Những người ngày đêm tìm virus SARS-CoV-2

Những người ngày đêm tìm virus SARS-CoV-2

TPO - Mùa dịch bệnh COVID-19, các phòng xét nghiệm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Đà Nẵng luôn đỏ đèn cả ngày lẫn đêm. Bên trong những phòng kính, các thạc sĩ, bác sĩ, nhân viên kỹ thuật trong những bộ đồ bảo hộ như "siêu nhân" quên ngày đêm cần mẫn với công việc của mình để sớm cho ra những kết quả xét nghiệm nhanh nhất.
Những người ngày đêm tìm virus SARS-CoV-2 ảnh 1

7h sáng, có mặt tại CDC TP Đà Nẵng (đường Phan Chu Trinh, quận Hải Châu), nhóm bác sĩ, nhân viên y tế của Trung tâm đang tất bật chuẩn bị đồ nghề, thiết bị y tế chuyên dụng, cùng trang phục bảo hộ để lên xe đi đến trung tâm cách ly tập trung những du học sinh, công dân từ nước ngoài vừa trở về. Nhóm bác sĩ, nhân viên kỹ thuật gồm 8 người, được phân công nhiệm vụ lấy hơn 400 mẫu phẩm tại Trung tâm giáo dục quốc phòng. Đây là đợt lấy mẫu phẩm xét nghiệm lớn nhất mà CDC Đà Nẵng thực hiện từ khi có dịch bùng phát đến nay. Một ngày làm việc cật lực đối với 8 bác sĩ, nhân viên đi lấy mẫu phẩm. Trong khi đó, 2 nhân viên kỹ thuật xét nghiệm của Trung tâm sẽ phải căng mình để xử lý nhanh nhất mẫu phẩm do anh em đồng nghiệp gửi về.

Những người ngày đêm tìm virus SARS-CoV-2 ảnh 2Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Các phòng xét nghiệm của Khoa Chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng của CDC TP Đà Nẵng, nơi thực hiện những xét nghiệm tìm virus SARS-CoV-2 đóng kín cửa và dán cảnh báo “Nguy hiểm sinh học” với cấp độ an toàn cấp độ II. Được sự đồng ý của lãnh đạo CDC TP Đà Nẵng, sau khi thực hiện bảo hộ theo quy định, chúng tôi có mặt tại khu vực chính của khu xét nghiệm. Bên trong các phòng kính, các nhân viên kỹ thuật được trang bị bảo hộ từ đầu tới chân như những "siêu nhân" miệt mài xử lý các công đoạn xét nghiệm bên những máy móc hiện đại.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Trưởng Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng) cho biết, công việc đòi hỏi độ chính xác, tỉ mỉ cao. Từ ngày Đà Nẵng có dịch COVID-19 đến nay, chị Nhàn và anh em nhân viên kỹ thuật xét nghiệm của khoa phải thay nhau làm việc liên tục. Những ngày gần đây, khi lượng du học sinh, công dân từ các nước châu Âu về Đà Nẵng và được cách ly đông chị Nhàn và anh em liên tục làm việc quên ngày đêm.

Trao đổi qua điện thoại từ bên trong phòng xét nghiệm, chị Nhàn cho hay: Mấy hôm nay, anh em phải làm việc cật lực để hoàn thành nhiệm vụ xét nghiệm các mẫu phẩm để kịp thời báo về các trung tâm. Có hôm làm đến 1 – 2 giờ sáng mới xong một đợt mẫu phẩm, anh em phải nghỉ lại Trung tâm để 7h sáng mai tiếp tục làm việc.  “Nhiệm vụ được giao nên anh em không muốn lên báo nhiều. Chỉ mong sao dịch bệnh chóng hết, anh em đỡ vất vả, bà con nhân dân không còn lo lắng”, chị Nhàn chia sẻ.

Những người ngày đêm tìm virus SARS-CoV-2 ảnh 3"Siêu nhân xanh" miệt mài trong phòng thí nghiệm xuyên ngày, xuyên đêm. Ảnh: Nguyễn Thành

Phòng bên cạnh, kỹ thuật viên Phạm Viết Sơn cũng đang tỷ mẩn với công việc của mình. Hàng chục mẫu phẩm đang được anh Sơn cùng đồng nghiệp thao tác trên các thiết bị hiện đại để cho sớm cho ra kết quả xét nghiệm. “Hàng trăm mẫu phẩm về cùng lúc, anh em phải căng mình để xử lý hết. Nhiệm vụ không được chậm trễ, không được bỏ lại bất cứ mẫu phẩm nào. Có hôm anh em làm gần như xuyên đêm. Chỉ thay nhau chợp mắt trong chốc lát để rồi làm tiếp. Người dân đang trông chờ vào kết quả xét nghiệm chính xác nhất nên anh em động viên nhau cũng cố gắng” ,anh Sơn cho biết.

