Nên tịch thu tài sản không giải trình được nguồn gốc

ĐB Trương Trọng Nghĩa, TPHCM.
ĐB Trương Trọng Nghĩa, TPHCM.
TP - Thảo luận về Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tại Quốc hội ngày 9/11, đại biểu cho rằng, nếu chỉ công khai, minh bạch bản kê khai tài sản ở chi bộ thì chẳng khác gì “giấu kín”, khó tạo ra hiệu quả. Một số ý kiến cũng đề nghị xây dựng cơ chế để xử lý tài sản bất minh, không giải trình được nguồn gốc theo hướng tịch thu và sung công quỹ, bởi đây là vấn đề đang gây rất nhiều bức xúc cho cử tri.

Công khai ở chi bộ khác gì “giấu kín”?

Đề cập quy định về việc cán bộ thuộc đối tượng kiểm soát phải kê khai tài sản, thu nhập của cả người thân, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, có nghịch lý khi chỉ buộc kê tài sản với con chưa thành niên – đối tượng vẫn phải sống phụ thuộc, gần như không có tài sản trong khi con đã thành niên lại rất nhiều khả năng để “tiếp tay” cho việc tẩu tán tài sản tham nhũng mà lại không phải kê khai. Mở rộng diện đối tượng trong trường hợp này, theo ông Hiểu, chính là để theo dõi sự biến động tài sản của cán bộ.

ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc BV Tim Hà Nội) cũng nêu băn khoăn về quy định kê khai tài sản của người thân cán bộ. “Như vụ VN Pharma vừa qua, khi lãnh đạo Bộ Y tế vừa khẳng định không có người thân tham gia doanh nghiệp thì lại có thông tin cho thấy có em chồng của bộ trưởng tham gia. Việc này dù được giải thích em chồng không thuộc đối tượng phải kê khai trong bảng kê của tài sản của bộ trưởng thì cũng tạo ra dư luận không tốt rồi. Vậy thì phải đưa vào quy định việc phải kê khai với cả bố mẹ, vợ chồng, con, anh chị em ruột và anh chị em vợ/chồng lãnh đạo”, bác sỹ Tuấn khuyến cáo.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Giám đốc Viện Huyết học và truyền máu Trung ương) cũng cho rằng, buộc kê khai tài sản với cả con đã thành niên sẽ là công cụ kiểm soát hữu hiệu. Dẫn ví dụ trường hợp “biệt phủ” của nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại huyện Bình Chánh, TPHCM mà dư luận nêu vấn đề gần đây, ông Trí bình luận: “Biệt phủ đứng tên sở hữu của con gái cán bộ. Nhưng con gái mới 19 tuổi đã có biệt phủ nguy nga như vậy thì thật là kỳ lạ. Trường hợp này dễ thấy điểm bất thường ở đây”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc công khai bản tài sản thế nào là rất quan trọng. Nếu công khai ở cơ quan nơi làm việc và công khai nơi cư trú, dân rất yên tâm. Nhưng nếu chỉ quy định công khai ở chi bộ Đảng thì quá bằng giấu kín đi. “Trong chi bộ đâu có kiểm soát nhau, không ai chê ai cả đâu. Nhưng đằng sau thì lại thì thào những điều không hay. Do đó, công khai ở nơi cư trú và nơi làm việc là phù hợp. Càng giấu, càng không công khai minh bạch thì “càng chết”, như “bồ nhí” càng giấu người ta càng tìm”, ông Lợi nói.

Nên tịch thu tài sản không giải trình được nguồn gốc ảnh 1 Ông Lê Minh Khái.

Tài sản bất minh - tịch thu, sung công quỹ ngay

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, khi xây dựng dự thảo luật này vấn đề cần quan tâm đặc biệt là phải có cơ chế để xử lý tài sản bất minh, không giải trình được nguồn gốc. “Nếu “buôn chổi đót”, lái xe ôm có tiền tỷ thì cũng phải giải trình được một cách rõ ràng, còn không giải trình được thì phải xử lý. Ở các nước tài sản không giải trình được nguồn gốc là bị thu giữ và xung công quỹ ngay. Cái này là vấn đề cử tri rất bức xúc. Luật phải làm được điều đó, nếu không thì sẽ không thể thu hồi được tài sản tham nhũng”, ông Nghĩa nói. “Ở các nước tài sản không giải trình được nguồn gốc là bị thu giữ và sung công quỹ ngay. Cái này là vấn đề cử tri rất bức xúc. Luật phải làm được điều đó, nếu không thì sẽ không thể thu hồi được tài sản của tham nhũng”, ĐB Trương Trọng Nghĩa, TP. Hồ Chí Minh. 

