Thôn Quảng Nam nói tiếng... Sài Gòn

Ðường vào thôn Quảng Nam nói tiếng Sài Gòn Ảnh: Thanh Trần.
Ðường vào thôn Quảng Nam nói tiếng Sài Gòn Ảnh: Thanh Trần.
TP - Thôn “lạ đời” này là Lộc Ðại hay còn gọi là “Sài Gòn 1” vì có giọng nói giống Sài Gòn nhất xã Quế Hiệp (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Dù chỉ cách thôn khác một con mương, bờ ruộng, nhưng người dân thôn Lộc Ðại sở hữu một giọng nói riêng không lẫn vào đâu được.

Tiếng “Sài Gòn 1”

Từ Quốc lộ 1A đoạn qua cầu Hương An, con đường DT611 chạy sâu vào huyện Quế Sơn, hầu hết các xã đều nằm trên tuyến đường này thì Quế Hiệp khu trú một vùng riêng. Bà con kể ngày nay đường sá đã thông, kết nối chứ trước đây xã này gần như biệt lập với bên ngoài.

Chị Trần Thị Ngọc Hải (36 tuổi) dẫn chúng tôi vào Lộc Ðại, vừa mới qua ngã ba, chị quay đầu lại: “Ngã ba này là điểm giao giữa Lộc Ðại và Nghi Thượng. Chỗ này là ranh giới. Chỉ cần qua mấy bước chân thôi là giọng đã khác nhau rồi”. Chị Hải là người gốc thôn Lộc Ðại, từ nhỏ đến lớn, dù ở giữa lòng đất Quảng nhưng những từ ngữ đặc trưng như “ni”, “rứa” chị vẫn không nói, thay vào đó là “này”, “vậy”.

Vừa thấy khách dừng xe trước cổng, ông Trần Công Lý (70 tuổi) lật đật ra sân xua bầy chó, giọng hào sảng như người miền Nam: “Thấy khách là nó sủa inh lên vậy, chứ hiền khô à, có bao giờ cắn ai, cứ vào đi, không sao đâu!”. Chị Hải quay sang nhìn chúng tôi cười, bảo đố hòng tìm ra được từ “hắn”, “rứa”, “khi mô”, “răng”, “chừ”… ở cụ ông thất tuần này, chỉ nghe “nó”, “vậy”, “bao giờ”, “sao”, “giờ”….

Nhấp ngụm trà, ông Lý kể cái chất giọng này có từ đời cố, đời cụ mình, không biết chính xác được. Thuở bé, ông đã nói thứ tiếng hệt Sài Gòn một cách tự nhiên, không gượng ép, và cũng không hay đó là thứ tiếng lạ cho tới khi đi ra khỏi thôn, những người nơi khác kêu là “người Sài Gòn về”. “Hồi  tôi trai tráng toàn đánh nhau vì thanh niên vùng khác nói mình học đòi, dân Quảng làm gì nói từ “sao”, “vậy”, “gì”, “đâu”… Nghe như kiểu làm sang nên mình cứ mở miệng ra là bị gây chuyện. Mà vậy còn đỡ, đợt họp hội đồng hương Quế Sơn ở Hà Nội, tôi bị đuổi ra vì mình mình nói một tiếng, chẳng dính dáng gì tới “Quảng Nôm” cả. Giờ thì các nơi khác đã coi tiếng nói vùng này như một “đặc sản”, không còn chướng tai như trước nữa rồi”, ông cười khà khà. Chị Hải góp chuyện tuổi học trò, cô giáo toàn gọi đứng dậy đọc bài vì giọng lạ, đặc biệt nói mấy từ phổ thông rất tự nhiên chứ không ngượng nghịu như bạn bè cùng trang lứa.

Thôn Quảng Nam nói tiếng... Sài Gòn ảnh 1 Ông Trần Công Lý tự hào vì thôn làng mình sỡ hữu một giọng nói riêng giữa lòng đất Quảng       Ảnh: Thanh Trần.

Vì giống tiếng miền trong một cách khó tin vậy nên Lộc Ðại được mệnh danh là “Sài Gòn 1”. Những thôn lân cận như Nghi Trung, Nghi Sơn cũng pha pha, song nhạt nhòa hơn, nên chỉ xếp ở hạng 2, 3. Bà con kể thêm, có nhiều bận dẫn con cháu đi vùng khác chơi, người ta cứ níu lại nói chuyện, hỏi thăm vì tưởng “ở trỏng” về. Có người chỉ vì ngạc nhiên người Quảng mà nói giọng miền Nam nên khơi chuyện để được nghe tiếng cho…thỏa tai.

Mái đầu bạc và suối tóc xanh mải mê câu chuyện về giọng nói lạ kỳ ở thôn mình, suốt buổi chẳng hề nghe cách phát âm đặc trưng Quảng Nam một số từ như “núa” (nói), “bòa giòa” (bà già), “gộ” (gạo), “hưa” (hai), “reng”,  “răng” (sao)…, họ nói chuẩn xác, thay phương ngữ bằng từ phổ thông. Ông Lý đưa tay chỉ ra phía con mương, nhíu hàng lông mày lưa thưa: “Cách nhau có mấy bước chân vậy, mà đâu có nói giọng như nhau. Xưa người ta bảo là do nguồn nước, nhưng nước đâu có chảy về riêng cho Lộc Ðại, các thôn lân cận cũng hứng dòng từ núi Hòn Tàu kia để ăn uống, sản xuất đấy thôi. Còn nói do đi Sài Gòn về thì càng trật lất, Sài Gòn chỉ dễ đi lại độ hai chục năm trở lại đây thôi. Nhà tôi mấy đời có ai vào trong đấy”.

