Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Quyết liệt cách ly xã hội để không 'vỡ trận'

Phong toả chung cư 34T Hoàng Đạo Thuý (Hà Nội) sáng 29/3 vì có ca nghi mắc COVID-19. Ảnh: Trọng Tài
Phong toả chung cư 34T Hoàng Đạo Thuý (Hà Nội) sáng 29/3 vì có ca nghi mắc COVID-19. Ảnh: Trọng Tài
TP - Chiều 3/4, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt cách ly xã hội, không được chần chừ và không lo ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Mục tiêu đặt ra là không để lây lan dịch trong cộng đồng ở mức độ cao, dẫn tới đổ vỡ hệ thống cơ sở điều trị.  

Ðể dịch tràn lan thì kinh tế khó hồi phục

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay, nhiều nước triển khai các biện pháp rất mạnh mẽ, quyết liệt. Sáng 3/4, Thủ tướng Thái Lan ra lệnh giới nghiêm; một số nước ra lệnh phong tỏa; Nga đưa ra chế tài, phạt rất nặng...

“Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào chống dịch kiên quyết thì sau đó kinh tế phát triển, còn nếu để dịch tràn lan, gây hại rất lớn và kinh tế khó phục hồi”, Thủ tướng nói. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, một số địa phương vận dụng Chỉ thị 16 còn máy móc, có điểm sai. “Chúng ta thực hiện nghiêm nhưng không vận dụng sai, hiểu không đúng nghĩa cụm từ cách ly xã hội”, Thủ tướng nói.

Quyết liệt cách ly xã hội để không 'vỡ trận' ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ. Ảnh: Quang Hiếu

Về xử lý ổ dịch tại quán bar Buddha và Công ty Trường Sinh, Thủ tướng đánh giá các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt việc khoanh tìm, xử lý. Đây là giai đoạn cần huy động tổng lực, cần phối hợp nhuần nhuyễn, nghiêm túc, “khóa chặt từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, nhất là các ổ dịch, tìm cho được các trường hợp lây nhiễm”.

Thủ tướng nói: “Xã hội chậm lại nhưng những người làm công tác phòng chống dịch, các lực lượng, chính quyền các cấp, đặc biệt là ngành y tế phải tăng tốc hơn, tiếp tục quyết liệt hơn nữa, khẩn trương hơn nữa”.Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh tốc độ tập huấn, chăm sóc, điều trị; chuẩn bị kỹ lưỡng phương án bệnh viện dã chiến;có chương trình phát triển máy thở ở Việt Nam một cách căn cơ, chặt chẽ, có sự hỗ trợ về cơ chế của Nhà nước.

“Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, đối với dự phòng đặt ra mục tiêu để bệnh nhân mắc thấp nhất; đối với điều trị, trong số các ca đã mắc để ít có bệnh nhân nặng nhất và đặc biệt để trong số các ca bệnh nặng, giảm ít nhất tình huống ca tử vong”. 


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam


Chuẩn bị cho các tình huống phức tạp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế sớm hoàn thành công tác chuẩn bị cho các tình huống phức tạp; đẩy nhanh hơn nữa việc tự chủ sản xuất trang thiết bị phòng hộ. Các địa phương, nhất là các thành phố lớn phải tiếp tục bảo đảm dự trữ, cung cấp đủ cơ số hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân; ngăn chặn đầu cơ nâng giá, bảo đảm an ninh trật tự trong mọi tình huống. Xử lý nghiêm các trường hợp khai báo không trung thực. Thủ tướng lưu ý về công tác phòng chống dịch tại các nhà dưỡng lão, trung tâm cai nghiện ma túy, trại giam, trong lực lượng công an, quân đội, đặc biệt trong ngành y tế.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, việc dừng cấp visa, hạn chế nhập cảnh, cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh… đã ngăn chặn được nhiều trường hợp lây lan trong cộng đồng. Chính sách cách ly toàn xã hội về thực chất là giãn cách xã hội được nhiều nước áp dụng để ngăn chặn các trường hợp xâm nhập đã bị bỏ sót, ước tính số bỏ sót cao qua các chu kỳ lây nhiễm có thể lên tới trên 1.500 người. Hầu hết các nước áp dụng khi phát hiện trên 50 trường hợp mắc bệnh/ngày nhưng khi áp dụng không còn khả năng ngăn chặn. Việt Nam áp dụng khi ca nhiễm dưới 20 trường hợp nhiễm trong một ngày. Chính sách này là phù hợp, kịp thời để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.

