Cam go cuộc chiến phòng chống tham nhũng:

Công khai thu nhập, chặn đường tẩu tán tài sản

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên án tử hình về các tội danh: Tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Xuân Ân.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên án tử hình về các tội danh: Tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Xuân Ân.
TP - Đại biểu kiến nghị giải pháp đột phá phòng chống tham nhũng là lập trang thông tin điện tử để công khai, minh bạch tất cả các bản kê khai cho nhân dân giám sát, đồng thời sửa đổi các quy định của pháp luật làm cơ sở để tịch thu tài sản bất minh, không chứng minh được nguồn gốc.

Ngày 6/11, thảo luận tại Quốc hội về báo cáo phòng, chống tham nhũng và báo cáo của các cơ quan tư pháp, nhiều đại biểu cho rằng biện pháp phòng ngừa tham nhũng thông qua việc kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, hiệu quả thấp.

Đề xuất lập trang thông tin công khai tài sản quan chức

Dẫn ví dụ về biện pháp phòng ngừa tham nhũng thông qua thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập, ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng, rất hình thức, chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của người kê khai, chứ không ai kiểm tra, xác đinh, thẩm định nên rất khó phát giác được vi phạm và tài sản của tham nhũng. “Năm 2017, có hơn một triệu người kê khai tài sản, thu nhập nhưng cơ quan chức năng chỉ xác minh có 78 trường hợp và phát hiện ra 5 người vi phạm là rất hạn chế”, bà Yến nói.

Khẳng định, chống tham nhũng chỉ thay đổi nếu phát huy sự công khai, minh bạch – vốn được coi là giải pháp của mọi giải pháp, bà Yến kiến nghị nên lập trang thông tin điện tử về kê khai tài sản, thu nhập. Theo đó sẽ công khai, minh bạch tất cả bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, quan chức trên đó để người dân giám sát. “Có như thế mới phát huy được sức mạnh toàn dân vào cuộc để cùng giám sát, đồng bộ trong cuộc chiến chống tham nhũng”, bà Yến nói đồng thời đề nghị mở rộng hơn nữa đối tượng kê khai tài sản, trong đó bao gồm cả những người có huyết thống gần với những người kê khai nhằm ngăn chặn, hạn chế việc tẩu tán tài sản.

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng cho rằng, việc chưa có quy định công khai rộng rãi kết quả kê khai tài sản để người dân giám sát và chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát tài sản, thu nhập của người dân nói chung và của người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước nói riêng, khiến cho việc nhận diện tài sản tham nhũng trở nên khó khăn. Từ đó, bà Hoa đề nghị cần hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo hướng mở rộng một cách hợp lý diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản.

Từ góc nhìn của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho hay, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy, còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo. Việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận… “Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quy định một cách đầy đủ, toàn diện hơn về các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản giao dịch có giá trị lớn; quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai không trung thực”, Ủy ban Tư pháp đề nghị.

Lo ngại nảy sinh thế hệ tham nhũng thứ hai?

Đề cập về tình trạng tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ, ông Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho là “các báo cáo của Chính phủ thể hiện quá mờ nhạt”. “Nhiều cử tri đặt câu hỏi và mong muốn có câu trả lời là: Có hay không tham nhũng trong việc bổ nhiệm cán bộ. Nếu không có tham nhũng thì tại sao những người có tài, có đức lại không được bổ nhiệm, còn một bộ phận kém hơn lại được bổ nhiệm”, ông Bộ nói và thể hiện quan điểm cá nhân rằng “tham nhũng trong công tác cán bộ là có”.

Điều tai hại đối với tham nhũng trong công tác cán bộ được ông Bộ chỉ ra là khi đội ngũ “chạy chọt” được bổ nhiệm sẽ ra sức hành dân, hành doanh nghiệp. “Khi họ đã bỏ tiền ra chạy chức, chạy quyền thì họ sẽ tìm mọi cách để thu hồi lại bằng việc tham nhũng, hành người dân, hành doanh nghiệp. Như thế là đã xuất hiện thêm một thế hệ tham nhũng thứ hai, vô cùng nguy hại”, ông Bộ cảnh cáo, đồng thời đề nghị có giải pháp ngăn chặn hiệu quả thực trạng trên.