Những người ngày đêm tìm virus SARS-CoV-2 ảnh 4

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm CDC TP Đà Nẵng chia sẻ, mùa dịch COVID-19 này, anh em trung tâm vất vả một, thì anh chị em làm xét nghiệm vất vả gấp nhiều lần. Cả khoa có 40 người nhưng làm nhiệm vụ trực tiếp tại khu xét nghiệm chỉ hơn 10 người, nên áp lực công việc rất căng thẳng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm. Riêng việc đi lấy mẫu phẩm để đưa về xét nghiệm thôi cũng đã vất vả rồi. “Hơn 10 người thay nhau, xoay vòng làm nhiệm vụ trong khi số lượng mẫu phẩm ngày càng nhiều. Anh em phải làm việc quên ăn, quên ngủ, quên ngày, quên đêm. Vất vả và áp lực, người ngoài không hiểu, cứ hối thúc. Nhưng kỹ thuật xét nghiệm đâu ai làm vội được”, bác sĩ Thạnh chia sẻ.

Đồng thời cho biết, để chia bớt phần việc cho đội ngũ thạc sĩ, bác sĩ và nhân viên kỹ thuật xét nghiệm trong những ngày du học sinh và công dân về nước đông, CDC Đà Nẵng đã đề xuất Sở Y tế TP Đà Nẵng cho phép các Trung tâm y tế quận huyện thực hiện việc lấy mẫu phẩm tại chỗ gửi về CDC. Trong khi đó, CDC chỉ thực hiện lấy mẫu phẩm tại các trung tâm cách ly tập trung, khu lưu trú. Nhưng để tuyến quận huyện đảm nhận được nhiệm vụ này, anh em Khoa Xét nghiệm của CDC cũng phải kiêm thêm nhiệm vụ đi tập huấn, “cầm tay chỉ việc” để đảm bảo lấy mẫu phẩm tốt nhất và quan trọng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân viên y tế làm nhiệm vụ. "Anh em đồng nghiệp trung tâm hàng ngày luôn thay nhau cổ vũ, động viên tinh thần anh em làm nhiệm vụ. Đơn vị mua sắm thiết bị bảo hộ, vật tư y tế tốt nhất để anh chị em yên tâm làm việc, đảm bảo không để lây nhiễm COVID-19 trong đội ngũ nhân viên y tế của trung tâm. Đây là yêu cầu cao, đặt lên hàng đầu" bác sĩ Thạnh cho biết. 

Những người ngày đêm tìm virus SARS-CoV-2 ảnh 5Phòng thí nghiệm dán biển cảnh báo "Nguy hiểm sinh học" và được cách ly qua nhiều lớp kính. 

Cũng theo bác sĩ Thạnh, việc đơn vị được Bộ Y tế cho phép chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2 là một thuận lợi rất lớn trong công tác phòng, chống dịch của thành phố, giúp tiết kiệm thời gian, phương tiện nhân lực vận chuyển mẫu phẩm vào Viện Paster Nha Trang như trước đây. Nhờ đó, đến nay đã có hàng ngàn mẫu phẩm nghi ngờ mắc COVID-19 đã được các nhân viên CDC Đà Nẵng lấy, thực hiện xét nghiệm và cho kết quả ngay tại Đà Nẵng. Việc này giúp ngành y tế TP phân loại kịp thời và có cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tránh lây lan. 

Dù rằng mỗi lần thực hiện xét nghiệm, thiết bị phân tích được khoảng 40-50 mẫu và quá trình này kéo dài 3-4 tiếng đồng hồ nhưng có nhiều trường hợp (công dân vừa về nước, người tiếp xúc gần với người bệnh) dù cho kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng CDC vẫn yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm lần 2 để đảm bảo chắc chắn. Theo giám đốc CDC Đà Nẵng, việc kỹ càng này là đề phòng virut ủ trong người bệnh diễn biến phức tạp, khó lường và đảm bảo không để người có mầm bệnh ra ngoài lây nhiễm cho cộng đồng.