Từ trường hợp Nguyễn Xuân Anh đến Lê Phước Hoài Bảo anh có suy nghĩ gì về hiện tượng này?
Tôi thấy buồn về các ví dụ mà anh gọi là “thái tử”. Nhưng tôi nghĩ đấy là một thuật ngữ không nên dùng, vì nó mang đầy tính chất tiêu cực. “Thái tử đảng” là thuật ngữ mà phương Tây sử dụng khi nói đến các hiện tượng chính trị ở Trung Quốc. Còn ở Việt Nam thật sự cũng mới chỉ có một vài cậu bé với những trò chơi không hoàn chỉnh có tính chất nhà quê, mà chúng cũng không phải là tác giả của những trò chơi ấy. Hiện tượng này là biểu hiện của sự coi thường Đảng nên mới dùng trẻ con để chơi trò chính trị.
Báo chí nên làm thế nào cảnh báo cho xã hội biết là không đùa với lịch sử được và tuyệt đối không đùa với sinh mệnh chính trị của Đảng. Tôi biết đang có cuộc đấu tranh khá gay gắt giữa quan điểm cho rằng các tiêu cực hiện nay có thể làm suy yếu Đảng với quan điểm cho rằng làm thì phải có đúng có sai và những cái sai đó cũng là nhân tố cho sự phát triển. Tôi nghĩ tất cả các sai trái, tùy tiện chính trị có trong đời sống của chúng ta đều gây nguy hiểm cho hệ thống chính trị. Cho nên, sự thận trọng trong chính trị là một đòi hỏi cần thiết.
Vẫn thường nghe con hơn cha là nhà có phúc?
Các thành tựu của con mà hơn cha thì nhà mới có phúc, còn khi miếng bánh của con mà to hơn miếng bánh của cha thì không phải là có phúc. Sự dễ dãi trong việc xây dựng sự nghiệp của con cái không những không mang lại phúc mà còn có thể gặp họa. Những đứa trẻ mà anh đề cập tới đã bị khích lệ tham gia vào một cuộc chơi mà chúng không hề hiểu nguyên lý. Một số nhà chính trị nhà quê tự hào khi sắp xếp được cho con mình ăn mâm trên ngay từ khi nó còn bé mà không biết là mình làm hư nó khi nó chưa kịp có nhận thức. Quá trình sắp mâm ấy cấp bách đến mức bọn trẻ phải đi mua, đi nhặt những thứ bằng cấp vớ vẩn, làm hỏng toàn bộ phần còn lại của cuộc đời chúng. Nếu không hiểu những chuyện này thì chúng ta sẽ không có được trạng thái tình cảm phải chăng khi đánh giá về những nhân vật mà cả xã hội đang thảo luận một cách căm phẫn.
Anh nghĩ gì về khái niệm tuổi trẻ tài cao? Đã từng có một thế hệ Việt mới ngoài 20 hoặc hơn từng sáng danh, sáng giá ở độ tam thập nhi lập? Thời buổi này họ biến đi đâu cả rồi?
Tôi nghĩ là do các điều kiện lịch sử. Không có Thành Cát Tư Hãn, không có Hốt Tất Liệt xâm chiếm thì chúng ta không thể có hội nghị Bình Than, hội nghị Diên Hồng và không thể có Trần Quốc Toản. Thời thế đã tạo ra cụ Trần Hưng Đạo, cụ Lý Thường Kiệt, tạo ra Bác Hồ, tạo ra nhiều vị anh hùng. Sự hợp lý trong sự xuất hiện của các vị anh hùng ấy trong các thời khắc lịch sử khác nhau tạo ra cơ duyên chính trị của họ và do đó không gì có thể làm hỏng vẻ đẹp lịch sử mà họ có.
Ở giai đoạn này, công cuộc chống tham nhũng cũng là một hiện tượng lịch sử. Nó sẽ tạo ra các nhân vật lịch sử. Những nhân vật ấy là ai thì hãy để lịch sử phán xét, chúng ta không nên vội tham gia vào quá trình mô tả nó, bởi mô tả sớm những hiện tượng chưa thành lịch sử rất có thể được hiểu là nịnh. Người trí thức có giá trị ở chỗ biết chọn các yếu tố của lịch sử để nói và không để các hiện tượng tiêu cực làm hỏng lời nói của mình. Chúng ta rồi cũng phải đi vào lịch sử, nên chúng ta sẽ nói những điều đẹp đẽ để tôn vinh dân tộc mình. Còn chỉ trích các hiện tượng xấu xí của lịch sử thì nhân dân đã tự làm việc ấy rồi. Sự kiên nhẫn có chất lượng lịch sử giúp chúng ta mô tả các yếu tố tích cực mà không nịnh bợ ai cả.
Người Việt hiện đại vẫn chưa thông thạo về chính trị. Nếu chúng ta không rèn được thói quen tự kiểm điểm, tự phê bình, thì khi Đảng kêu gọi phê bình, tự phê bình thì mọi người đều nghi ngờ tính hiệu quả của phương pháp ấy. Nhiều người, trong đó có cả giáo sư, viện sĩ đến đây nói với tôi là nếu chỉ có “tự phê bình và phê bình” thì làm thế nào có thể thay đổi xã hội được. Tôi nói với họ rằng nếu không có phê bình và tự phê bình thì loài người chỉ có chiến tranh thôi. Tự phê bình và phê bình làm giảm bớt các xung đột xã hội và do đó giảm bớt nguy cơ chiến tranh của đời sống. Tôi nghĩ bây giờ là lúc cần phải làm sống lại nguyên lý tự phê bình và phê bình vốn đã có trước đây để con người tu thân. Do hoàn cảnh kháng chiến mà chúng ta đã có một giai đoạn để cho điều quan trọng ấy bị chôn vùi. Chúng ta phải giải thoát mình ra khỏi tư duy thắng bằng được, đúng bằng được và phải bằng được thì mới có thể thực hiện tư duy tự phê bình và phê bình.