Hạn chế ca mắc mới, tử vong

“Nếu quyết liệt cách ly xã hội, cách ly người với người thì chúng ta sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân. Tuy nhiên, cách ly xã hội không phải là ngăn cấm giao thông, “ngăn sông cấm chợ”. Chúng ta vẫn phải duy trì sản xuất, lưu thông hàng hoá an toàn…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ngày 3/4.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương bố trí địa điểm để các y bác sĩ, nhân viên y tế sau khi làm nhiệm vụ về nghỉ ngơi. Trường hợp khám bệnh tại cơ sở y tế mà có triệu chứng COVID-19 thì cần tổ chức test nhanh để kịp thời sàng lọc, phân loại. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, Bộ đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống tư vấn y tế trực tuyến cho các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài; hệ thống tư vấn, khám bệnh trực tuyến thống nhất trên cả nước.

Bộ Y tế cũng đã trao đổi, hợp tác, tham khảo kinh nghiệm điều trị với một số nước; đồng thời chuẩn bị trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ… để hỗ trợ một số quốc gia láng giềng. Bên cạnh việc cơ bản bảo đảm sản xuất khẩu trang y tế, trang thiết bị bảo hộ, khẩn trương nghiên cứu, sản xuất máy thở, Ban Chỉ đạo lưu ý cần tính toán sản xuất một số trang thiết bị đơn giản hơn nhưng vẫn phát huy được tác dụng tích cực trong điều trị.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tăng cường hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ để kiểm soát chặt chẽ công tác xuất nhập cảnh tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Nếu như trước đây, mỗi ngày có tới hàng nghìn lượt người nhập cảnh thì những ngày gần đây, số lượng công dân Việt Nam về nước theo đường bộ đã giảm rõ rệt (còn dưới 1.000 người/ ngày). Tuy gặp nhiều khó khăn về địa hình, khí hậu, song quân đội cố gắng hết sức để bảo đảm hậu cần lâu dài cho cán bộ, chiến sĩ trên các chốt ứng trực dọc biên giới.

Ngay sau cuộc họp Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế hội chẩn ca bệnh nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện, cho biết, ngoài 4 bệnh nhân nặng đang có những dấu hiệu tiến triển tốt, có thêm 1 ca bệnh nặng. Đó là bệnh nhân thứ 161 (88 tuổi), được chuyển từ Khoa Thần Kinh - Bệnh viện Bạch Mai sang khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Bệnh nhân này nhiễm virus từ bệnh nhân cùng phòng (khi đó chưa biết dương tính với SARS-CoV-2) điều trị tại khoa Thần kinh.

Tại buổi hội chẩn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Chúng ta đã có kinh nghiệm nên cứ có 1 ca bệnh chưa xác định được rõ thì coi đó là ổ dịch tiềm năng. Cùng với đó, chúng ta đã có quy trình truy vết tìm các trường hợp cách ly suốt mấy chục ngày nay, vì vậy, khi xảy ra vụ việc ở Bệnh viện Bạch Mai, chúng ta không bỡ ngỡ. Đáng tự hào là Việt Nam giữ được số ca nhiễm thấp hơn rất nhiều so với đánh giá ban đầu của các chuyên gia thế giới. Điều quan trọng là chúng ta chưa có ca tử vong. Việc điều trị khỏi hết các bệnh nhân, đặc biệt là các ca bệnh nặng để không có tử vong đó không chỉ là cứu sống một con người mà còn là điều mong mỏi, tự hào của ngành y tế, còn củng cố niềm tin của cả đất nước”.

MỚI - NÓNG