Có nên 'mặc đồng phục' cho ngôn ngữ?

Có nên 'mặc đồng phục' cho ngôn ngữ?
TP - Dự thảo quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội được công bố, đụng đến một số vấn đề vốn đã được dư luận bàn nhiều lâu nay:  Nói ngọng, nói lắp,  ngôn ngữ địa phương, nên ứng xử thế nào? 

Đụng chạm vấn đề nhạy cảm

Theo dự thảo nêu trên, cán bộ, công chức Hà Nội khi phát ngôn phải hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương. Vậy ngôn ngữ địa phương nên hiểu thế nào? Một số ý kiến cho rằng: Từ ngữ được dùng trong dự thảo của Sở Văn hóa- Thể thao Hà Nội chưa chuẩn, đáng ra nên viết: Hạn chế sử dụng “từ ngữ địa phương”,  thay vì “ngôn ngữ địa phương”. Dưới góc độ một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam giải thích như sau: Cụm từ “Ngôn ngữ địa phương” thường ít được sử dụng. Cách gọi thông thường là: “Tiếng địa phương hay phương ngữ, thổ ngữ. Đều chỉ một biến thể địa phương của một ngôn ngữ nào đó”. Và đụng đến tiếng địa phương hay phương ngữ là vấn đề phức tạp, PGS.TS Phạm Văn Tình cho biết: “Tiếng Việt có các vùng phương ngữ lớn: phương ngữ Nam, phương ngữ Trung, Phương ngữ Bắc. Ở các vùng phương ngữ đó lại có các tiểu vùng. Thí dụ, miền Bắc có tiếng Hà Nội, tiếng Hải Phòng, tiếng Thanh Hóa… Tức là nó tiếp tục chia, đến lượt tiếng Hà Nội cũng  lại  chia tiếp. Ngày xưa có vùng tiếng kinh thành kẻ chợ, tiếng nội thành, ngoại thành… Bây giờ Hà Nội mở rộng có tiếng của khu được gọi là đô thị, rồi khu của các vùng Hà Nội khác, như Hà Tây cũ. Ngay bản thân các huyện của Hà Nội như Sóc Sơn, Thanh Trì, cũng có cách nói khác nhau”. Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổng kết: “Phương ngữ có sự phân hóa về mặt địa lí, đồng thời có sự phân hóa về mặt nghề nghiệp. Trong các phương ngữ còn có cả phương ngữ xã hội, tùy theo đối tượng sử dụng là cán bộ công chức,  là nông dân, là người buôn bán, hay đối tượng ngoài xã hội”. 

Có nên 'mặc đồng phục' cho ngôn ngữ? ảnh 1 PGS.TS Phạm Văn Tình: “Đa dạng ngôn ngữ giống như đa dạng sinh học”

Người ta có thể chuẩn hóa trang phục, giờ giấc… làm việc, chuẩn hóa về mặt ngôn từ trong văn bản nhưng chuẩn hóa  lời nói bình thường là câu chuyện khó khăn. PGS. TS Phạm Văn Tình ví von: “Ngôn ngữ không mặc đồng phục”. Ông lấy ví dụ đơn giản: Ta đến Nghệ An hay Bình Định, thấy giọng người ta khác nhau. Từ dùng cũng có thể khác, người ta gọi “bát” là “đọi” chẳng hạn… Tại Hà Nội hiện nay, ở một số vùng mất thanh điệu huyền (dấu huyền), có thể người ta nói nhưng không rõ: Buổi chiều thành buổi chiêu, bò vàng thành bo vang…”. Cũng về đề tài ứng xử với tiếng địa phương, GS Trần Lâm Biền từng lên tiếng ủng hộ dự thảo: “Người ta đặt ra tiếng phổ thông và sự ứng xử ngôn từ là theo tiếng phổ thông, đã đi làm ở cơ quan Hà Nội thì điều đó bắt buộc phải theo chứ không thể Hà Nội bị biến thành địa phương được”. Giáo sư Trần Lâm Biền nói không sai song  PGS.TS Phạm Văn Tình chỉ ra khó khăn: “Nếu một người đã từng nói chuẩn thì nhận diện ra sự nói không chuẩn rất dễ (thí dụ hiện tượng mất dấu huyền ở trên- pv) nhưng một người đã nói theo ngữ âm của người ta rồi thì người ta không phát hiện ra. Vì thế nếu anh quy định nó để bắt lỗi thì khó”. 

