Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL

TPO - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2020-2025.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025 nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).    

Về chức năng, Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết vùng, phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH bao gồm cả phát triển vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

Về cơ cấu tổ chức, Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL bao gồm: Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Phó Chủ tịch Thường trực là Bộ trưởng Bộ KH&ĐT; các Phó Chủ tịch gồm: Bộ trưởng Bộ TN&MT; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Bộ trưởng Bộ GTVT.

Ủy viên Thường trực là Thứ trưởng Bộ KH&ĐT. Các ủy viên gồm: Thứ trưởng và tương đương của các bộ và cơ quan ngang bộ (Tài chính, Công Thương, Xây dựng, KH&CN, Y tế, GD&ĐT, Văn phòng Chính phủ); Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau); 1 ủy viên là đại diện chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu thuộc cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học cấp vùng; 1 ủy viên là đại diện có uy tín của cộng đồng doanh nghiệp (DN) của vùng ĐBSCL.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL ảnh 1 Quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025. 

Hội đồng điều phối vùng có thể thành lập các tiểu ban làm đầu mối điều phối theo ngành, lĩnh vực hoặc theo các tiểu vùng. Tiểu ban được tổ chức và hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng quy định.

Các nội dung, lĩnh vực hoạt động điều phối liên kết vùng, phát triển bền vững thích ứng với BĐKH bao gồm: Liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Điều phối phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Điều phối thực hiện quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các hoạt động, liên kết khác quy định tại Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ và nội dung, lĩnh vực khác theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.

Hội đồng điều phối vùng có nhiệm vụ, quyền hạn: Tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng và phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều phối, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương thực hiện quy hoạch vùng, chiến lược, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng và phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Phối hợp với TP.HCM và các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội có tính chất liên kết giữa các vùng.

Thông qua kế hoạch triển khai các hoạt động về phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Tổ chức các hoạt động chung xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, truyền thông của vùng. Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, thiết lập hệ thống thông tin vùng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL. Thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển hiệp hội DN và các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội nghề nghiệp liên minh, liên hiệp hợp tác xã của toàn vùng ĐBSCL…

Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ trong các văn bản khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng và nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng. Các Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực và các Ủy viên Hội đồng điều phối vùng sử dụng con dấu của cơ quan mình để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Kinh phí hoạt động của Hội đồng điều phối vùng bao gồm cả kinh phí hoạt động của các tiểu ban điều phối (nếu có), đoàn kiểm tra, giám sát, Văn phòng Hội đồng điều phối vùng được tổng hợp trong dự toán ngân sách hằng năm của Bộ KH&ĐT, từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và được quản lý, thanh toán, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

Văn phòng Hội đồng điều phối vùng được sử dụng tài khoản và bộ máy tài vụ của Bộ KH&ĐT.

Kinh phí hoạt động của các tổ điều phối cấp bộ, ngành được tổng hợp trong dự toán ngân sách hằng năm của bộ, ngành, từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và được quản lý, thanh toán, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan. Tổ điều phối cấp bộ, ngành được phép sử dụng tài khoản và bộ máy tài vụ của bộ, ngành.

Kinh phí hoạt động của các tổ điều phối cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tổng hợp trong dự toán ngân sách hằng năm của Sở KH&ĐT, từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và được quản lý, thanh toán, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

Tổ điều phối cấp tỉnh được phép sử dụng tài khoản và bộ máy tài vụ của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL được ban hành kèm theo Quyết định này. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020 đối với vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

MỚI - NÓNG