Đôi khi có những người không hiểu rằng sự thắng nhau trong đấu tranh nội bộ hoàn toàn không đủ để làm cho tương lai của con cái mình an toàn. Khi các cuộc cách mạng nổ ra thì nó không phân biệt “thái tử” hay phó “thái tử”. Cuộc Cách mạng Văn hóa đã phản ánh điều ấy rất rõ. Bây giờ nhiều người cứ thắc mắc tại sao thế này, thế kia, muốn phân biệt sự phải trái lặt vặt mà quên mất rằng nếu để Đảng này suy yếu thì mọi lẽ phải lặt vặt không có xu nhỏ giá trị.
Xin anh rành rẽ thêm khái niệm “thái tử”?
Đảng Cộng sản Việt Nam không dung nạp “thái tử” theo ý thức hệ phong kiến. Nhân loại đã hiện đại lắm rồi, xã hội của chúng ta cũng hiện đại lên nhiều rồi. Xét trên bình diện thế giới trong thời đại này thì nền cộng hòa là cấu trúc chính trị phổ biến nhất. Kể cả đối với những nước vẫn còn vua thì cấu trúc của họ cũng đã được hợp hiến hóa và chính phủ của họ vẫn được cấu truc bằng nguyên lý cộng hòa. Hay nói cách khác, tinh thần cộng hòa đã trở thành cấu trúc chính trị căn bản của thế giới. Ngay cả nhà Nguyễn ở nước ta cũng có một trong bốn điều cấm kị (tứ bất) là không phong thái tử. Bảo Đại đã phạm phải cả bốn điều cấm kị, trong đó có việc phong hoàng hậu, phong thái tử. Hoàng hậu Nam Phương, Thái tử Bảo Long chẳng hạn.
Anh có nghĩ rằng một bộ phận con cái các vị lãnh đạo bây giờ đang phải chịu một sức ép nào đó không? Có vẻ như họ rất khó để trở thành một người bình thường thoải mái hồn nhiên như cùng trang lứa trong việc thăng tiến? Lỗi tại phụ huynh của họ đã che chắn lo lót cài cắm chăng? Hay trong dân ta đã mặc định trong suy nghĩ và tâm lý rằng đã là quan chức thì khó mà thế này thế nọ…?
Các cậu ấm ấy có lẽ không được thụ hưởng sự giáo dục đầy đủ để có những cảm giác như anh vừa nói. Phần lớn là tự mãn về quyền lực mà chúng có một cách ngẫu nhiên do việc sử dụng quyền lực tùy tiện của bố, mẹ chúng.
Và thiếu vắng đi cả sự liêm sỉ?
Không phải vấn đề liêm sỉ vì các cậu ấm ấy không được giáo dục về liêm sỉ. Tất cả những gì có xung quanh không gian có thể quan sát được của chúng không có dấu hiệu liêm sỉ. Cha mẹ không biết đến giới hạn của lẽ phải và sự nịnh bợ của các đối tượng xung quanh đã tạo ra cho chúng sự chủ quan khổng lồ.
Có vẻ như anh đang diễn dịch khái niệm trẻ phải cậy cha như thế nào?
Nền văn hóa Khổng giáo trong xã hội Việt Nam vẫn đang tồn tại một cách im lặng. Con cái vẫn thường theo cha mẹ, dựa vào cha mẹ để sống, dựa vào lẽ phải cha mẹ chỉ dẫn để hành động. Có một cuốn phim về Khổng Tử, trong đó người ta nói: “Là một nhà triết học, ông tìm mọi cách truyền bá các nguyên lý triết học của mình, ông muốn xây dựng xã hội Trung Hoa nhưng ông chưa biết làm thế nào. Cuối cùng ông tìm được con đường để đi đến khẳng định các chân lý triết học của mình chính là thông qua gia đình”. “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, tức là theo cha, theo chồng, theo cả con. Trật tự Khổng giáo được xây dựng bắt đầu từ trật tự gia đình, từ đó mới xuất hiện nguyên lý được xã hội hóa là “…tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Tôi kể anh nghe một chuyện. Khi bà luật sư Ngô Bá Thành làm một số việc gây khó chịu thì Tổng thống Thiệu cho gọi chồng của bà, lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Thủy sản của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Ông Thiệu bảo: “Người ta nói “tề gia, trị quốc”, anh không tề gia được thì anh từ chức đi”. Thế là ông Ngô Bá Thành mất chức. Chính ông Ngô Xuân Oánh, quyền Thủ tướng Việt nam Cộng hòa kể tôi nghe câu chuyện ấy.
(Còn nữa)
Tôi là người thận trọng, không chỉ với người thân của mình… Có lần tôi đã nói với anh rằng không thể đi tắt, đón đầu để làm người được. Để thành người, mỗi chúng ta buộc phải đi một cách chính qui trên tất cả các chặng của cuộc đời.