“Để tham nhũng rồi mới phát hiện, xong xử lý cũng hết sức đau lòng. Rơi vào cảnh đó buộc chúng ta phải làm thôi. Thực ra về nhân văn thì chúng ta không muốn”. 

Ông Lê Minh Khái bộc bạch

Giải trình trước những băn khoăn của các đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, tham nhũng rất phức tạp, người tham nhũng là những công chức, viên chức có trình độ, có hiểu biết nên khi họ đã có ý đồ giấu giếm thì phát hiện rất khó khăn. Do đó trong luật làm sao thiết kế được các cơ chế phòng hiệu quả, làm sao có khuôn khổ pháp lý để người có ý đồ muốn tham nhũng không thể tham nhũng. “Để tham nhũng rồi mới phát hiện, xong xử lý cũng hết sức đau lòng. Rơi vào cảnh đó buộc chúng ta phải làm thôi. Thực ra về nhân văn thì chúng ta không muốn”, ông Lê Minh Khái bộc bạch.

Ông Khái cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu quan tâm “hiến kế” để thiết lập khuôn khổ pháp lý phòng ngừa thật chặt chẽ. “Muốn tham nhũng, lợi dụng kẽ hở để tham nhũng, lợi dụng nhiệm vụ để vụ lợi thì không thể thực hiện được vì đã có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Nếu chúng ta làm được điều này thì phát hiện sẽ bớt đi, xử lý sẽ ít đi như vậy khâu phòng ngừa là quan trọng nhất”, ông Khái nhấn mạnh.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng cần tập trung làm tốt các công cụ phòng ngừa để làm sao không thể tham nhũng. “Con người mà, khi để tiền trước mắt, nếu không có ai thì lòng tham dễ phát sinh. Do đó phải có giải pháp không để chuyện đó xảy ra thì mới không có tham nhũng. Còn lỡ để xảy ra tham nhũng, phát hiện thì phải xử lý nghiêm để không dám tham nhũng”, ông Khái nói.

“Trong chi bộ đâu có kiểm soát nhau, không ai chê ai cả đâu. Nhưng đằng sau thì lại thì thào những điều không hay. Do đó công khai ở nơi cư trú và nơi làm việc là phù hợp. Càng giấu, càng không công khai minh bạch thì “càng chết”, như “bồ nhí” càng giấu người ta càng tìm”, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

ĐB Sùng Thìn Cò: Lúc khai chẳng có gì, khui ra, hàng đống nhà cửa

Nên tịch thu tài sản không giải trình được nguồn gốc ảnh 2 ĐB Sùng Thìn Cò (Hà Giang).
ĐB Sùng Thìn Cò (Hà Giang) cho rằng, tham nhũng đang rất nguy hiểm, làm mất niềm tin của người dân “Lúc này là lúc chúng ta cần trị người để cứu nước trước giặc nội xâm tham nhũng”, Tướng Cò nói và cho rằng, tham nhũng bây giờ không chỉ là những người có chức có quyền mà công chức bình thường cũng có thể tham nhũng. Do đó, việc mở rộng diện kê khai tài sản là phù hợp. “Đã là cán bộ công chức thì phải kê khai. Có thể chúng ta không giám sát hết, nhưng chúng ta sẽ lựa chọn những đối tượng làm ở những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để giám sát”, Tướng Cò góp ý.

Tuy nhiên, vị tướng này cũng lưu ý phải có giải pháp để giám sát hiệu quả chứ thực tế việc kê khai nhiều khi rất hình thức. Lúc kê khai chẳng có gì, nhưng lúc bị lộ, khui ra hàng đống nhà cửa. “Có người ở trên này còn nói, mấy ông Hà Nội kê khai tài tài sản còn ít hơn cả mình, kê khai chẳng có gì… Nhiều cán bộ cao cấp khi còn đương chức cũng kê khai chẳng có gì nhưng khi về hưu là xây nhà thờ họ hàng chục tỷ đồng. Khi giỗ họ xe to, xe nhỏ về đỗ tràn ngập đường, xa hoa vô cùng, dân kêu lắm”, Tướng Cò nói. Ông cũng phản ánh tình trạng nhiều lãnh đạo có “sân sau”, có doanh nghiệp đằng sau. “Cứ xin được một dự án là biết ngay. Dự án của chúng ta toàn phát sinh vốn, có vấn đề ở chỗ đấy”.

Tướng Sùng Thìn Cò cũng cho rằng, Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng phải xây dựng được cơ chế và giáo dục để làm sao “cán bộ thấy tiền không thích, thấy gái đẹp cũng không ham”. “Chúng tôi thỉnh thoảng nói với nhau rằng, đất nước mình mà cứ như thế này thì có lúc không ai trả lương cho mình nữa đâu. Chúng ta mà không đấu được giặc nội xâm tham nhũng này là chúng ta thua đấy”, ông Cò cảnh báo.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.