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình: “Hiện nay nhà nước cũng chưa có qui định lấy một phương ngữ nào là chuẩn tiếng Việt”. Người ta chỉ ngầm hiểu với nhau tiếng Hà Nội, được coi là tiếng chuẩn. Một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ nhất trí: Tiếng Hà Nội xứng đáng làm chuẩn, bởi lịch sử của nó cũng như nó chứa đựng nhiều điều kiện khác: “Thủ đô hội tụ nhiều điều kiện tốt cho việc chuẩn hóa tiếng Việt, từ ngữ Hán hóa rất nhanh, rất phong phú về từ vựng, về ngữ âm, có ưu thế nhiều về phần vần và thanh điệu” - ý kiến của PGS.TS Phạm Văn Hảo. Nhưng có người miền Trung phê bình: “Người Hà Nội nói không uốn lưỡi”. Ông Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam thừa nhận: “Chuẩn một cách hoàn toàn thì không. Tiếng Hà Nội bỏ mất 3 âm quặt lưỡi R, Tr, S”.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, đụng chạm đến tiếng địa phương là đụng chạm đến một vấn đề hết sức nhạy cảm: “Phân biệt ngôn ngữ, có hơi kì thị chăng? Người ta có thể tự ái vì đó là tài sản của người ta, cả cộng đồng người ta nói vậy bao năm rồi, bây giờ lại lấy cái khác để áp vào là không nên. Người ta có thể lí luận: Ngôn ngữ đó tôi vẫn nói bao đời nay, không cản trở gì giao tiếp, không gây tai họa gì, nó có sắc thái địa phương của tôi”. Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam ví đa dạng ngôn ngữ giống như đa dạng sinh học. Chúng ta đang sống trong giai đoạn tôn trọng sự đa dạng. “Tất cả theo chuẩn là không tưởng, biến ngôn ngữ thành vô hồn và thiếu sắc thái. Mặc dù hiện nay trong xu hướng hội nhập, có làm cho các vùng phương ngữ hẹp dần hoặc mất dần đi, cái ranh giới bị mờ đi”, PGS.TS Phạm Văn Tình thẳng thắn bày tỏ. 

Có nên 'mặc đồng phục' cho ngôn ngữ? ảnh 2 PGS.TS Phạm Văn Hảo: “Ai nói ngọng “l”, “n” thường bị kì thị và đánh giá về trình độ”.
Chữa bênh nói ngọng gian nan

Vấn đề nói ngọng, lẫn lộn “l,n” được đặt ra gay gắt, ngay cả trước khi có dự thảo. PGS.TS Phạm Văn Hảo kể rằng: Trước đây, Phó thủ tướng Nguyễn Khánh từng đến Viện Ngôn ngữ, ông đặt ra vấn đề cần nghiên cứu để làm sao cán bộ phải nói đúng, viết đúng. Cần thiết có thể đưa ra một tiêu chuẩn về cán bộ không nói ngọng.

Trong quá khứ hay hiện tại thì vấn đề nói ngọng luôn luôn bị đánh giá tiêu cực: “Ai nói ngọng thường bị kì thị, coi là trình độ kém. Theo quan sát của tôi, cứ qua đại học người ta đã giải quyết xong câu chuyện nói ngọng”, PGS.TS Phạm Văn Hảo lạc quan tổng kết. Song trên thực tế, chữa bệnh nói ngọng không đơn giản. Có những giảng viên đại học vẫn nói ngọng, có những chính khách vẫn nói ngọng như thường. Còn giáo viên tiểu học ở nhiều vùng quê nói ngọng “l,n” như một chuyện đương nhiên, khỏi bàn. 

Theo Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam: “Hiện tượng nói ngọng phản cảm nhất là nói nhầm “l, n” vì nó nằm ngoài qui luật ngữ âm hệ thống của các vùng. Anh đã nói được “n” tại sao không nói được  “l”? Khi ai đó nói “Đi lờm” thay vì “đi làm”, “xái khoai” thay vì “thái khoai” không ai cho là nói ngọng, vì ở những vùng đó có hiện tượng biến âm đồng loạt. Chỉ duy có “anh l, n” đứng riêng ra, gây phản ứng mạnh mẽ”. Trị “bệnh l,n” lẫn lộn cần quyết tâm và nỗ lực vô cùng của người mang “bệnh”: “Bản thân người ta không ý thức được câu chuyện nhầm lẫn đó. Bởi bản năng ngữ âm ăn sâu vào tiềm thức rất khó sửa. Lỗi về mặt phát âm này không phải do bộ máy cấu âm người ta mà do cả cộng đồng người ta nói thế. Khi đã vượt qua tuổi trưởng thành, việc sửa vô cùng khó khăn. Cần  hết sức có ý thức, rèn luyện một thời gian dài”, PGS.TS Phạm Văn Tình “bắt bệnh” và ông không đồng tình khi dư luận hiện nay kì thị thái quá với những người nói ngọng “l,n”: “Người ta không sửa được thì chắc chắn gây hiệu ứng tự họ cảm thấy không hay thôi. Chứ còn không thể bắt lỗi gì trong chuyện nói ngọng”.

PGS.TS Phạm Văn Tình, PGS.TS Phạm Văn Hảo đều nhất trí: Nên bắt lỗi trên văn bản, viết sai l, n bắt lỗi ngay. Còn khi phát âm, nên cố gắng nói một cách rõ ràng, dễ hiểu. PGS.TS Phạm Văn Hảo nhớ lại: Cách đây vài năm, giáo viên lớp 1 ở Hà Nội có phong trào: Nói đúng chính tả, viết đúng chính tả. Họ muốn học trò uốn lưỡi khi đọc: “mặt trăng”. Tất nhiên buộc trẻ đọc đúng chính tả, chúng sẽ đọc lúc ấy. Còn khi trở về nhà chúng lại đọc sai chính tả như thường. Ông đồng ý với Tổng thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam: Không mặc đồng phục cho ngôn ngữ được.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.