Gìn giữ tiếng riêng

Không chỉ “nói giọng riêng”, Lộc Ðại còn có rất nhiều ẩn số trong ngôn ngữ. Những cao niên trong làng bảo người ta gọi Quế Hiệp này gần đồi, nhưng dân ở đây không gọi là đồi, hay nói trắng ra là không có khái niệm đồi. Từ thấp lên cao, lần lượt là gò, nổng, rừng, núi. Nổng gọi thay đồi. Mà cũng chỉ có dân Lộc Ðại gọi. Còn liên tiếp quả đồi này qua quả đồi kia thì lại thêm một lần biến thể nữa, không gọi “nổng này qua nổng kia”, mà gọi “dương này qua dương kia”. Rồi cả cách xưng hộ, thế hệ trước gọi mẹ là má, gọi bà là…mẹ, mẹ nội, mẹ ngoại. Thế hệ của chị Hải vẫn biết chuyện này, tuy nhiên càng về sau thì ít ai gọi…phức tạp như thế.

Thôn Quảng Nam nói tiếng... Sài Gòn ảnh 2 Xã Quế Hiệp nằm khá biệt lập với các xã còn lại của huyện Quế Sơn. Ảnh: Thanh Trần.

Cô Ðinh Thị Tuyết, giáo viên trường Tiểu học Quế Hiệp, đúc rút sau khi dạy nhiều em học trò thôn Lộc Ðại: “Cách phát âm và đọc tiếng các em rất chuẩn phổ thông, không bị ngọng hay mắc lỗi tiếng địa phương. Ðiều đó rất đáng quý”. Ðúng như lời cô nói, ở làng này, người dân không nhầm lẫn “ch”, và “tr”, dù đa phần giống tiếng Sài Gòn nhưng một số từ, bà con vẫn nói rất riêng, như “về” chứ không phải “dề”, “vậy” chứ không phải “dậy”.

Cũng từ tiếng nói, thôn đặt ra cái tục “gả con gái đi xa không bằng bà già rơi xuống giếng”. Thanh niên trai tráng có thể lấy vợ xa xứ về làm dâu, nhưng con gái tuyệt nhiên chỉ được lấy người trong thôn làng. Ðó cũng là một cách để bảo tồn tiếng nói. Ông Lý nhớ lại lệ rất căng, thời đó đố hòng ai dám kháng. Vừa ngắt lời, ông hướng ánh mắt vào người vợ gốc Ðiện Bàn của mình: “Bà ấy theo mình lên đây làm dâu, chuộng cái giọng này quá trời giờ nói theo luôn!”. Rồi thời cuộc đổi thay, người ta hiểu ra không có biên giới nào cho tình cảm cả nên từ từ nghĩ thoáng ra, không cấm cản như xưa nữa. “Mọi thứ có thể dịch chuyển đổi thay, song có một điều như tôn chỉ của thôn bao đời, đó là gìn giữ tiếng nói đặc trưng của mình. “Chửi  cha không bằng pha giọng”, mất tiếng nói, coi như mất linh hồn làng. Phải trân quý nó để sau này người ta tới đây là nghe ngay được “tiếng Lộc Ðại”, “đặc sản” của Lộc Ðại”. Mấy người con của ông giờ như cánh chim tung bay muôn nẻo lập nghiệp, gắn bó với những vùng đất mới, mà tiếng nói vẫn rặt Lộc Ðại. Hay lứa thanh niên trong làng xuống Ðà Nẵng, ra Hà Nội, vào Sài Gòn học, về nhỡ quên nói giọng Lộc Ðại là bị chỉnh ngay.

Ông Trần Hữu Ninh, Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp cũng nhìn nhận đặc trưng ngôn ngữ của Lộc Ðại có từ xa xưa. Người dân phát triển tiếng nói một cách tự nhiên, không du nhập, học hỏi ở bất kỳ đâu. “Rất nhiều nhà nghiên cứu, tổ chức đã tới đây tìm nguyên nhân cho sự khác biệt này, nhưng chưa có một đáp án nào chính xác cả. Giọng nói là đặc trưng của một vùng, vì vậy chính quyền tôn trọng sự khác biệt đó và để họ phát triển tự nhiên”.

Chị Trần Thị Ngọc Hải (36 tuổi, thôn Lộc Ðại, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam):

“Giọng nói “lạ” này đôi khi rất có lợi với chúng tôi. Thứ nhất là gây được sự tò mò, chú ý với những người xung quanh. Thứ hai là mình rất dễ hội nhập bởi nói chuẩn, không nặng nề phương ngữ. Tiếng nói của mình không mang đậm âm hưởng Quảng Nam dù đang ở giữa lòng xứ sở nhưng đó là “của riêng”, mình không nói sai, nói bậy, nói khó nghe thì mình trân trọng và nói một cách “rất Lộc Ðại” thôi, không có gì ngần ngại cả. Chắc chắn người ta sẽ tôn trọng sự khác biệt”.

MỚI - NÓNG