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) thì đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa đến tình trạng “cả họ làm quan” đang làm méo mó các quan hệ hành chính, xã hội. Theo bà Dung, việc cả họ làm quan sẽ dẫn đến việc “khép kín lợi ích”, cán bộ “lộng hành”, làm bừa, làm ẩu. Rồi trâu, bò, dê, gà giúp đỡ người nghèo sẽ dễ “đi lạc” vào nhà quan... “Nếu để lâu dài thì cả họ làm quan sẽ phát sinh tình trạng “tổ đảng nhà ta, chi bộ nhà ta” và sẽ kéo theo sự phân công, chia chác quyền lực, không tránh khỏi tình trạng mất tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết, bè phái cục bộ, tranh chức tranh quyền giữa các dòng họ”, bà Dung nói.

Theo bà Dung, tham nhũng ở cấp xã, dù chỉ là tham nhũng vặt nhưng tác hại khôn lường, làm hư hỏng nến công vụ ngay tại cơ sở, làm cải cách hành chính trì trệ ngay từ cơ sở, người dân không tin tưởng vào lãnh đạo. “Nếu quan điểm nhà dột từ nóc là nguy hiểm thì lũ lụt thấm vào nền móng còn nguy hại hơn rất nhiều, nền móng mà lún sụt thì không nhà cửa nào đứng nổi”, bà Dung cảnh báo.

Thu hồi tài sản tham nhũng- thước đo hiệu quả phòng, chống

Về thu hồi tài sản tham nhũng, theo nhiều đại biểu cho dù có làm tốt công tác điều tra, truy tố đến đâu, tòa án có tuyên những bản án nghiêm khắc đến đâu mà không thu hồi được tài sản tham nhũng thì việc xử lý tham nhũng coi như chưa triệt để, không đạt được mục tiêu của Đảng, Nhà nước đề ra. Dẫn báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ, một số đại biểu bày tỏ sự “thất vọng” trước tình trạng “tham nhũng thì nhiều mà thu hồi chẳng là bao”. ĐB Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) dẫn chứng, trong năm 2017, tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỷ đồng và 77.057m2 đất, nhưng thu hồi chỉ được hơn 329 tỷ đồng và 3.700m2 đất là quá thấp.

Đặc biệt theo ông Hiển, trong một số vụ án tham nhũng, vi phạm kinh tế lớn thì tỷ lệ tài sản thu hồi được còn thấp hơn nữa. Đơn cử như vụ việc xảy ra ở tập đoàn Vinashin, theo quyết định thi hành án thì Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải liên đới, bồi thường thiệt hại cho Vinashin số tiền là 989,2 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm tháng 7/2017, vẫn chưa thi hành được khoản nào. Do vậy, theo đại biểu đoàn Lâm Đồng, các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án cần phải coi việc thực hiện tốt chính sách thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, là một trong những chính sách, ưu tiên hàng đầu trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Về nguyên nhân của thực trạng trên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, người phạm tội tham nhũng thường là người có chức vụ, có trình độ học vấn và chuyên môn nhất định nên có nhiều thủ đoạn tinh vi để ngụy trang, chuyển hóa, chuyển đổi, tẩu tán tài sản. Bên cạnh đó, trong quá trình tiến hành tố tụng, một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa quyết liệt trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng; chưa kịp thời trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, tạm giữ, cấm chuyển dịch tài sản để ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản. Từ phân tích trên, bà Hoa đề nghị, trong việc xử lý các vụ án tham nhũng, cơ quan tiến hành tố tụng cần kịp thời áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn đầu của quá trình giải quyết vụ án để tránh tài sản tham nhũng có thể bị tẩu tán, tạo điều kiện để có thể thi hành án sau này.

“Khi họ đã bỏ tiền ra chạy chức, chạy quyền thì họ sẽ tìm mọi cách để thu hồi lại bằng việc tham nhũng, hành người dân, hành doanh nghiệp. Như thế là đã xuất hiện thêm một thế hệ tham nhũng thứ hai, vô cùng nguy hại”

 Ông Nguyễn Mai Bộ (An Giang)

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.