đồng".
Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Trưởng Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng, CDC TP Đà Nẵng) cho biết thêm: Có những ngày số lượng mẫu ở Đà Nẵng từ 300 - 350, nhưng nếu chia đều ra thì không nhiều. Công đoạn tách chiết và chia mẫu, anh em kỹ thuật viên của CDC Đà Nẵng đang làm thủ công.
“Với số lượng mẫu phẩm ít, phương pháp thủ công sẽ nhanh hơn làm máy, bởi máy phải theo quy trình vận hành. Việc tách chiết là tách lớp vỏ bọc bên ngoài để lấy lõi ADN của virus trước khi cho vào máy nhân gen đọc kết quả. Thay vì bỏ hoá chất vào máy để máy tách chiết mẫu phẩm, chúng tôi phải làm thủ công. Làm bằng máy có hoá chất bằng máy, làm thủ công có hoá chất phục vụ thao tác bằng tay. Tất cả phải đảm bảo đúng quy trình để cho kết quả chính xác”, bà Nhàn cho biết.
Đối với các địa phương, lần đầu tiên xét nghiệm, trong điều kiện tay nghề kỹ thuật viên chưa đảm bảo, thì theo bà Nhàn "việc đầu tư máy tự động là rất cần thiết".